Phóng to |
Điều quan trọng là em uống thuốc trong khi có thai mà không biết. Theo dự đoán của em thì khả năng em uống thuốc khi thai được 3-4 tuần tuổi. Cũng trong khoảng thời gian này em đã bị bọ chét cắn và được bác sĩ da liễu kê cho thuốc bôi ngoài da (rất tiếc em không nhớ tên loại thuốc này).
Khi thai được 12 tuần em có đi Bệnh viện phụ sản HP siêu âm 4D thì kết quả là thai phát triển bình thường, chưa thấy bất thường hình thái thai nhi. Giờ em đang rất lo lắng vì em biết đang mang thai mà dùng thuốc bất kể là loại thuốc nào cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thai.
Vậy liệu những loại thuốc em đã dùng sẽ ảnh hưởng thế nào đến thai nhi? Mức độ ảnh hưởng ra sao? Thai 12 tuần phát triển tốt thì liệu có phát triển tốt hết cho đến lúc sinh không? Tâm trạng em giờ rất bất an bởi nếu có vấn đề gì phải bỏ thai thì em rất đau khổ. Rất mong nhận được sự quan tâm trả lời sớm của phòng mạch. Em vô cùng cám ơn.
Ngọc Bích
- Trả lời của phòng mạch online:
- Chị đang có thai 17 tuần, có các vấn đề:
1. Trong giai đoạn đầu thai kỳ có dùng một số lọai thuốc không rõ loại
2. Khảo sát tình trạng thai ở 12 tuần chưa ghi nhận hình ảnh bất thường về hình thái thai nhi
Chị muốn hỏi:
1. Thuốc có ảnh hưởng tới mức nào tới thai nhi?
2. Khi 12 tuần, thai nhi kết quả siêu âm ghi nhận phát triển bình thường thì sẽ phát triển bình thường tới cuối thai kỳ hay không?
Thai kỳ có thể được chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn đầu kéo dài khoảng chừng hai tuần đầu của thai kỳ, gọi là thời kỳ tiền phôi. Thời kỳ phôi từ hai tuần đến cuối tháng thứ hai và sau đó là thời kỳ thai.
Thời kỳ phôi đặc trưng bởi sự tạo ra các mầm mô - cơ quan và tới cuối tháng hai, mầm của mọi cơ quan đã hình thành và được xếp đặt vào vị trí nhất định. Trong thời kỳ này, phôi rất dễ nhạy cảm với tác hại của các yếu tố phát sinh từ môi trường bên ngoài. Những yếu tố ấy có thể gây ra các dị tật bẩm sinh mà ta có thể thấy sau khi trẻ ra đời.
Sự hiểu biết sự kiện chính xảy ra trong thời kỳ này giúp chúng ta có thể chẩn đoán được nguyên nhân và thời gian mà các yếu tố môi trường ngoài tác động và gây ra các dị tật đó. Thí dụ trước một quái thai không não, ta có thể đoán được dị tật phát sinh vào ngày 23-25 của quá trình phát triển cá thể. Hoặc ngón tay, ngón chân được hình thành từ tuần lễ thứ sáu đến thứ tám của thai kỳ, nếu trẻ bị thiếu chi là do tác nhân tác động vào thời điểm này.
Thời kỳ thai, các mô và cơ quan tiếp tục phát triển, lớn lên, trưởng thành và biểu lộ họat động chức năng. Trong thời kỳ này, sự biệt hóa các mô và cơ quan kém tích cực hơn thời kỳ phôi. Sự sinh ra các dị tật bẩm sinh thì hiếm nhưng sự phá hủy tế bào thần kinh gây ra bởi yếu tố gây độc hại tế bào vẫn có thể xảy ra và gây ra các rối loạn sinh bệnh lý mà ta có thể phát hiện sau khi trẻ ra đời.
Như vậy:
1. Thuốc chị dùng vào khoảng thời kỳ tiền phôi (thai 3-4 tuần nghĩa là thai thực sự được 1-2 tuần), nếu thuốc đủ mạnh đã gây chết thai và sảy thai, đây là quy luật “có tất cả hoặc không có gì hết”. Thai của chị đã vuợt qua được giai đoạn này và tới giai đoạn thai nên tôi nghĩ thuốc không đủ mạnh để gây dị tật nặng cho thai nhi.
2. Tại thời điểm 12 tuần, siêu âm sẽ giúp phát hiện các dị tật nặng như thai vô sọ (quái thai không não), và đây là thời điểm quan trọng để tầm soát nguy cơ hội chứng Down dựa trên đo quang gáy và làm xét nghiệm PAPP-A. Tuy nhiên, việc đánh giá đầy đủ các cơ quan của thai nhi phải dựa thêm một lần siêu âm nữa là lúc thai 20-22 tuần. Ngoài ra, chẩn đoán của siêu âm chỉ có giá trị khoảng 80-90% nên sẽ cần các biện pháp hỗ trợ khác như xét nghiệm sinh hóa, chọc ối thử di truyền…
3. Chấm dứt thai kỳ là một quyết định khó khăn phải dựa trên các khảo sát kỹ lưỡng về thai nhi và thảo luận với các chuyên gia về sản khoa, nhi khoa và cả chuyên gia về di truyền cùng với cha mẹ. Đa số chỉ định chấm dứt thai kỳ chỉ dành cho các trường hợp dị tật nặng, ảnh hưởng trầm trọng đến sống còn và chức năng tâm thần của thai nhi.
Ví dụ trong trường hợp não úng thủy năng (toàn bộ não là nước, không còn nhu mô não) sẽ có chỉ định chấm dứt thai kỳ nhưng não úng thủy trung bình và nhẹ có thể điều trị khi trẻ ra đời thì vẫn cho phép dưỡng thai. Ngay cả trong trường hợp phát hiện trẻ bị Down, nếu cha mẹ vẫn muốn dưỡng thai thì vẫn cho phép để nuôi thai vì trẻ ra đời chỉ chậm phát triển về mặt tâm thần chứ vẫn có thể sống khỏe mạnh.
Vì thế, chị hãy theo sát sự hướng dẫn của bác sĩ để kiểm tra kỳ thai nhi trong thời gian tới để kịp phát hiện các biến chứng.
4. Trong quá trình mang thai, tình trạng viêm nấm âm đạo rất dễ xảy ra do sức đề kháng của mẹ giảm, nên việc điều trị là cần thiết vì nhiễm nấm gây khó chịu cho người me (ngứa rát vùng âm hộ) và để tránh nhiễm nấm cho thai khi sinh (khi sinh, thai đi qua âm đạo có thể nhiễm nấm vào mắt và miệng trẻ). Thuốc bác sĩ cho đã được cân nhắc, không ảnh hưởng cho thai, chị nên theo điều trị.
Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Chân thành cảm ơn. TTO |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận