07/01/2014 05:43 GMT+7

"Hiệp sĩ" không được tự ý dừng xe đối tượng khả nghi

BÁ SƠN
BÁ SƠN

TT - Các “hiệp sĩ” không được tự ý dừng xe đối tượng khả nghi mà phải báo tin cho công an rồi tiếp tục theo dõi. Nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội quả tang thì “hiệp sĩ” mới được tham gia bắt giữ.

Ngày 6-1, Công an tỉnh Bình Dương cho biết quy chế mới về tổ chức và hoạt động của các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm trên địa bàn mà công an tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh vừa ban hành nhằm xác định rõ các yếu tố pháp lý để “hiệp sĩ” hoạt động đúng quy định, không phải tăng thêm quyền hạn cho “hiệp sĩ” so với quy chế ban hành trước đây.

SW1TaLbZ.jpgPhóng to
“Hiệp sĩ” Nguyễn Thanh Hải (đứng) và đồng đội thuộc CLB Phòng chống tội phạm P.Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) bắt quả tang hai đối tượng trộm tivi trên địa bàn - Ảnh: T.L.

Cụ thể, thành viên các đội xung kích phòng chống tội phạm (thường được gọi là “hiệp sĩ”) chỉ được tham gia bắt các đối tượng có hành vi phạm tội quả tang và đối tượng truy nã.

Để tránh việc các “hiệp sĩ” lạm quyền, quy chế mới quy định trong trường hợp truy đuổi đối tượng phạm tội ra ngoài phạm vi xã, phường, thị trấn mà mình hoạt động, “hiệp sĩ” phải báo ngay cho ban chủ nhiệm câu lạc bộ để báo cáo với đơn vị công an liên quan phối hợp giải quyết.

Các “hiệp sĩ” không được tự ý dừng xe đối tượng khả nghi mà phải báo tin cho công an rồi tiếp tục theo dõi. Nếu đối tượng thực hiện hành vi phạm tội quả tang thì “hiệp sĩ” mới được tham gia bắt giữ.

Quy chế mới cũng đồng thời quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương đối với hoạt động của các “hiệp sĩ”.

Thay vì để các “hiệp sĩ” đảm nhận như trước đây, chức vụ đội trưởng đội xung kích phòng chống tội phạm sẽ được giao cho trưởng công an cấp xã, phường, thị trấn.

Như vậy, trưởng công an cấp xã, phường, thị trấn sẽ phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong hoạt động của các đội xung kích phòng chống tội phạm và gắn bó nhiều hơn với các “hiệp sĩ”.

Về việc trang bị một số dụng cụ hỗ trợ (chỉ gồm ba loại: dùi cui điện, dùi cui cao su, găng tay bắt dao), các “hiệp sĩ” không được tự trang bị mà phải thông qua phê duyệt của cơ quan công an.

Danh sách những ai được sử dụng dụng cụ hỗ trợ, quản lý và sử dụng thế nào cũng phải được cơ quan công an có thẩm quyền hướng dẫn, quản lý để tránh sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng tới người dân.

Theo thượng tá Huỳnh Văn Sen, phó trưởng phòng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV28) Công an tỉnh Bình Dương, quy chế mới vừa xác định rõ một số yếu tố để tạo điều kiện cho “hiệp sĩ” hoạt động như cơ chế tài chính cho các câu lạc bộ phòng chống tội phạm, chế độ hỗ trợ “hiệp sĩ” bị chết hoặc bị thương khi đang làm nhiệm vụ...

Đồng thời, quy chế này cũng ràng buộc trách nhiệm để tránh việc các “hiệp sĩ” lạm quyền, lợi dụng danh nghĩa “hiệp sĩ” để tư lợi.

Thời gian tới, Công an tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật cho các “hiệp sĩ” để họ hiểu chức năng, nhiệm vụ của mình và hoạt động đúng quy chế.

Xác định rõ việc được làm và không được làm

Theo Công an tỉnh Bình Dương, so với quy chế cũ, quy chế mới bổ sung nhiều nội dung liên quan tới hoạt động của hội viên các câu lạc bộ phòng chống tội phạm. Trong phần quy định “nhiệm vụ và quyền hạn” của hội viên, quy chế cũ chủ yếu nói đến khía cạnh liên quan tới việc tham gia các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ, việc tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện quy định pháp luật... mà chưa tính tới thực tế các “hiệp sĩ” còn tham gia bắt các đối tượng phạm tội. Trong quy chế mới đã xác định rất rõ những việc “hiệp sĩ” được làm, không được làm khi tham gia phòng, chống tội phạm, quy định địa bàn hoạt động của “hiệp sĩ”, trách nhiệm phải báo tin, phối hợp với lực lượng công an khi phòng chống tội phạm...

Về cơ cấu, các câu lạc bộ phòng chống tội phạm tại Bình Dương gồm hai đội: đội xung kích chống tội phạm (tham gia bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang, đối tượng truy nã) và đội tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trước đây, các “hiệp sĩ” có thể được giữ chức vụ đội trưởng đội xung kích phòng chống tội phạm, nhưng nay chức vụ này buộc phải do trưởng công an cấp xã, phường, thị trấn đảm nhiệm, các “hiệp sĩ” có thể đảm nhiệm chức vụ đội phó.

Về công cụ hỗ trợ, quy chế cũ không quy định trong khi thực tế tham gia bắt giữ đối tượng phạm tội, các “hiệp sĩ” có thể gặp nguy hiểm nên quy chế mới quy định “hiệp sĩ” được trang bị ba loại công cụ hỗ trợ trên. Theo Công an tỉnh Bình Dương, quy định này phù hợp với pháp lệnh về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ và Bộ Công an.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên