Ông Hiệp đang sửa xe - Ảnh: Sơn Bình |
Ông tên Đoàn Văn Hồng, thường gọi là Hiệp, năm nay 58 tuổi, quê huyện Củ Chi, TP.HCM. Năm 1998, ông Hiệp là một trong những người dân đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen nhiều lần săn bắt cướp (SBC) trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Ông sinh ra trong một gia đình nông dân khó khổ, cha mất sớm, từ nhỏ phải nghỉ học. Năm 15 tuổi, ông lên Sài Gòn nương tựa nhà người thân ở quận Tân Bình học nghề sửa xe.
Những năm sau giải phóng, khi đang hành nghề sửa xe, ông chứng kiến nhiều vụ cướp táo tợn gây bao đau khổ cho nạn nhân và chính ông từng bị cướp chĩa súng vào đầu cướp xe. Thực tế đó khiến ông rất bất bình trước bọn ăn không ngồi rồi đi cướp của người ta.
“Hôm nay chúng cướp của người khác thì hôm sau chính mình hoặc người thân mình sẽ là nạn nhân” - ông Hiệp giải thích thái độ không khoan nhượng với tội phạm.
Từ đó ông bắt rất nhiều tên cướp, trả lại tài sản cho người dân rồi lầm lũi trở về tiệm sửa xe mà không nhớ rõ mặt nạn nhân, mình bị thương tích như thế nào, xe máy hư hỏng ra sao?
Cho đến khi xuất hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ năm 1994, câu chuyện người sửa xe bắt cướp mới được nhiều người biết đến.
Ông vẫn còn lưu giữ hàng xấp giấy khen của công an các cấp trao tặng. Nói đến kinh nghiệm SBC, dù không biết võ thuật nhưng bù lại ông rất am hiểu các loại xe máy và rất linh hoạt giải quyết từng tình huống khi giáp mặt bọn cướp.
Chính những ưu điểm đó khiến ông trở thành khắc tinh của tội phạm khi liên tục ra tay “hành hiệp trượng nghĩa”...
Ngồi cùng vợ trong căn nhà ở quận Bình Tân, ông Hồng nói nhiều tội phạm đến tiệm sửa xe chửi thề, hăm dọa đủ điều nhưng ông không ngán ngại một ai. Còn chuyện SBC khiến ông bị thương thì như cơm bữa.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Hạnh - vợ ông, nhiều lần ông chở bà đi công chuyện mà mắt ông cứ nhìn dáo dác trên đường. Khi nào ông kêu “xuống xe” là bà hiểu ông bắt đầu rượt bắt cướp mà không muốn vợ liên lụy.
“Thiệt ra sau khi bắt cướp trở về nhà tôi cũng cảm thấy sợ, bởi có mệnh hệ nào sẽ bỏ lại vợ con không ai chăm sóc. Nhưng cứ đi đường gặp trộm cướp thì tính tôi nó vậy, phải đuổi bắt đến cùng”.
Sau thời gian tự phát SBC, chính quyền địa phương vận động ông làm dân phòng khu phố. Sau đó ông chuyển nhà về P.Tân Thành, Q.Tân Phú.
Tại đây, ông Hiệp tiếp tục làm tổ trưởng dân phòng trong khu phố, đồng thời thuê mặt bằng mở một tiệm sửa xe tại Q.12 lao động mưu sinh. Năm năm trước, ông xin nghỉ công tác dân phòng khu phố do tuổi tác.
Đánh giá tội phạm xưa và nay, ông Hồng cho biết sau giải phóng tình trạng tội phạm phức tạp bởi hoạt động manh động theo băng nhóm, có khu vực, có trang bị súng đạn.
Tuy nhiên tội phạm ngày nay phổ biến hơn, khó lường hơn xưa rất nhiều. Nên người dân có ra tay nghĩa hiệp trên đường phố phải tỉnh táo, nhắm không thắng được thì tìm cách khác, chứ đừng liều mạng để tránh xảy ra chuyện đáng tiếc.
Ông nói rằng xưa không chỉ ông, mà còn nhiều người dân khác hay đi SBC một cách tự nhiên, không nghĩ ngợi, bắt xong giao công an rồi về nhà.
Ông khuyên các anh em hiệp sĩ thấy người cần giúp thì phải giúp, đừng làm gì thẹn lương tâm, sai cái nghĩa “hiệp sĩ” mà người dân đã gọi.
Những năm sau giải phóng, nạn cướp giật trên đường phố rất phức tạp, Công an TP.HCM đã thành lập lực lượng săn bắt cướp. Khi đó xe bọn cướp hoạt động chủ yếu là Honda 67 và các chiến sĩ công an săn bắt cướp cũng sử dụng loại xe này. Để đeo bám tội phạm trên nhiều ngả đường, không còn cách nào khác phải “độ” xe (tăng tốc độ cho xe) và ông Hồng chính là người chuyên “độ” xe cho công an ngày ấy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận