20/04/2021 14:44 GMT+7

Hiệp hội dệt may của 9 nước kiến nghị các nhãn hàng lớn hành xử công bằng

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Hiệp hội dệt may của 9 quốc gia đang có những bước đi quyết liệt nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng trong quan hệ với nhiều nhãn hàng và nhà bán lẻ thời trang châu Âu và Mỹ.

Hiệp hội dệt may của 9 nước kiến nghị các nhãn hàng lớn hành xử công bằng - Ảnh 1.

Công nhân may Bangladesh - Ảnh minh họa: npr.org

Hiệp hội dệt may của 9 quốc gia ở châu Á, Trung Đông và Bắc Phi đang có những bước đi quyết liệt nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng trong quan hệ với nhiều nhãn hàng và nhà bán lẻ thời trang châu Âu và Mỹ.

Theo đó, 13 hiệp hội đại diện cho các công ty dệt may của Bangladesh, Campuchia, Indonesia, Myanmar, Việt Nam, Trung Quốc, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Morocco - các quốc gia tạo ra gần 70% lượng hàng may mặc xuất khẩu toàn cầu - đang tiến tới hoàn tất một dự thảo văn bản về các điều khoản mua hàng trách nhiệm. Văn bản này được xem là cơ sở để thương thuyết nhằm đảm bảo hoạt động mua - bán đều có lợi cho hai phía.

Vào thời điểm này năm ngoái, rất nhiều công ty may mặc trên khắp thế giới đã rơi vào tình trạng điêu đứng khi nhiều nhãn hàng và nhà bán lẻ dồn dập hoãn, hủy, từ chối không trả tiền hay giảm giá các hợp đồng đã ký kết do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo một báo cáo của Hiệp hội Các nhà xuất khẩu và sản xuất dệt may Bangladesh (BGMEA), chỉ riêng trong tháng 3 và 4-2020, tổng số đơn hàng bị hoãn, hủy của các doanh nghiệp nước này lên tới 3,7 tỉ USD. Khách hàng của họ là hơn 1.900 nhãn hàng và nhà bán lẻ châu Âu và Bắc Mỹ.

Theo báo cáo nhan đề 'Hàng tỉ USD không trả' của Trung tâm Về quyền của người lao động toàn cầu (CGWR), trong những tháng đầu của đại dịch COVID-19, nhiều nhãn hàng đã hoãn, hủy và từ chối thanh toán số đơn hàng có tổng trị giá lên đến 40 tỉ USD. Ngoài ra, thống kê của Liên minh phong trào PayUp còn cho thấy tính đến tháng 4-2021, nhiều nhà bán lẻ và nhãn hàng thời trang vẫn còn nợ các nhà sản xuất 18 tỉ USD trong số 40 tỉ USD nói trên.

Thừa nhận những khó khăn mà các nhãn hàng và nhà bán lẻ gặp phải khi hầu hết các quốc gia trên thế giới áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, trong đó có việc đóng cửa các cửa hàng bán lẻ, báo giới và các tổ chức bảo vệ quyền lợi người lao động vẫn phải lên tiếng về những hành xử được xem là thiếu trách nhiệm của những người mua hàng.

Rất nhiều nhãn hàng và nhà bán lẻ đã đơn phương thay đổi những điều khoản hợp đồng vốn ký kết cách đó nhiều tháng và không cho các nhà cung ứng có cơ hội được thương thảo. Một số nhà bán lẻ thậm chí còn vận dụng điều khoản quy định về các trường hợp bất khả kháng để tuyên bố với nhà sản xuất có thể 'hủy bất kỳ đơn đặt hàng nào, ở bất kỳ giai đoạn nào', áp dụng với "các đơn đặt hàng đang trong quá trình sản xuất và trong quá trình vận chuyển', đồng thời 'không chịu trách nhiệm về chi phí của hàng hóa'.

Trên thực tế, tình trạng chèn ép của các nhãn hàng và nhà bán lẻ trong vai trò người mua hàng đối với các nhà sản xuất đã diễn ra trong nhiều năm gần đây, và đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng này. Các nhãn hàng đưa ra rất nhiều yêu cầu với nhà sản xuất như giao hàng nhanh, hàng phải đảm bảo 100% chất lượng, tìm mọi cách để phạt và giảm tiền công của nhà sản xuất.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thừa nhận cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến ngành dệt may ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Doanh số bán lẻ ở các thị trường xuất khẩu chủ chốt giảm mạnh đã ảnh hưởng đến người lao động và các doanh nghiệp trong toàn bộ các chuỗi cung ứng.

Báo cáo của ILO nhấn mạnh nhập khẩu từ các nước là khách hàng lớn của các nước xuất khẩu hàng dệt may ở châu Á đã giảm đến 70% trong nửa đầu năm 2020 do nhu cầu của người tiêu dùng giảm mạnh, các biện pháp phong tỏa mà chính phủ áp dụng và sự gián đoạn trong nhập khẩu nguyên liệu thô phục vụ sản xuất hàng dệt may.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên