30/11/2014 09:14 GMT+7

​Hiên nhà tôi biến thành đường hàng xóm

H.ĐIỆP - M.HOA ghi
H.ĐIỆP - M.HOA ghi

TT - “Tòa tuyên buộc tôi phải cắt đất nhà mình để làm lối đi cho nhà ông Sơn, trong khi thửa đất nhà tôi đã nhỏ lại càng nhỏ.

Lối đi của nhà ông Sơn trên phần đất của bà Hằng - Ảnh: M.Hoa

Đất nhà tôi đã được UBND quận Thủ Đức cấp giấy chứng nhận trước đó, đất của ông Sơn được cấp sau nhưng lại biến hiên nhà tôi thành lối đi nhà ông ấy”.

Bà Ngô Thanh Hằng (23 tuổi), ngụ tại địa chỉ 756/3 đường Kha Vạn Cân, khu phố 5, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, TP.HCM, cho biết.

Bỗng dưng tranh chấp

Mảnh đất và nhà rộng 34,1m2 tại địa chỉ trên được cha mẹ tôi mua và đến năm 2004 thì UBND quận Thủ Đức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tôi.

Đến năm 2012, tôi tôn phần nền của hiên nhà (rộng 8,8m2) cho cao thì bị ông Trần Văn Sơn (hàng xóm, có thửa đất rộng 383,7m2 tại địa chỉ 756/5 đường Kha Vạn Cân) phản đối, vì ông Sơn khẳng định phần đất này là lối đi của nhà ông đã được UBND quận Thủ Đức cấp giấy chứng nhận. 

Tôi không tin và yêu cầu ông Sơn trưng ra bản gốc hoặc bản công chứng giấy chứng nhận đó nhưng không được ông Sơn đáp ứng.

Sau đó, tôi tiếp tục cho sửa chữa căn nhà của mình thì nhận được giấy của UBND phường mời lên để giải quyết vấn đề tranh chấp 8,8m2 đất nói trên.

Khi tôi khiếu nại lên UBND quận Thủ Đức về việc ông Sơn tranh chấp phần đất ở hợp pháp của mình, ngày 27-8-2012 UBND quận Thủ Đức khẳng định vụ việc này đã được ông Sơn khởi kiện ra TAND quận Thủ Đức bằng một vụ án dân sự.

Mặt khác, sau khi TAND quận Thủ Đức thụ lý vụ kiện của ông Sơn thì UBND quận Thủ Đức cũng có công văn ngày 3-9-2013 gửi TAND quận Thủ Đức, trong đó xác định rõ: “Việc thu hồi giấy chứng nhận của ông Trần Văn Sơn là cần thiết”.

Nhưng UBND quận Thủ Đức cũng có kiến nghị khác: “Hiện nay đường vào nhà ông Sơn chỉ có một lối duy nhất là đi qua nhà bà Hằng và từ trước đến nay ông Sơn vẫn đi nhờ. Bởi vậy, căn cứ vào khoản 1 điều 275 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi bất động sản khác mà không có lối đi ra thì có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng, người được dành lối đi ra cần phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề nếu không có thỏa thuận nào khác.

Từ những căn cứ đó, UBND quận Thủ Đức đề xuất ông Sơn thỏa thuận với bà Hằng về lối đi, nếu không thỏa thuận được thì UBND quận Thủ Đức giải quyết vụ án theo thủ tục pháp luật”.

Vừa xác nhận, vừa hủy

Tại phiên xét xử của TAND quận Thủ Đức, tôi đã trình bày rằng trước đây hộ gia đình ông Sơn cùng với nhiều hộ dân khác đều có một lối đi chung ra đường Kha Vạn Cân, nhưng sau này do có mâu thuẫn với các hộ dân trên nên họ không cho ông Sơn đi nhờ nữa. Vì vậy ông Sơn xin gia đình tôi để được cho đi nhờ và tôi đồng ý.

Tôi khẳng định đây không phải là lối đi lâu nay của gia đình ông Sơn mà tôi chỉ mới cho ông Sơn đi nhờ.

Thửa đất nhà tôi vốn nhỏ, không đủ diện tích để xin cấp phép xây dựng, giờ nếu xén đi thêm 8,8m2 thì chỉ còn lại hơn hai chục mét vuông, vậy chúng tôi ở đâu? Vậy nên tôi không đồng ý bán phần đất ấy cho nhà ông Sơn.

Bởi luật cũng quy định ông Sơn có thể thỏa thuận với các hộ dân khác để tạo lập lối đi riêng, các hộ dân xung quanh đều có diện tích đất lớn hơn nhà tôi, vậy nên tôi mong muốn ông Sơn thỏa thuận với những hộ dân khác.

Tôi đã yêu cầu tòa tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai cho nhà ông Sơn. HĐXX TAND quận Thủ Đức đã tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho nhà ông Sơn, đồng thời tuyên buộc tôi phải chừa ra lối đi chung (8,8m2) để nhà ông Sơn cùng đi. Và ông Sơn chỉ phải trả 66 triệu đồng tiền “mua” lối đi chung ấy.

Tôi không thể nào đồng ý được với phán quyết trên của tòa bởi đất của nhà ông Sơn là đất nông nghiệp, để chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải thỏa thuận được lối đi trước. Nếu tòa đã tuyên hủy bỏ giấy chứng nhận đó thì ông Sơn phải làm lại việc thỏa thuận về lối đi rồi mới làm hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tôi đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Phải đề cao sự thỏa thuận giữa hai bên

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, lãnh đạo phòng tài nguyên - môi trường một quận khẳng định nếu bản án sơ thẩm của tòa có hiệu lực thì việc thi hành sẽ rất oái oăm, luẩn quẩn. Bản án tuyên hủy giấy chứng nhận (GCN) của ông Sơn, đồng thời tuyên buộc bà Hằng phải cho ông Sơn đi qua phần đất nhà bà Hằng.

Như vậy, nếu GCN của ông Sơn bị hủy và ông này làm thủ tục xin cấp GCN mới thì thực chất GCN mới này không hề thay đổi nội dung gì so với GCN vừa bị hủy (có thể hiện phần diện tích 8,8m2 này là “lối đi”). Vậy thì động tác hủy - cấp mới GCN thật ra chỉ là hình thức.

Trong khi đó, GCN của bà Hằng ghi phần diện tích này là “hiên” nên sẽ phát sinh thủ tục điều chỉnh lại GCN của bà Hằng.

Vị này cũng dẫn thêm quy định ở điều 275 Bộ luật dân sự 2005: cần đề cao sự thỏa thuận giữa các bên, khi nào không thể thỏa thuận được, phát sinh tranh chấp thì mới yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

 

H.ĐIỆP - M.HOA ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên