18/09/2007 13:57 GMT+7

Hiểm họa từ súng đồ chơi

DIỆU THUẦN
DIỆU THUẦN

TT - Trên thị trường đồ chơi dịp Tết Trung thu tại Hà Nội, mặc dù đã bị cấm nhưng nhiều đồ chơi bạo lực, nguy hiểm vẫn được bày bán.

8tHaPIrM.jpgPhóng to

Các quầy bán đồ chơi trẻ em tại cửa chợ Đồng Xuân, nơi người ta có thể hỏi mua súng airsoft với giá 15.000 - 80.000 đồng/khẩu

TT - Trên thị trường đồ chơi dịp Tết Trung thu tại Hà Nội, mặc dù đã bị cấm nhưng nhiều đồ chơi bạo lực, nguy hiểm vẫn được bày bán.

"Súng phun nước là đồ bỏ. Bây giờ phải chơi đồ airsoft (một loại súng nhựa hoặc thép y như súng thật) mới sành điệu" - anh chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Lương Văn Can nói. Giới thiệu với tôi một khẩu súng ngắn, anh cho biết đây là loại cấp thấp nhất, súng bắn ra đạn nhựa, bên trong có cò và lò xo y hệt súng thật. Ngả giá một lúc, khẩu súng được anh đồng ý bán cho tôi với giá 25.000 đồng.

Bạo lực

Airsoft vốn là một trò chơi bạo lực mới được ưa chuộng tại VN. Trò chơi này mô phỏng các cuộc chiến đấu của những đội lính đặc nhiệm của nước ngoài, sử dụng súng nhựa hoặc thép được làm y như súng thật. Tuy nhiên, để có một khẩu súng airsoft xịn phải bỏ ra 100-500 USD. Chính vì thế, thị trường đồ chơi cho trẻ em, thậm chí cả người lớn, xuất hiện nhiều loại súng airsoft mô phỏng súng thật.

Súng đồ chơi trên thị trường có nhiều loại. Theo giới thiệu của một bà chủ trên đường Lương Văn Can, từ súng ngắn các loại cho đến súng trường, súng AK, súng AR15 đều được mô phỏng để sản xuất. Súng sử dụng đạn nhựa, nếu bắn ở vị trí gần có thể làm thủng, vỡ xô chậu nhựa, rất nguy hiểm đối với người xung quanh.

6WCXJDZx.jpgPhóng to
Những khẩu súng đồ chơi bắn đạn nhựa với hình thức như súng thật được mua dễ dàng tại khu vực "chợ đồ chơi" Lương Văn Can, Hà Nội

Súng đồ chơi không chỉ nguy hiểm đối với tính mạng, sức khỏe của trẻ em mà còn có thể trở thành hung khí nguy hiểm trong các vụ án nghiêm trọng. Đã có một số vụ cướp mà các đối tượng sử dụng loại súng đồ chơi làm hung khí tấn công nạn nhân.

Gần đây nhất là vụ Đỗ Thanh Tuấn (tự Sang Em) và Huỳnh Thanh Tùng (cùng 23 tuổi, trú ở huyện Đức Hòa, Long An) dùng hai khẩu súng giả đột nhập tiệm vàng Kim Nên (ấp Chợ, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP.HCM) cướp 19 sợi dây chuyền.

Tùy theo từng mặt hàng, súng đồ chơi có giá từ 15.000 - 80.000 đồng/khẩu. Mặt hàng nào cũng có, nhưng muốn mua thì trao tiền sẽ trao hàng, không có chuyện… xem hàng. Người bán cũng không cầm đến súng mà để ra một nơi rồi khách hàng tự cầm về.

Chị chủ cửa hàng cho biết: "Mấy loại này bị cấm, chỉ ai biết và quen thì mới hỏi mua. Không chỉ phố Lương Văn Can mới bán các loại đồ chơi bạo lực. Tại các điểm bán đồ chơi trẻ em như khu vực Đồng Xuân, phố Hàng Lược, phố Nguyễn Quý Đức... đồ chơi bạo lực hầu như được bày bán công khai.

Dao, kiếm, súng nhựa không bắn đạn đều được bày lên sạp, chỉ những loại súng như airsoft mới được cất giấu kỹ lưỡng dành bán cho những khách "sành điệu". Súng, kiếm đóng vỉ giá từ 30.000 - 50.000 đồng/vỉ. Bên trong mỗi vỉ tùy loại có từ kiếm đến súng ngắn, súng AK nhựa, thậm chí cả súng bắn tia laser.

Nguy hiểm

Khi phong trào súng hơi bắn đạn nhựa rộ lên ở Hà Nội, không ít em nhỏ đã bị bắn rách chân, tay, để lại những vết sẹo trên cơ thể. Trường hợp nặng còn phải vào bệnh viện để khâu, mổ. Với loại súng đồ chơi airsoft, khả năng sát thương cao hơn.

Theo một thành viên của câu lạc bộ SWAT (CLB chuyên chơi súng airsoft loại xịn), súng airsoft đồ chơi có lực bắn rất mạnh. Nếu bắn trúng ở cự ly gần có thể xuyên sâu vào người hoặc ít nhất là xây xát vùng da bên ngoài. Súng đồ chơi này có nguồn gốc từ Trung Quốc, được các chủ hàng nhập lậu vào VN và bán đến các cửa hàng đồ chơi trên cả nước.

Bên cạnh mặt hàng đồ chơi nguy hiểm như súng, dao kiếm các loại, các cửa hàng bán đồ chơi trung thu năm nay còn bày bán nhiều sản phẩm đồ chơi kinh dị. Với 40.000 - 50.000 đồng, khách hàng có thể mua được một chiếc mặt nạ với hình thù quái dị đang nhe nanh, nhỏ máu... gây sợ hãi đối với trẻ em. Những mặt hàng khác như rắn, chuột chết, cục ị... vẫn được bày bán tràn lan, công khai và chỉ cần vài nghìn đồng đã có thể mua được. Các mặt hàng này ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý trẻ em.

Trong nhiều năm qua, mỗi năm cơ quan chức năng thu giữ và tiêu hủy hàng chục nghìn khẩu súng đồ chơi. Gần đây, cơ quan quản lý thị trường Hà Nội cũng đã thu giữ hơn 200 khẩu súng đồ chơi tại một kho hàng gần ga Giáp Bát. Thế nhưng tình trạng buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm vẫn "phát triển".

DIỆU THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên