19/12/2011 08:02 GMT+7

Hiểm họa từ hành lang chung cư

QUỐC KHANH - ĐỨC THANH
QUỐC KHANH - ĐỨC THANH

TT - Một bé trai 4 tuổi tử vong vì ngã chung cư ở Hà Nội vào đầu tháng 12-2011. Trước đó không lâu, một bé khác cũng qua đời vì té ngã từ tầng cao chung cư... Bên cạnh tiện lợi, nhiều chung cư đang tiềm ẩn hiểm họa, nhất là với trẻ em.

Read this on Tuoitrenews.vn

z4ShAc9j.jpgPhóng to

Tại chung cư Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, các cháu nhỏ vui chơi bên lan can cao dưới 0,9m - Ảnh: Đ.Thanh

Hôm ghé chung cư Da Sà, Q.Bình Tân, TP.HCM, chúng tôi và người dân phải ra hành lang đứng nói chuyện suốt buổi để không rời mắt đám trẻ đang tuổi hiếu động. Nhà anh Nguyễn Trần Long ở đầu hồi cầu thang bộ, có hành lang khá thoáng đãng nhưng lại quá nguy hiểm với trẻ em vì thanh lan can cầu thang hở rộng.

“Con gái tôi 6 tuổi, nặng 24kg mà vẫn chui lọt cả người qua được lan can bảo vệ cầu thang chung cư thì quá nguy hiểm. Một lần, cháu đã chui vắt vẻo nửa trong nửa ngoài cầu thang, may mà tôi ôm lại kịp”. Anh vừa kể vừa lo lắng nhìn xuống mặt đất sâu hun hút qua khe hở cầu thang.

Nhốt con trong nhà

Là kỹ sư xây dựng, anh Long ưng ý căn hộ chung cư Da Sà cao bốn tầng, các mặt đều thông thoáng. Sau khi tìm hiểu kỹ lan can bancông xây gạch cao 1,2m khá an toàn, anh quyết định mua nhưng lại sơ ý nhìn cái cầu thang. Hành lang trước cửa căn hộ rộng thoáng, nhưng suốt ngày anh phải nhốt kỹ con trong nhà vì sợ tai nạn.

“Chẳng hiểu người ta tiết kiệm sắt hay cẩu thả mà lại làm lan can cầu thang cao tầng để trẻ em chui lọt thế này - anh Long nói - Trẻ em hiếu động, chỉ rời mắt khỏi chúng một phút là không biết chuyện nguy hiểm gì xảy ra”.

3 vụ ngã chết người

Sáng 3-12-2011, một bé trai 4 tuổi ở chung cư khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hà Nội) trèo qua bancông tầng 11 và ngã chết trong lúc mẹ chở chị đi học. Trước đó, ngày 18-11-2010, một bé trai 4 tuổi khác trèo qua bancông tòa nhà Artex, Ngọc Khánh (Hà Nội) và ngã chết khi mẹ đang đi chợ.

Ngày 28-6-2010, một bé trai 3 tuổi tử vong do rơi qua bancông tầng 5 của tòa nhà khu đô thị mới Dịch Vọng (Hà Nội) trong lúc người lớn khóa cửa ra ngoài khi bé ngủ... Đầu tháng 4-2011, một bé gái 6 tuổi cũng bị tai nạn ở một chung cư tại Q.2 (TP.HCM). Do làm rớt kính, cháu đã trèo qua bancông tầng 4 để nhặt và ngã xuống đất, nhưng may mắn rơi trúng tấm bạt nên chỉ bị thương nhẹ.

Tuy nhiên, không chỉ các chung cư cũ hay chung cư tái định cư cho người thu nhập thấp, mà nhiều cao ốc mới xây hiện đại cũng mắc những lỗi nguy hiểm. Một người dân ở cao ốc Copac Square, đường Tôn Đản, Q.4 nói căn hộ này là nơi mơ ước của bao người đang chen chúc ở quận đất chật người đông. Nhưng mới được giao khóa, ông đã hoảng hồn với bancông mặt tiền cao ốc hướng ra đường Tôn Đản.

“Phải khẳng định là căn hộ đắt tiền mới được vị trí này. Nhưng riêng bancông làm mọi người thất vọng. Nó quá nhỏ, lại sử dụng lan can song ngang như cái thang dễ trèo. Trẻ nhỏ đùa nghịch mà leo qua bancông này thì tai nạn thảm khốc sẽ xảy ra. Đúng ra người ta phải làm tường trơn hoặc song đứng thẳng cho trẻ không trèo được” - ông vừa bức xúc vừa chỉ vào bancông nguy hiểm mà lúc nào ông cũng phải khóa kín cửa không dám mở ra ngoài.

Rảo qua một số cao ốc, chúng tôi tiếp tục ghi nhận nỗi bất an của nhiều người dân. Cao ốc Phúc Thịnh đường Cao Đạt, Q.5 có bancông khá cao nhưng vẫn thiết kế kiểu song ngang... cho trẻ trèo chơi! Lan can chung cư Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận cao chưa tới 0,9m làm các hộ dân lo sợ vì trẻ có thể nhoài người ra ngoài. Chị Phạm Thị Hà, chủ hộ A2-122, lo lắng kể: “Nhà có ba cháu nhỏ rất hiếu động. Mỗi khi chúng bước ra chơi là ông bà hoặc ba mẹ phải thay phiên dán mắt theo dõi. Chỉ sợ chúng leo trèo thì rất nguy hiểm với lan can quá thấp đó”.

Không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm đối với trẻ mà người lớn cũng sợ mỗi khi ra lan can chung cư này đứng hóng mát. Chị Tâm, chủ hộ A2-415, cho biết: “Mỗi khi ẵm con nhỏ phơi nắng, tôi cũng không dám bồng cháu đứng sát lan can vì nó thấp quá”.

Gia đình chị Tâm và người em gần bên đều có cháu nhỏ. Khi chúng ra ngoài chơi, người nhà lại lo lắng nhắc nhở không được leo trèo hoặc đến gần lan can. Thậm chí họ còn lo cho cả những người già yếu, mắt mờ, bị bệnh tim mạch hay ra dựa lan can thấp này để hóng gió.

8lKSEQAs.jpgPhóng to
Nhiều hộ dân ở chung cư Phạm Viết Chánh, Q.1, TP.HCM hàn thêm song sắt, vỉ lưới cho lan can để đảm bảo an toànẢnh: Đ.Thanh

Tự cứu mình

Trước tình trạng nguy hiểm này, người dân các cao ốc hiện đại không được tự chỉnh sửa xây dựng thì chỉ còn cách cố gắng không rời trẻ. Riêng những chung cư cũ quản lý thoáng hơn, người dân tự cứu bằng cách thiết kế lại lan can. Ở chung cư Ngô Tất Tố, nhiều hộ dân làm thêm vỉ lưới hoặc song chắn nâng chiều cao lan can.

Ông Nguyễn Ân ở hộ C122 khẳng định chiều cao lan can hiện hữu không thể an toàn cho trẻ vui chơi. “Chúng rất hiếu động, khó chắc sẽ không leo trèo khi nô đùa. Vì vậy mỗi khi các con ra ngoài, tôi vừa dặn dò rất kỹ vừa phải trực tiếp theo sát. Trẻ không lường trước được sự nguy hiểm, mình phải chủ động đề phòng. Quy định không cho phép người ở chung cư tự thiết kế, xây dựng phần bên ngoài nhưng tôi buộc phải làm vỉ lưới nâng chiều cao lan can đảm bảo an toàn hơn cho trẻ”.

Cùng tâm trạng lo lắng lan can chung cư nguy hiểm, ông Phạm Xuân Quý (ở căn hộ C114) cho biết từ khi dọn về đây đã cho hàn thêm những song chắn nâng chiều cao lan can cho an toàn. Nhờ vậy, ông mới tạm yên tâm khi con cháu về thăm gia đình. Bọn trẻ được chạy nhảy tung tăng, không gặp nguy hiểm mà người lớn cũng đỡ mất thời gian trông chừng, bất an.

Tại chung cư Phạm Viết Chánh, Q.1, nhiều hộ có con nhỏ cũng hàn thêm song chắn hoặc vỉ lưới để tăng độ an toàn. Anh Tùng chủ hộ B210 dẫn tôi ra lan can bày tỏ sự lo lắng: “Đối với người lớn, chiều cao lan can này không đáng lo, nhưng với trẻ em thì chúng không an toàn”. Lan can nhà anh Tùng đã được nâng cao thêm và trồng nhiều chậu kiểng để cản tầm nhìn của trẻ, tránh cho chúng thói quen nhìn ra ngoài tò mò mà leo trèo”.

Anh Nguyễn Hoàng Nam, hộ B406 chung cư Phạm Viết Chánh, còn lấy thước đo chiều cao tường lan can 0,6m, cộng thêm ba song sắt hàn ngang, tổng chiều cao lan can khoảng 0,9m. Anh bức xúc nói: “Tường thấp thế này cộng thêm ba thanh ngang như bắc thang cho trẻ dễ trèo, thì sẩy một phút có thể gặp chuyện đau lòng!”. Vừa rồi, lan can trước hộ anh được hàn thêm song sắt lên cao hơn để đảm bảo cho con anh cũng như trẻ em hàng xóm sang chơi.

Về tình trạng không an toàn ở nhiều chung cư dễ gây tai nạn cho trẻ nhỏ hiện nay, kiến trúc sư Nguyễn Trung Thành cho biết có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là các lỗi thiết kế thường gặp như lan can quá thấp hay làm song ngang cho trẻ dễ trèo thay vì song đứng. Ngay cả cửa sổ các cao ốc không sử dụng song hiện nay cũng rất nguy hiểm nếu nó được làm quá thấp...

Ngoài ra, cũng có nguyên nhân chủ quan của người ở chung cư, đặc biệt là người dân tái định cư từng sống nhà mặt đất, chưa quen quy tắc an toàn ở nhà cao tầng như không nên kê giường ngủ, bàn làm việc gần cửa sổ không có song bảo vệ. Đặc biệt, việc tận dụng bancông làm chỗ để máy giặt, phơi phóng hay mắc võng, kê bàn ghế ngồi hóng mát sẽ tạo thêm điều kiện cho trẻ trèo qua lan can rất nguy hiểm. “Chung cư sẽ tiếp tục là xu hướng sống ở đô thị. Đã đến lúc cả nhà thiết kế, xây dựng lẫn người dân phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc an toàn ở chung cư” - kiến trúc sư Thành nói.

Ông Nguyễn Văn Giàu (trưởng phòng thiết kế Trung tâm nghiên cứu kiến trúc - Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM):

Lan can nhà cao tầng không thấp hơn 1,2m

Một số công trình thường vi phạm về thiết kế lan can làm song ngang cho trẻ dễ trèo hoặc làm song bằng gỗ là loại vật liệu không chắc chắn dẫn đến thiếu an toàn.

Các công trình khi thiết kế lan can phải tuân thủ quyết định 26/2004/QĐ-BXD về việc ban hành TCXDVN323/2004, điều 6.2.4.5 quy định chung cư, nhà từ tầng 6 trở lên không được thiết kế bancông, chỉ được thiết kế lô gia. Lan can lô gia không được hở chân, có chiều cao không thấp hơn 1,2m.

Và quyết định 08/2003/QĐ-BXD ngày 26-3-2003 về “Công trình công cộng - nguyên tắc cơ bản để thiết kế” điều 5.8.1 có các quy định như: lan can phải làm bằng vật liệu kiên cố, vững chắc, có thể chịu được tải trọng ngang, được tính toán theo cường độ và độ ổn định dưới tác động của tải trọng theo tiêu chuẩn TCVN-2737/1995 “Tải trọng và tác động - tiêu chuẩn thiết kế”. Nơi có nhiều trẻ em hoạt động, lan can phải có cấu tạo khó trèo. Khoảng cách thông giữa các thanh đứng không được lớn hơn 0,1m.

QUỐC KHANH - ĐỨC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên