23/07/2019 13:48 GMT+7

Hiểm họa từ cái nhọt

AN-KHANG
AN-KHANG

TTO - Mạng xã hội những ngày gần đây lan truyền câu chuyện về cặp vợ chồng trẻ đã tự nặn nhọt ở đùi của con và dẫn đến những hậu quả khó lường.

Hiểm họa từ cái nhọt - Ảnh 1.

Khi trẻ bị mọc mụn nhọt, không nên dùng tay nặn trực tiếp - Ảnh: T.T.D.

Theo lời kể, cặp vợ chồng này dùng tay nặn nhọt cho con đến hai lần để lấy mủ xanh và máu. Dù đã sát trùng nhưng sau đó cháu bé vẫn sốt cao, phát ban toàn thân. 

Khi đưa đến bệnh viện thì được các bác sĩ chẩn đoán bé đã "bội nhiễm và độc nhiễm vào máu gây ban toàn thân, phải truyền kháng sinh, nếu không đáp ứng thì phải cấy máu".

Bài viết về trường hợp trên đã được rất đông phụ huynh chia sẻ. Nhiều người lo lắng phải xử lý thế nào khi con trẻ… bị nhọt, khi nào thì nốt nhọt an toàn, thời điểm nào cần đến gặp bác sĩ?

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Phong (Phòng khám y học gia đình, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM), trong trường hợp con em bị nhọt, các bậc phụ huynh cần theo dõi tình hình, đừng vội nặn vì sẽ "mở cửa mời vi trùng" xâm nhập vào cơ thể các em.

Da chúng ta như một hàng rào bảo vệ. Khi da bị tổn thương thì hàng rào bảo vệ trở nên mong manh hơn. Nếu ta nặn nhọt trong điều kiện không vô trùng thì đã tự mở cửa cho vi trùng từ bề mặt da và môi trường xung quanh xâm nhập vào, nguy cơ bội nhiễm.

Bội nhiễm có thể hiểu nôm na là tình trạng tăng thêm vi trùng. Nhọt bản thân nó đã là bệnh nhiễm trùng da, nếu ta tiếp tục tác động làm rách, bể nhọt thì lượng vi trùng xâm nhập vào cơ thể sẽ càng nhiều hơn. Chúng có thể theo máu đi khắp cơ thể, trường hợp đó gọi là nhiễm trùng huyết. 

Khi có vi trùng xâm nhập, ta phải sử dụng kháng sinh. Đặc biệt, nhiễm trùng huyết là trường hợp nặng nên phải truyền dịch thay vì đường uống để có tác động nhanh.

Tình trạng bội nhiễm do thói quen hay sự vô ý khi xử lý các bệnh ngoài da như nặn nhọt của cặp bố mẹ trẻ kia khá phổ biến trong đời sống. Mỗi bé có cơ địa khác nhau. 

Bé có sức đề kháng cao thì có thể sẽ không bị ảnh hưởng gì, nhưng bé có sức đề kháng yếu thì dễ bị nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng toàn thân, phải truyền dịch, cấp cứu… Nếu tình trạng nhiễm trùng này không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng lên các cơ quan, gây suy gan, suy thận, nguy hiểm cho tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Duy Phong khuyên các phụ huynh nếu con em bị nhọt tình trạng nhẹ thì có thể không cần tác động gì, chỉ cần để yên và bôi các loại thuốc sát trùng phổ biến như betadine, cồn iod để làm sạch bề mặt da. Trường hợp nặng cần đưa các em đến cơ sở y tế để được khám chữa.

Mông trẻ mọc mụn nhọt, phải làm sao? Mông trẻ mọc mụn nhọt, phải làm sao?

TTO - Bé nhà tôi được 6 tháng tuổi. Cách đây 5 ngày, mông trái của bé xuất hiện nốt tròn, đỏ, kích thước bằng ngón tay người lớn, đau (đụng vào bé khóc)...

AN-KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên