05/11/2015 17:03 GMT+7

​Hiểm họa từ bữa ăn trưa của sinh viên

MH - NL thực hiện
MH - NL thực hiện

TTO - Nước lèo đựng trong hàng chục can nhựa 10 lít cùng tô nhựa, hộp nhựa, túi ni lông, khói bụi bủa vây bữa ăn sinh viên. Dù biết không đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng, nhưng nhiều bạn vẫn ăn.

Liên tục các xe tiếp hộp nhựa đến giao hàng cho các gánh hàng rong - Ảnh: MH

Nhanh, gọn, lẹ, rẻ

Trước cổng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn, ĐHQG TP.HCM, các gánh hàng rong bán bún, miến, hủ tíu, cơm đậu quanh vỉa hè. Sát bên các gánh hàng rong là trạm xe buýt liên tục luân chuyển, xả khói đen xì vào thức ăn không được che đậy.

Tầm 11g trưa là lúc sinh viên tan học ùa ra cổng trường mua bữa ăn trưa. Cứ thế, nồi nước lèo cạn dần rồi lại tiếp thêm từ những can nhựa méo mó nổi váng. Nước lèo được đựng trong can nhựa cả buổi dưới trời nắng chỉ chờ để châm đầy nồi nước dùng. Thức ăn nóng được để trong hộp nhựa hoặc túi ni lông. Sinh viên ăn bằng chiếc thìa nhựa có những vết bụi hoặc những đôi đũa bốc mùi.

T.K.M (sinh viên năm 3, ĐH KHXH&NV) đi học cả tuần, ăn trưa bằng hộp nhựa ngoài cổng trường mỗi ngày, cho biết lí do chọn ăn trước cổng trường: “Dù biết hộp nhựa không tốt cho sức khỏe nhưng mỗi bữa trưa rẻ được hơn 10 ngàn so với ăn ở các chỗ khác thì một tuần cũng tiết kiệm được chút ít".

N.M.L (sinh viên năm nhất, ĐHKHXHVNV) vừa mua hộp cơm trứng ốp la được người bán mang từ nhà đến trường. Trứng ốp la trong hộp cơm của L được để trong giỏ xe, không che đậy khi đi ngoài đường. L chia sẻ: “Không phải mình không nhìn thấy điều đó, nhưng ăn quen rồi, nhanh, gọn, lẹ, rẻ là tiêu chí của mình. Ra ngay cổng trường mua không phải đi xa”.

Can nhựa đựng nước lèo và những bịch đồ ăn nằm dưới mặt đất - Ảnh: MH

Đối diện ĐH Sài Gòn trên đường Tôn Đức Thắng (Q.1) cũng có một gánh bún riêu với hàng chục lít nước lèo đựng trong can nhựa. Bún, đậu, chả để trong ni lông nằm lăn lóc dưới đất.

Một phụ huynh đón con ở cổng ĐH Sài Gòn nói: “Nước lèo chứa cả ngày trong can nhựa cũ thế này thì mất vệ sinh lắm. Loại can này cũng khó để vệ sinh sạch sẽ, đồ ăn thì để trên mặt đường. Chưa kể, nếu cả tuần các em ăn thức ăn nóng đựng trong hộp nhựa tái chế thì cũng rất nguy hiểm”.

Ngoài ra, trước cổng ĐH Luật TP.HCM và ĐH Nguyễn Tất Thành (Q.4), bữa trưa của sinh viên cũng có sự xuất hiện của những chảo dầu két lại, đen xì, những chai dầu ăn cùng tương ớt không nhãn mác. Sinh viên cũng phải ăn thức ăn được đựng trong hộp nhựa, múc bằng thìa nhựa.

Trứng ốp la được phơi ra trong suốt cuộc vận chuyển từ nơi chế biến đến chỗ bán rồi vào thẳng hộp cơm của sinh viên - Ảnh: MH

Tiết kiệm tiền mà có hại cho sức khỏe thì… lợi bất cập hại

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khẳng định sử dụng bao bì đựng thức ăn bằng hộp xốp, can nhựa…thì rất khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Những thứ đó sản xuất ra rồi qua chợ, đến thẳng nơi bán hàng chứ không có bao bì chứng tỏ đã qua kiểm nghiệm an toàn để đựng thực phẩm.

Ăn ở lề đường thì nguy cơ nhiễm bệnh cao vì nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo. Trong căn tin hay những nơi có đăng kí kinh doanh sẽ được kiểm soát thực phẩm đầu vào nên an toàn hơn. Hơn nữa, hàng quán cố định sẽ có nguồn nước đảm bảo hơn.

Đối với hàng rong bên ngoài thì người bán sẽ thiên về lợi nhuận hơn là chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cái nào có lợi thì họ bán, nguồn thực phẩm, nguồn nước không được kiểm soát, kể cả quá trình chế biến không ai biết đảm bảo hay không. Khi họ bán hàng mà không có đăng kí kinh doanh rõ ràng và không được kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hậu quả gây ra do ăn uống không hợp vệ sinh có thể nhận thấy tức thời nên sẽ nhận biết ngay, nhưng cũng có thể sau một thời gian mới biểu hiện ra nên hậu quả sẽ lâu dài. Đến lúc đó dù có muốn khắc phục hậu quả thì cũng đã muộn.

Vì vậy, nghĩ một cách sâu xa thì đó không phải là cách tiết kiệm mà có khi còn tốn kém nhiều hơn cho các chi phí thuốc men, y tế.

TS.BS. Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - Ảnh: MH

Để đảm bảo an toàn cho mình thì các bạn sinh viên nên chọn chỗ ăn uống an toàn, đó là những chỗ có đăng kí kinh doanh, có cơ sở đàng hoàng. Vẫn có những hàng quán như vậy nhưng bán giá chấp nhận được đối với sinh viên.

Ngoài vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm thì sinh viên cũng cần quan tâm đến việc đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đủ và cân đối các chất bột đường, chất đạm, chất béo, các chất khoáng, và vitamin để đảm bảo sức khỏe. Chất bột đường có trong cơm, chất đạm từ thịt, cá, trứng, các loại đậu. Vitamin và chất khoáng thì có trong trái cây, mùa nào ăn thức nấy, vừa rẻ, vừa an toàn mà lại đảm bảo dinh dưỡng.

Để tăng dinh dưỡng cho bữa ăn sinh viên thì có thể trộn thêm muối mè, muối đậu phộng (dùng ít muối) vào bữa ăn.

Sinh viên vây quanh các gánh hàng ăn buổi trưa - Ảnh: MH
Mỗi ngày hàng bún riêu trên đường Tôn Đức Thắng lại tiêu thụ hết hàng chục lít nước lèo trong can nhựa - Ảnh: MH
MH - NL thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên