![]() |
Động thái mới nhất của CHDCND Triều Tiên khiến giới quan sát tò mò hơn về lãnh đạo Kim Jong Un - Ảnh: AFP |
Quan hệ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên “đang được làm nóng lại” sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố ngưng phóng tên lửa tầm xa, thử nghiệm hạt nhân và làm giàu uranium ở cơ sở Yongbyon hôm 29-2, chỉ hai tháng sau cái chết của chủ tịch Kim Jong Il. Động thái này mở ra hi vọng nối lại vòng đàm phán sáu bên (hai miền Triều Tiên, Trung Quốc, Nhật, Nga, Mỹ) về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, vốn đã ở điểm chết từ tháng 12-2008.
Bình Nhưỡng cũng chấp nhận cho các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trở lại để giám sát việc làm giàu uranium. IAEA xem đây là một “bước tiến quan trọng”. Năm 2009, Bình Nhưỡng đã trục xuất các thanh sát viên của IAEA và sau đó tiến hành một vụ thử hạt nhân, vụ thứ hai kể từ năm 2006.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon thấy được “khích lệ” và kêu gọi một “tiến trình phi hạt nhân hóa thật sự” trên bán đảo Triều Tiên.
Đổi lại thỏa thuận với Bình Nhưỡng, Washington trước mắt sẵn sàng viện trợ 240.000 tấn lương thực cùng các thỏa thuận viện trợ khác trong tương lai. Chương trình viện trợ lần này nêu rõ dành cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Mỹ đã ngưng viện trợ lương thực cho CHDCND Triều Tiên từ năm 2009.
Mỹ tỏ ra thận trọng khi nhận định đây là “bước khiêm tốn đầu tiên theo đúng hướng”. “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ những gì các nhà lãnh đạo mới của CHDCND Triều Tiên thực hiện và chúng tôi sẽ đánh giá trên những hành động cụ thể của họ” - AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói. Tương tự, như tuyên bố của người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney, đây là “một bước đầu tiên tích cực”, nhưng “chúng tôi phải căn cứ cả trên các hành động lẫn những thỏa thuận cùng các tuyên bố” của Bình Nhưỡng.
Trung Quốc, nước chủ trì cuộc họp giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ, hoan nghênh tuyên bố của Bình Nhưỡng cũng như “việc cải thiện quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ”.
Nhật Bản cho rằng môi trường cho đàm phán sáu bên đang được cải thiện từng bước, nhưng như Kyodo News cho biết, Tokyo nhấn mạnh Bình Nhưỡng cần biến lời nói thành hành động. Hàn Quốc cũng gọi đây là “bước cơ bản” cho một thỏa thuận hạt nhân.
Giới chuyên gia và nghiên cứu vẫn tỏ ra lạc quan một cách thận trọng với những phân tích khác nhau. Reuters dẫn lời ông Jack Pritchard, cựu chuyên gia đàm phán của Mỹ với CHDCND Triều Tiên, cho rằng chưa chắc lãnh đạo trẻ Kim Jong Un sẵn sàng từ bỏ chương trình hạt nhân. “Làm sao mà một lãnh đạo 28 tuổi có thể từ bỏ một quân cờ hợp pháp, đóng vai trò là đòn bẩy trong việc thương lượng với các cường quốc để gìn giữ sự sống còn của chế độ?”- ông Jack Pritchard phân tích.
Chuyên gia Daniel Pinkston thuộc Nhóm tư vấn khủng hoảng quốc tế cho rằng có thể Bình Nhưỡng còn có các cơ sở làm giàu uranium khác ngoài cơ sở Yongbyon dùng cho quân sự. Một số báo cáo tình báo cho biết CHDCND Triều Tiên có hai hay ba cơ sở hạt nhân nữa.
AFP dẫn lời ông Bruce Cumings, Đại học Chicago, cho rằng “bước nhảy vọt này xem ra cho thấy chính phủ mới đang mở cửa cho những cải cách, và dù sao chính quyền này cũng ít thù nghịch hơn so với quá khứ”.
Washington đã bị bất ngờ ra sao? Đó là tựa một bài viết của báo Le Monde. Báo này nhận định: một quan chức trong Chính phủ Mỹ nói rằng “đừng nên nâng cao giá” đối với thỏa thuận Washington - Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên “chỉ đơn giản là mở lại cánh cửa đã gỉ sét cho đàm phán sáu bên”. Dù sao thì đây vẫn là “một tin có tầm quan trọng”: chỉ hai tháng sau cái chết của ông Kim Jong Il, Bình Nhưỡng đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Mỹ để nối lại đàm phán đa phương. Thông tín viên Corine Lesnes của báo này ở Washington ghi nhận: các nhà ngoại giao Mỹ đang dùng một từ rất không bình thường để nói về Bình Nhưỡng: “sự nghiêm túc trong những ý định của họ”. Báo này lý giải: Liệu người Mỹ đã đánh giá được những thay đổi sau cuộc chuyển giao kể từ cái chết của ông Kim Jong Il mà những tín hiệu này đang có thể cho thấy? Câu trả lời: các nhà đàm phán, các lập luận, các yêu cầu: vẫn như cũ. Thế nhưng, điều mà các nhà đàm phán Mỹ cho rằng là tích cực sau ba phiên thảo luận tại Bắc Kinh giữa nhà đàm phán Mỹ Glyn Davies lần đầu tiên đối diện với người đồng nghiệp Triều Tiên Kim Kye Gwan, chính là sự “mau mắn” của êkip lãnh đạo mới của Bình Nhưỡng khi nhanh tay nắm lấy cây sào so với trước đây. Các nhà đàm phán Mỹ cũng còn có điều bất ngờ khác: 24 giờ sau cái chết của ông Kim Jong Il, họ đã liên lạc được với Bình Nhưỡng qua “kênh New York” (đại sứ Triều Tiên tại LHQ). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận