21/03/2019 07:17 GMT+7

H’Hen Niê đối thoại cùng Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê - gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2018, trực tuyến ở đầu cầu TP.HCM - chia sẻ câu chuyện của cô về hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

H’Hen Niê đối thoại cùng Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - Ảnh 1.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đối thoại với thanh niên cả nước ngày 21-3 - Ảnh: NAM TRẦN

9h sáng 21-3, anh Lê Quốc Phong - bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - đối thoại với đoàn viên, thanh niên cả nước về chủ đề 'Thanh niên tình nguyện vì cộng đồng'.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê - gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2018 trực tuyến ở đầu cầu TP.HCM - chia sẻ câu chuyện của mình về hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

H'Hen nói, mỗi lần tham gia tình nguyện, cô thấy mình được trưởng thành, có cơ hội tiếp xúc lắng nghe câu chuyện của những người xung quanh, và bản thân được chia sẻ, hỗ trợ mà còn hoàn thiện bản thân mình. Cô cho rằng thanh niên thì phải khám phá được nhiều nơi.

H’Hen Niê đối thoại cùng Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - Ảnh 2.

Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H'Hen Niê - Ảnh từ Facebook nhân vật

Những hình ảnh các anh chị tình nguyện đến buôn làng của H’Hen những ngày cô còn nhỏ khiến cô khâm phục nhiệt huyết, sự giỏi giang của họ. Đó là động lực giúp H'Hen đi trên còn đường ngày hôm nay.

Hoa hậu bật mí, sắp tới cô sẽ đồng hành chia sẻ với trẻ em, phụ nữ, cùng Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đến vùng biên cương.

"Ở những nơi này, người dân còn thiệt thòi, giúp H'Hen hiểu được trẻ em gái và phụ nữ nhiều hơn", Hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ.

"Trong sự trưởng thành của chúng ta, nếu các bạn từng tham gia hoạt động tình nguyện, tôi tin bạn có đóng góp cho sự trưởng thành đó", anh Lê Quốc Phong nói sau khi nghe chia sẻ của H'Hen Niê.

H’Hen Niê đối thoại cùng Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - Ảnh 3.

Các đoàn viên, thanh niên tại buổi đối thoại ngày ngày 21-3 với Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong - Ảnh: NAM TRẦN

Tình nguyện sẽ trở thành một thanh niên tốt?

Bạn Nguyễn Thu Giang, Đoàn phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội đặt câu hỏi: "Có phải cứ tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng thì sẽ trở thành một thanh niên tốt không?".

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đánh giá đây là câu hỏi thú vị. "Tôi nghĩ nếu chúng ta tham gia tình nguyện thường xuyên sẽ bồi đắp tinh thần tình nguyện, rèn luyện vì cộng đồng, ý thức tốt sẽ trở thành con người tốt. Tôi biết bạn đang đặt mục tiêu tình nguyện để trở thành con người tốt, tôi tin bạn sẽ làm được", anh nói.

Anh mong muốn thời gian tới tăng hàm lượng tri thức trong tình nguyện. Do đó, khâu xác định công việc phải là câu chuyện quan trọng.

"Chúng ta đã đi chặng đường dài về hoạt động tình nguyện, nếu tăng được độ "chuyên nghiệp" sẽ lựa chọn đúng nhóm hoạt động, đối tượng. Hiện nay nhu cầu tình nguyện của thanh niên rất đa dạng, cần làm thế nào để có môi trường cho các bạn tham gia", anh Lê Quốc Phong nói.

Anh chia sẻ, hiện nay Đoàn giao cho Trung tâm thông tin nguồn lực tình nguyện quốc gia làm điểm kết nối nhu cầu, mong muốn được tham gia tình nguyện của tất cả lực lượng xã hội, trong đó có lực lượng thanh niên. 

"Nếu có nhu cầu, bạn có thể đến đề đạt đến tổ chức Đoàn, Hội ngay trên địa bàn; trung tâm công tác xã hội ở các tỉnh, thành; trung tâm thông tin nguồn lực tình nguyện quốc gia của Trung ương Đoàn", anh Phong thông tin.

Tình nguyện xảy ra sự cố, có chính sách nào hỗ trợ?

Đại úy Tạ Mạnh Hùng - Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 368, Quân đoàn 1 và Huỳnh Thị Bé Như (Cần Thơ) đặt câu hỏi về chính sách với một số tình nguyện viên bị tai nạn khi tham gia các hoạt động tình nguyện.

Anh Lê Quốc Phong cho biết, Chính phủ ban hành quyết định 57 cho sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện, nêu cụ thể nếu tham gia tình nguyện xảy ra sự cố có những chính sách riêng tùy theo từng trường hợp cụ thể.

Bí thư thứ nhất mong muốn các tổ chức Đoàn, Hội, các tổ chức tình nguyện do các nhóm tình nguyện tổ chức cần có sự khảo sát kỹ lưỡng, đảm bảo an toàn cao nhất cho các thành viên. Các hoạt động tình nguyện do Đoàn tổ chức đều quán triệt để không xảy ra những tình huống ngoài ý muốn.

"Khảo sát kỹ giúp bạn chuẩn bị tâm thế kỹ lưỡng hơn để đóng góp cao nhất trong hoạt động tình nguyện cụ thể", anh Phong nói.

Tại hội trường trực tuyến, bạn Lê Thị Hồng Nhung (Học viện Tài chính, Hà Nội) đặt câu hỏi về giải pháp thu hút nhiều thanh niên cho hoạt động tình nguyện của Đoàn.

Bí thư thứ nhất cho rằng, quan trọng là tổ chức Đoàn, Hội giúp thanh niên hiểu được giá trị tích cực. Tham gia hoạt động tình nguyện một mặt kêu gọi dấn thân vì cộng đồng, mặt khác cũng là môi trường để bạn trẻ cống hiến khả năng bằng kiến thức chuyên môn, có thêm bài học, kỹ năng từ cuộc sống.

"Khi chúng ta làm tốt công tác chuẩn bị, tuyên truyền, thuyết phục được thanh niên đến với tình nguyện, tôi tin tình nguyện sẽ mang lại giá trị hai phía - cho nơi đến tình nguyện và cho chính các bạn.

Nói đến tình nguyện là nói đến tinh thần tự giác với tình nguyện. Khi bạn tự giác, sẽ có hiệu quả cao nhất", anh Lê Quốc Phong nói.

Có cơ hội ở nước ngoài, sao chọn về Việt Nam?

Anh Lê Quốc Phong cho biết, tiếp xúc với các nhóm du học sinh nước ngoài, anh cũng lắng nghe nhiều câu hỏi này của các bạn. Nhiều nhóm, tổ chức du học sinh ở nước ngoài luôn hướng về quê hương, tự tìm kiếm nguồn lực và cử đại diện về tận nơi để giúp đỡ đất nước. Tổ chức Đoàn luôn khuyến khích, cổ vũ mong muốn các bạn tổ chức nhiều hoạt động như vậy.

H’Hen Niê đối thoại cùng Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - Ảnh 4.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong - Ảnh: NAM TRẦN

Nếu về nước, tổ chức Đoàn có thể hỗ trợ các bạn du học sinh tham gia nhiều hoạt động tình nguyện cho các bạn như kỳ nghỉ nghè, nghỉ đông. Đoàn sẽ giới thiệu cho các bạn trẻ với các đơn vị phù hợp nhu cầu của du học sinh.

Anh Phong cũng chia sẻ, nếu các bạn du học sinh có nguồn lực và mong muốn giúp đỡ cộng đồng, thay vì các bạn tự kết nối thì Đoàn có thể cung cấp, hỗ trợ kết nối cho các bạn thực hiện mong muốn.

Gương mặt trẻ Việt Nam năm 2018, tiến sĩ Vòng Bính Long - đồng tác giả 6 bằng sáng chế về vật liệu polymer-nano ứng dụng trong Y học chia sẻ quyết định về Việt Nam. Anh nói, về nước cũng vì gia đình, muốn có thời gian gần gũi gia đình. Nhưng quan trọng nhất anh muốn mang những giá trị bản thân học được ở nước ngoài về ứng dụng trong y học tại Việt Nam.

"Tôi biết trước khó khăn phải đương đầu, nhưng muốn đương đầu, nhờ đó khẳng định được bản thân. Nano Y học rất mới, và tôi muốn là tiên phong trong lĩnh vực này".

Giải pháp nào cho thanh niên "sống ảo"?

Một số bạn tham gia đối thoại nhắc tới hiện trạng mạng xã hội phát triển, điện thoại thông minh trở thành vật "bất ly thân", bên cạnh mặt tích cực, còn có những tiêu cực như trào lưu "sống ảo", dễ bị ảnh hưởng trước các thông tin sai lệch, xấu, độc, xa rời giá trị văn hóa truyền thống, chuẩn mực đạo đức và nghiêm trọng hơn là viphạm pháp luật.

Anh Lê Quốc Phong cho biết đây là việc Đoàn quan tâm, đã có nhiều giải pháp trong thời gian qua. Hầu như cơ sở Đoàn đều muốn giúp đoàn viên, thanh niên ứng xử trên mạng xã hội, giúp thanh niên tiếp cận như cuộc vận động Mỗi ngày một tin tốt, mỗi ngày một câu chuyện đẹp.

H’Hen Niê đối thoại cùng Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn - Ảnh 5.

Toàn cảnh không gian đối thoại tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

"Khi sử dụng không gian mạng, ngoài chia sẻ cuộc sống, bạn có thể dành thời gian chia sẻ điều tích cực, từ hành động nhỏ ở giảng đường, đường đến trường, đi làm hay hành động nhỏ giúp bạn thay đổi. Mỗi ngày một câu chuyện, mỗi bạn một tin tốt, tôi tin 24 triệu thanh niên sẽ lan tỏa trào lưu tốt", anh Lê Quốc Phong nói.

Anh cũng cho rằng quan trọng là thanh niên, đoàn viên có bản lĩnh trước thông tin xấu, phải biết đâu là thông tin đủ, đúng và biết cách hành xử khi tiếp nhận thông tin trên mạng.

"Không chỉ bảo vệ mình, bạn còn bảo vệ bạn bè, người thân, đất nước mình. Đặt tâm thế đó khi sử dụng mạng xã hội, bạn sẽ có hành xử hợp lý, tích cực", anh nói.

Đối thoại lần này, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng thông tin đến đoàn viên, thanh niên những nội dung cốt lõi của chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2019 và Tháng thanh niên năm 2019; tình hình triển khai đợt hoạt động Tuổi trẻ Việt Nam nhớ lời Di chúc theo chân Bác.

Cùng tham gia đối thoại trực tuyến có Thường trực Ban bí thư Trung ương Đoàn và đại diện các cơ quan: Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Thông tin và truyền thông...

Cùng đặt câu hỏi đối thoại với bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Cùng đặt câu hỏi đối thoại với bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn

TTO - Ngay từ bây giờ, đoàn viên, thanh niên cả nước có thể tham gia gửi câu hỏi cho anh Lê Quốc Phong, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, với chủ đề 'Tuổi trẻ sáng tạo dựng xây đất nước'.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên