06/06/2009 16:57 GMT+7

Hezbollah - hơn cả một nhà nước

NGUYỄN NGỌC HÙNG(tổng hợp từ các nguồn Ả Rập)
NGUYỄN NGỌC HÙNG(tổng hợp từ các nguồn Ả Rập)

TTCT - Cử tri Libăng chuẩn bị bỏ phiếu bầu chọn một quốc hội mới vào ngày 7-6, trong hoàn cảnh căn bệnh bất ổn chính trị đã trở thành mãn tính khiến toàn bộ hệ thống nhà nước, từ hành pháp tới lập pháp, tê liệt trên thực tế hơn một năm nay. Trong một nhà nước hầu như bất lực ấy có một cơ chế đảng tôn giáo - chính trị mà thực lực của nó được coi là còn mạnh hơn cả nhà nước theo nghĩa đen. Đó là Hezbollah.

DdeO4ZQc.jpgPhóng to
Vụ đánh bom nhắm vào ông Rafeed al-Hariri vào ngày 14-2-2005 đã tạo ra một hố bom khổng lồ tại hiện trường - Ảnh: defenselink

Hezbollah chính thức ra đời giữa năm 1985 tại Libăng (một số chuyên gia khăng định tổ chức này đã bí mật tồn tại từ đầu thập niên 1980), khi nước này đang chìm đắm trong cuộc chiến tranh xâm lược của Israel đồng thời bị giằng xé bởi cuộc nội chiến tương tàn đã nổ ra từ mười năm trước. Sáng lập Hezbollah là một bộ phận theo hệ tư tưởng thánh chiến tách ra từ Phong trào Hồi giáo Amal, tổ chức chính trị - vũ trang của dòng Shi’a ở Libăng.

Đảng của thánh

Hezbollah, tiếng Ả Rập có nghĩa là “Đảng của thánh”. Đó là những người chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng Hồi giáo Iran do đại giáo chủ Khomeini lãnh đạo. Ban đầu Hezbollah chủ yếu là lực lượng vũ trang với khẩu hiệu “Kháng chiến Hồi giáo”, có mục tiêu rõ ràng là giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ả Rập bị Israel chiếm đóng, trong đó miền nam Libăng, cao nguyên Golan của Syria và “lãnh thổ Palestine” (theo quan niệm của Hồi giáo cứng rắn, Palestine gồm cả lãnh thổ Israel ngày nay, bởi họ coi việc ra đời nhà nước Israel năm 1948 là cướp đất của người Palestine). Với chủ thuyết “kháng chiến” này, Hezbollah tự cho mình quyền chiến đấu đến khi nào “giải phóng toàn bộ lãnh thổ Ả Rập bị chiếm đóng”. Đảng này kiên quyết bảo vệ “quyền cầm vũ khí” độc lập với nhà nước, bất chấp mọi nỗ lực quốc tế đòi giải giáp lực lượng vũ trang của họ.

Cho đến cuối thập niên 1990, Hezbollah vẫn phản đối tham gia chính quyền Libăng bởi Hồi giáo cứng rắn coi các chính quyền Ả Rập đương thời không còn là Hồi giáo nữa. Hezbollah bị coi là thủ phạm gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố mà nghiêm trọng nhất là đánh bom năm 1983 vào sứ quán Mỹ tại Beirut và bộ chỉ huy quân đội Mỹ, quân đội Pháp trong lực lượng quốc tế, giết chết hơn 300 người. Mỹ đã xếp Hezbollah vào danh sách các tổ chức khủng bố, tương tự như al-Qaeda và Hamas của Palestine.

Ra đời trong toan tính chiến lược của Iran

Hezbollah còn có một hệ thống trường học, bệnh viện và cơ sở xã hội riêng đảm bảo đời sống cho cư dân những khu vực mà họ kiểm soát. Nguồn tài chính của Hezbollah dồi dào tới mức sau chiến tranh với Israel năm 2006, đảng này hào phóng chi bồi thường hàng trăm triệu USD cho tất cả các gia đình chịu thiệt hại, trong khi chính phủ chưa kịp làm việc này. Hezbollah cũng có chính sách thương binh liệt sĩ rất chu đáo đối với những gia đình có người “hi sinh vì sự nghiệp của Allah”.

Tuyên bố thành lập của Hezbollah ngày 16-2-1985 nêu rõ: “Đảng tuân thủ các mệnh lệnh từ một ban lãnh đạo anh minh và công bằng, hiện thân ở tổ quốc của tín ngưỡng (Iran), ở Rouhallah Ayiatullah Mausowi Khomeini - người phát động cuộc cách mạng của các tín đồ Hồi giáo và phục hưng thời đại vinh quang của họ”.

Mohammed Hassan Akhtari - cựu đại sứ Iran tại Damas hai nhiệm kỳ từ 1986-1997 và 2005-2008 - được coi là nhân vật đại diện cho nhà nước Cộng hòa Hồi giáo chuyên trách vấn đề Hezbollah Libăng ngay sau khi đảng này ra đời và suốt quá trình hoạt động của nó.

Theo ông này, năm 1982, sau khi Israel tấn công xâm chiếm Libăng, Iran đã cử một lực lượng thuộc Vệ binh cách mạng khét tiếng của họ đến nước này tham chiến bên cạnh các lực lượng Libăng. Nhưng trong hoàn cảnh phải chống trả cuộc chiến tranh do Iraq của Saddam Hussein phát động từ 1980 đến khi ấy, giáo chủ Khomeini đã chủ trương huấn luyện và trang bị cho các thanh niên Shi’a Libăng để trở thành một lực lượng vũ trang tại chỗ gắn bó với Iran về hệ tư tưởng giáo lý. Hezbollah chính là tổ chức thích hợp nhất để triển khai kế hoạch chiến lược này của giáo chủ lãnh tụ Iran.

Cũng có tài liệu cho rằng Hezbollah thật ra đã hình thành ngay từ khi Vệ binh cách mạng Iran vào Libăng năm 1982. Huja al-Islam Ali Akba’r Muhtashmi - đại sứ đầu tiên của Iran tại Syria - được coi là chủ nhân của ý tưởng khai sinh Hezbollah. Ông này đã đề xuất ý tưởng với Khomeini và trực tiếp bí mật triển khai biến ý tưởng thành hiện thực, để Hezbollah ra đời công khai năm 1985.

Khẳng định bằng quân sự

Hezbollah tham gia một số giai đoạn nội chiến Libăng, xây dựng được cho mình những vị thế quân sự tại các mặt trận trong nước. Hiện nay, đảng này hầu như làm chủ khu vực từ ngoại ô phía nam thủ đô Beirut về miền nam cho đến biên giới với Israel. Năm 1988, Hezbollah đánh nhau ác liệt với Phong trào Amal để khẳng định vị trí của mình trong dòng Shi’a Libăng.

Được sự giúp đỡ mọi mặt của Iran và cả Syria, sau khi Israel rút khỏi miền nam Libăng vào năm 2000, Hezbollah đã trở thành nòng cốt của “các lực lượng kháng chiến Libăng”, đứng chân vững chắc tại miền nam nước này để thường xuyên là mối đe dọa đối với khu vực biên giới phía bắc Israel.

Cuộc chiến tranh 34 ngày mùa hè năm 2006 do Israel gây ra trên lãnh thổ Libăng đã không xóa sổ được Hezbollah như mục tiêu của chính quyền Ehud Olmert, mà nhà nước Do Thái còn phải hứng chịu hàng ngàn quả tên lửa từ Libăng bắn sang. Kết cục ấy đã thật sự nâng Hezbollah và lãnh tụ Hassan Nasrullah của đảng này lên địa vị “người hùng” trong lòng quần chúng Ả Rập và Hồi giáo. Nghị quyết số 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chấm dứt cuộc chiến này trên thực tế đã không cản trở được Hezbollah khôi phục lực lượng của họ vốn bị tổn thất lớn lao, nhất là về vũ khí.

Sự kiện ngày 7-5-2008 tại Beirut đã chứng minh điều đó. Trong sự kiện này, Hezbollah huy động lực lượng vũ trang của họ đánh chiếm làm chủ nhiều khu vực trong thủ đô Beirut vốn là lãnh địa truyền thống của các nhóm chính trị được phương Tây hậu thuẫn. Sức mạnh của Hezbollah khiến quân đội quốc gia Libăng không dám can thiệp. Thỏa thuận Doha ngày 21-5 năm ấy đã khôi phục bình yên tạm thời tại Libăng trong thế thắng của Hezbollah, khi họ đòi được 1/3 số ghế trong nội các do phe chống Syria chiếm đa số. Tỉ lệ này đủ để Hezbollah cùng đồng minh của họ làm tê liệt bất cứ quyết định nào của Chính phủ Libăng.

Nhà nước không mạnh bằng

Trong hơn 20 năm qua, Hezbollah đã củng cố được địa vị quân sự và chính trị vững chắc tại Libăng mà không một quyết định nào liên quan đến nước này có thể tảng lờ vai trò của họ. Trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương và Quốc hội Libăng năm 2005, khi Syria vừa buộc phải rút hết lực lượng quân sự to lớn khỏi nước này, Hezbollah đã thành công cùng Phong trào Amal trong một liên danh tranh cử. Từ đây, Hezbollah đã trở thành lực lượng nòng cốt của Shi’a Libăng, hoàn toàn thay thế địa vị truyền thống của Amal, mặc dù lãnh tụ của Amal vẫn là chủ tịch quốc hội.

Ngoài lực lượng vũ trang được coi là mạnh hơn cả quân đội quốc gia, Hezbollah còn quản lý trên thực tế lĩnh vực an ninh của sân bay quốc tế Beirut. Người của đảng này khống chế cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Libăng, tạo điều kiện để Hezbollah có thể tự do nhập các loại hàng và người của họ xuất nhập cảnh mà nhà nước không thể kiểm soát được. “Đảng của thánh” đã xây dựng được một hệ thống thông tin liên lạc hiện đại hoàn toàn độc lập với chính phủ. Kênh truyền hình vệ tinh “al-Mana’r” của Hezbollah phục vụ mạnh mẽ việc tuyên truyền và khuếch trương thanh thế của đảng này.

Thực tế trớ trêu ấy khiến Chính phủ Libăng ra nghị quyết thu hồi quyền kiểm soát an ninh sân bay quốc tế cũng như cấm mạng lưới thông tin liên lạc riêng của Hezbollah hoạt động. Đảng này đã đáp trả bằng sự kiện ngày 7-5-2008 như nói ở trên, khiến chính phủ phải lập tức hủy bỏ nghị quyết của mình để tránh hiểm họa Hezbollah có thể sẽ lật đổ chính phủ hợp pháp.

Trong cuộc mittinh quần chúng khổng lồ ngày 15-5 mới đây tại lãnh địa ngoại ô phía nam Beirut, tổng bí thư của Hezbollah - Hassan Nasrullah - lớn tiếng khẳng định: “Người đã đánh bại đạo quân mạnh nhất thế giới (ý nói “thắng” Israel trong chiến tranh năm 2006) thì cũng có khả năng quản lý một nhà nước lớn gấp 100 lần Libăng”. Lời lẽ hùng hồn này được dư luận Libăng coi là tuyên bố thắng cử của lãnh tụ Hezbollah ngay trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử vào ngày 7-6.

Hezbollah - thủ phạm ám sát cựu thủ tướng Rafeed al-Hariri?

Ngày 14-2-2005, tại trung tâm thủ đô Beirut xảy ra một vụ nổ kinh hoàng giết hại cựu thủ tướng Rafeed al-Hariri - một người chống sự hiện diện quân sự của Syria tại Libăng. Tháng 6 năm ấy, Liên Hiệp Quốc thành lập một nhóm điều tra quốc tế để tìm ra thủ phạm vụ ám sát. Tháng 8-2005, bốn nhân vật cao cấp trong lực lượng an ninh và tình báo của Libăng bị bắt giữ. Họ đều là những nhân vật rất thân cận với Syria.

Ngày 1-3-2009, tòa án quốc tế do Liên Hiệp Quốc thành lập để điều tra, xét xử vụ này chính thức hoạt động. Quyết định đầu tiên của tòa án ngày 29-4, phóng thích cả bốn nghi can bị bắt giữ từ năm 2005, được coi là đem lại lợi thế chính trị lớn lao cho phe thân Syria do Hezbollah làm nòng cốt, khi Libăng đang đến đoạn nước rút trong cuộc chạy đua vào quốc hội ngày 7-6.

Nhưng ngày 22-5, tạp chí Der Spiegel của Đức đăng bài điều tra của Eric Fullath nói là “được tham khảo tài liệu của tòa án”, trong đó nêu thủ phạm chính là Hezbollah. Bài báo phanh phui nhóm tám đảng viên của Hezbollah, được đơn vị điều tra đặc biệt đặt mật danh là “Âm phủ 1”, đã trực tiếp thực hiện vụ nổ giết hại Rafeeq al-Hariri ngày 14-2-2005. Chỉ huy của nhóm này là al-Haj Saleem, 45 tuổi, người vùng Nabatiyah thuộc nam Libăng. Saleem có thể là tổng chỉ huy hiện nay của lực lượng vũ trang Hezbollah.

Tất cả các bên liên quan, kể cả Hezbollah, đều lúng túng trước bài điều tra gay cấn ấy và tức thời không đưa ra một lời phản bác chính thức nào. Nhà báo Eric Fullath, khi trả lời cật vấn của al-Arabiyah ngày 23-5, vẫn khẳng định đã được xem bản gốc tài liệu mà ông đã tung ra và tuyên bố chịu trách nhiệm với lương tâm nghề nghiệp của mình. Tất cả đều thận trọng và kìm nén. Saad al-Hariri - con trai của cựu thủ tướng quá cố và là thủ lĩnh của phe chống Syria - tuyên bố chờ mọi phán quyết của tòa án quốc tế. Có lẽ không thế lực nào tại Libăng muốn đẩy Hezbollah vào chân tường vì không nghi ngờ gì việc đảng này có thể phản ứng ra sao và hậu quả thậm chí sẽ là nội chiến.

NGUYỄN NGỌC HÙNG(tổng hợp từ các nguồn Ả Rập)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên