28/09/2011 07:52 GMT+7

Hết thời "ông giá"!

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Thật có ý nghĩa khi vụ tranh cãi về giá xăng dầu mới diễn ra ít ngày thì dự án Luật giá được đặt lên bàn làm việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cứ theo quan điểm, mục tiêu được trình bày bởi cơ quan soạn thảo luật (Bộ Tài chính) và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Tài chính - ngân sách) thì chính sách giá cả sẽ chuẩn bị bước sang trang mới.

“Trả quyền cho doanh nghiệp định giá” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tuyên bố mặc dù ông khẳng định thời gian qua Nhà nước đã giảm mạnh quyền định giá trực tiếp, chỉ định giá, bù lỗ, bù giá, bao cấp qua giá... nhằm giảm thiểu sự méo mó của hệ thống giá trong nền kinh tế. Nói như vậy có nghĩa là “cơ chế giá hành chính áp đặt, Nhà nước quyết định giá hầu hết các loại hàng hóa, dịch vụ” tồn tại từ thời bao cấp, đến nay sau 25 năm đổi mới có cơ may được dẹp bỏ hoàn toàn. Giá cả trở về đúng bản chất của nó là do quy luật cạnh tranh, quy luật cung - cầu hàng hóa quyết định chứ không phải từ mệnh lệnh hành chính của ông nọ, ông kia ngồi trên bàn giấy.

Bình luận với Tuổi Trẻ câu chuyện “tranh cãi” về cơ chế điều hành giá xăng dầu và lỗ lãi của doanh nghiệp vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển nói: “Hội thảo khoa học thì ý kiến khác nhau là bình thường, cần thiết. Nhưng tín hiệu mà Bộ Tài chính phát đi cho thấy họ đã bắt đầu quyết liệt”. Và, theo ông Hiển, tất cả những gì liên quan đến người dân đều cần sự minh bạch. Ví dụ giá thế nào là hợp lý, những chi phí nào được tính vào giá thành, cách tính ra sao..., tất cả cần luật hóa, có tiêu chí và công thức rõ ràng.

Ông Hiển cũng quả quyết rằng “để tránh có chuyện cá nhân trong việc quyết định giá cả” đối với các mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, danh mục mặt hàng bình ổn giá thì luật phải quy định cơ chế tập thể quyết định. Ý kiến loại bỏ “ông giá” của ông Hiển lập tức được Bộ trưởng Vương Đình Huệ tiếp thu ngay trong chiều 26-9 vì “để tập thể quyết định là hợp lý”. Tập thể quyết định sẽ tránh được tình trạng người ta alô, gõ cửa người có thẩm quyền quyết định giá mỗi khi có “tín hiệu”. Đây cũng là cơ may để ngăn ngừa lợi ích nhóm.

Nhưng một khi còn chuyện định giá thì vẫn còn nguy cơ tiêu cực và dù ít dù nhiều cũng méo mó thị trường. Thế nên, dấn thêm một bước nữa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý ban soạn thảo “hỗ trợ ai thì hỗ trợ trực tiếp chứ không nên định giá”. Chủ tịch Quốc hội đồng ý nên có danh mục mặt hàng, dịch vụ được bình ổn giá, đó là những mặt hàng thiết yếu với đời sống quốc kế dân sinh và trong những trường hợp đặc biệt. Nhưng giá cả phải trả về cho thị trường. Nhà nước chỉ bình ổn bằng các chính sách kinh tế, đặc biệt là thuế, còn lại thì hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng cần nhận sự hỗ trợ để đảm bảo tính chất “định hướng XHCN” trong nền kinh tế thị trường. Theo ý Chủ tịch Quốc hội, điện, xăng dầu không nên định giá nữa, nếu hỗ trợ thì hỗ trợ tiền xăng cho ngư dân đánh cá chứ ai lại hỗ trợ cả ông lắm tiền đi xe hơi hạng sang càng xài nhiều xăng càng nhả nhiều khói vào môi trường.

Với tinh thần như vậy, Bộ trưởng Vương Đình Huệ thay mặt Chính phủ đề nghị đổi tên dự án “Luật quản lý giá” thành dự án “Luật giá”. Lược bỏ đi chữ “quản lý” trong đạo luật này đồng nghĩa với một tuyên ngôn về chủ trương “quản lý” mới.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên