Hẻm Hào Sĩ Phường (số 206 đường Trần Hưng Đạo, P.11, Q.5, TP.HCM) treo biển cấm khách chụp ảnh, quay phim - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Hẻm Hào Sĩ Phường (đường Trần Hưng Đạo, P.11, Q.5, TP.HCM) vốn nổi tiếng là điểm check-in thu hút giới trẻ vì khung cảnh đẹp của dãy phố này. Không ít người cảm thấy tiếc khi bất ngờ thấy biển cấm khách chụp ảnh, quay phim.
Có người cho rằng sự cấm đoán này là quá đáng bởi chính du khách đã làm nên sự nổi tiếng của con hẻm này. Nhờ đó, nơi đây trở thành địa điểm được biết đến không chỉ trong nước mà còn với cả du khách quốc tế.
Cư dân sinh sống tại con hẻm này lý giải việc họ treo bảng cấm quay phim, chụp ảnh vì không muốn nơi đây biến thành khu du lịch hay phim trường. Nhiều người đến đây chụp ảnh ăn mặc phản cảm, tạo dáng sexy quá đà, mặc quần ngắn cũn cỡn, uốn éo trước cửa nhà.
Mỗi ngày có 6-7 đoàn phim, còn người đến chụp ảnh thì không đếm hết. Việc đi lại, nói chuyện, đóng phim gây ồn ào quá mức. Chưa kể nhiều người còn xả rác bừa bãi, cự cãi khi bị cư dân nhắc nhở.
Không ít trường hợp tương tự đã xảy ra trước đó. Dãy ghế trắng ở khán đài sân khấu ngoài trời Nhà Thiếu nhi Đà Lạt từng là điểm đến không thể thiếu với nhiều bạn trẻ khi đến thành phố này. Đầu năm 2018, nơi đây đã đóng cửa với du khách khi có quá nhiều người thản nhiên leo trèo, chạy nhảy làm hư hỏng ghế; hoặc vào đây ăn uống, nhậu nhẹt rồi xả rác.
Chủ nhân cánh đồng hoa thì là rộng hơn 4ha ở xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cũng từng phải vội vàng ra thông báo đóng cửa sau 4 ngày đón khách du lịch, sau khi nhiều luống hoa bị giẫm đạp, giày xéo tan hoang.
Bức tường có dòng chữ "Hanoi" màu xanh phố Lý Quốc Sư (Hà Nội) đã bị xóa khiến nhiều "tín đồ check-in" cảm thấy hụt hẫng sau khi người dân chịu hết nổi vì tiếng ồn. Rồi chuyện cây thốt nốt trái tim nổi tiếng ở Tri Tôn (An Giang) đã bị chặt bớt lá, mất đi hình dạng trái tim vốn có ban đầu do chủ sở hữu cây bức xúc trước hành vi xả rác bừa bãi của các bạn trẻ tới đây chụp hình "sống ảo".
Một biển cấm chụp hình đã được dựng lên ở dốc Nhà Bò trên đường Đào Duy Từ, Đà Lạt vì du khách dàn hàng ngang trên con dốc, cản trở giao thông. Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nổi tiếng là "trường học được check-in nhiều nhất cả nước" cũng thông báo tạm ngưng cho du khách vào tham quan để giữ trật tự, vệ sinh cảnh quan trường học.
Còn tại Đồng Tháp, một nông dân ở xã Tân Hội, thị xã Hồng Ngự đã tạm đóng cửa ruộng sen khi nhiều du khách đổ xô đến, chen lấn, giẫm đạp, vô ý làm hư ruộng sen.
Được du khách biết và tìm đến là niềm vui, sự hãnh diện của bất cứ chủ nhà, chủ vườn hay các khu dân cư. Thế nhưng, kiểu đến để khuấy động sự yên bình vốn có và mang theo sự bất an thì thật khó chấp nhận.
Một khi có quá nhiều nơi "nói không" với du khách thì cũng cần xem lại cách hành xử của một bộ phận du khách (hầu hết là người trẻ). Không phải vì chủ nhà thiếu thiện chí, không có lòng hiếu khách, mà vì họ cảm thấy quá phiền toái. Rõ ràng, sự riêng tư của những cư dân địa phương đang dần bị xâm hại bởi những "vị khách không mời".
Đã đến lúc cần đặt ra những nguyên tắc ứng xử văn hóa giữa du khách và người dân địa phương. Chẳng hạn như cần quy định về thời gian được tham quan trong ngày, những điều du khách cần làm như giữ vệ sinh, không gây ồn... để đảm bảo việc phát triển du lịch hài hòa với nhịp sống của người dân.
Sớm ngăn ngừa tổn hại
Tại một số điểm du lịch nổi tiếng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ..., quy định cấm quay phim, chụp hình cũng không hiếm gặp. Ở một số nước, việc ghi hình xâm phạm đến sự riêng tư của cư dân địa phương có thể bị cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Từ nhiều năm trước, Hội An đã phải ban hành quy tắc ứng xử thành văn bản để ngăn ngừa những tổn hại có thể diễn ra với phố cổ đến từ những ứng xử vô ý thức. Cho đến nay, điều này đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận