18/03/2019 13:57 GMT+7

Hẹp ống sống thắt lưng

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Chứng hẹp ống sống thắt lưng là hẹp ống sống. Chúng gây chèn ép vào các dây thần kinh đi xuống dưới đến hai chân.

Hẹp ống sống thắt lưng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: mayoclinic.org

   Cột sống thắt lưng bao gồm năm đốt sống ở đoạn thấp của cột sống, giữa các xương sườn và xương chậu. Chứng hẹp ống sống thắt lưng là hẹp ống sống. Chúng gây chèn ép vào các dây thần kinh đi xuống dưới đến hai chân. Bệnh thường xảy ra ở người từ 60 tuổi trở lên do tình trạng thoái hóa. Tuy nhiên, bệnh có thể xuất hiện ở người trẻ tuổi, do một số nguyên nhân trong quá trình phát triển.

   Chứng hẹp ống sống thắt lưng thường diễn tiến chậm, trong nhiều năm hay nhiều thập kỷ. Đĩa đệm trở nên giảm đàn hồi theo tuổi, làm giảm chiều cao đĩa đệm, và có thể gây lồi nhân nhầy đĩa đệm vào ống sống. Đồng thời có thể có gai xương và dày dây chằng. Tất cả những yếu tố này góp phần làm hẹp ống sống và có thể gây ra triệu chứng. Các triệu chứng có thể do viêm, chèn ép dây thần kinh, hoặc do cả hai.

Triệu chứng có thể gồm:

- Đau, yếu hoặc tê ở chân, bắp chân hoặc mông.

- Vọp bẻ ở bắp chân khi đi, cần phải nghỉ nhiều lần để đi một đoạn đường.

- Đau lan đến một hay cả hai cẳng chân hoặc đùi, tương tự như đau thần kinh tọa.

- Một vài trường hợp hiếm có thể có mất vận động của hai chân, rối loạn tiểu tiện hoặc đại tiện.

- Đau có thể giảm khi cúi người ra trước, ngồi hoặc nằm.

   Trượt đốt sống và vẹo cột sống do thoái hóa là hai tình trạng có thể liên quan với hẹp ống sống thắt lưng.

   Trượt đốt sống do thoái hóa gây ra bởi thoái hóa diện khớp. Phổ biến nhất là đốt L4 trượt lên đốt L5. Bệnh thường được điều trị với cùng phương pháp điều trị bảo tồn và phẫu thuật tương tự như bệnh hẹp ống sống thắt lưng.

   Vẹo cột sống do thoái hóa thường xảy ra nhất ở vùng thắt lưng, và hay gặp ở người từ 65 tuổi trở lên. Đau lưng do bệnh này thường khởi phát từ từ và có liên quan đến vận động. Vẹo cột sống trong trường hợp này tương đối nhẹ. Phẫu thuật có thể được chỉ định khi các phương pháp điều trị bảo tồn không cải thiện được tình trạng đau.

Chẩn đoán

   Chẩn đoán được đưa ra bởi phẫu thuật viên ngoại thần kinh dựa trên bệnh sử, triệu chứng, thăm khám lâm sàng và các kết quả xét nghiệm.

Hình ảnh học có thể gồm:

X-quang: Tia xạ tập trung xuyên qua cơ thể để tạo ra hình ảnh và có thể hiển thị cấu trúc của xương, trục của cột sống và đường viền các khớp.

CT scanner hoặc CAT scanner: Tạo ra hình ảnh bằng cách kết hợp nhiều phim X-quang lại với nhau và có thể hiển thị hình dạng, kích thước của ống sống, các thành phần bên trong, các cấu trúc xung quanh với chi tiết giải phẫu học của xương.

MRI: Tạo hình ảnh bằng năng lượng từ tính và công nghệ máy tính. Có thể hiển thị tủy sống, rễ thần kinh và các vùng xung quanh, cũng như sự phì đại, thoái hóa hay khối u.

Tủy đồ: Tiêm thuốc cản quang vào khoang dịch não tủy để ghi nhận hình dạng các dây thần kinh và tủy sống, và cho thấy bằng chứng của bất kỳ chèn ép nào ảnh hưởng lên khu vực này; có thể thấy trên X-quang, đôi khi được thực hiện với CT-scan.

Điều trị

Điều trị bảo tồn

   Sự kết hợp của thời gian, thuốc, điều chỉnh tư thế, kéo giãn và tập thể dục có thể giúp nhiều bệnh nhân khi cơn đau bùng phát. Giảm cân, bỏ thuốc lá và các phương pháp làm xương chắc khỏe cũng có thể được chỉ định.

- Thuốc kháng viêm và giảm đau có thể dùng để giảm sưng và đau. Hầu hết các cơn đau có thể được điều trị bằng thuốc không kê toa. Nhưng nếu đau nhiều hay kéo dài, thuốc theo toa có thể được chỉ định.

- Tiêm ngoài màng cứng có thể chỉ định để giảm sưng.

- Vật lý trị liệu và/hoặc các bài thể dục có thể giúp ổn định và bảo vệ cột sống, tạo độ bền và tăng độ linh hoạt. Trị liệu có thể giúp trở lại cuộc sống và các hoạt động hằng ngày. Thông thường, khuyến khích trị liệu khoảng 4-6 tuần.

Điều trị phẫu thuật

   Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu phương pháp điều trị bảo tồn không cải thiện được các triệu chứng. Có nhiều phương pháp phẫu thuật cột sống khác nhau. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, phẫu thuật viên ngoại thần kinh sẽ giúp xác định phương pháp thích hợp. Như bất kỳ ca phẫu thuật nào, các nguy cơ của bệnh nhân bao gồm tuổi, tổng trạng và các vấn đề khác, đều được cân nhắc kỹ lưỡng.

Bệnh nhân được cân nhắc điều trị phẫu thuật nếu:

- Đau lưng và chân làm giới hạn hoạt động bình thường, hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

- Bệnh tiến triển thành các khiếm khuyết thần kinh (yếu chân, bàn chân rũ, tê chi).

- Mất chức năng đại và/hoặc tiểu tiện.

- Khó khăn khi đứng hoặc đi.

- Thuốc và vật lý trị liệu không mang lại hiệu quả.

- Sức khỏe tổng quát tốt.

   Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau, lựa chọn tùy thuộc vào mức độ nặng của từng trường hợp. Trong một số ít bệnh nhân, mất vững cột sống có thể đòi hỏi phải hàn xương cột sống – quyết định này thường được xác định trước phẫu thuật. Hàn xương cột sống là một phẫu thuật nhằm tạo ra một liên kết vững chắc giữa hai hoặc nhiều đốt sống. Phẫu thuật này có thể hỗ trợ làm tăng cường và giữ vững cột sống. Do đó có thể giúp giảm tình trạng đau lưng nặng và mạn tính.

Các phương pháp phẫu thuật

Phương pháp phổ biến nhất ở cột sống thắt lưng là thủ thuật cắt bản sống giải ép. Khi đó bản sống bị cắt bỏ để tạo nhiều khoảng trống cho các dây thần kinh. Phẫu thuật viên ngoại thần kinh có thể thực hiện cắt bản sống cùng với hàn xương cột sống hoặc không, hoặc có thể loại bỏ một phần đĩa đệm. Hàn xương cột sống có hoặc không có dụng cụ cột sống có thể được dùng để tăng cường sự kết dính và nâng đỡ các vùng mất vững của cột sống.

Những phương pháp phẫu thuật khác để điều trị hẹp ống sống thắt lưng bao gồm:

Cắt bản sống: Tạo một khoảng mở trong xương để giảm áp lực lên các rễ thần kinh.

Mở rộng lỗ liên hợp: Phẫu thuật nhằm làm rộng lối ra của rễ thần kinh khi nó đi ra khỏi ống sống; có thể thực hiện đơn độc hoặc kết hợp với phẫu thuật mở rộng bản sống hoặc cắt bản sống.

Cắt diện khớp trong: Loại bỏ một phần của diện khớp bị phì đại để tạo nhiều khoảng trống cho ống sống.

Hàn xương liên thân sống thắt lưng lối trước (ALIF): Lấy bỏ đĩa đệm thoái hóa bằng đường mổ đi xuyên qua vùng bụng dưới. Một cấu trúc dụng cụ để hỗ trợ đĩa đệm bị lấy bỏ được đặt vào. Thường là xương, kim loại, sợi cacbon, vật liệu khác được đóng gói với xương. Kết quả là sự hàn dính giữa thân sống trên và dưới xảy ra.

Hàn xương liên thân sống thắt lưng lối sau (PLIF): Lấy bỏ đĩa đệm thoái hóa bằng đường mổ phía sau lưng, lấy bỏ xương phía sau của ống sống, kéo các dây thần kinh để tiếp cận đĩa đệm. Một cấu trúc dụng cụ để hỗ trợ đĩa đệm bị lấy bỏ được đặt vào. Thường là xương, kim loại, sợi cacbon, vật liệu khác được đóng gói với xương. Kết quả là sự hàn dính giữa thân sống trên và dưới xảy ra. Giống như TLIF, nhưng phương pháp này thường được tiến hành ở hai bên cột sống.

Hàn xương liên thân sống thắt lưng qua lỗ liên hợp (TLIF): Lấy bỏ đĩa đệm thoái hóa bằng đường mổ phía sau lưng. Sau đó lấy bỏ xương phía sau của ống sống, kéo các dây thần kinh để tiếp cận đĩa đệm. Một cấu trúc dụng cụ để hỗ trợ đĩa đệm bị lấy bỏ được đặt vào. Thường là xương, kim loại, sợi cacbon, vật liệu khác được đóng gói với xương. Kết quả là sự hàn dính giữa thân sống trên và dưới xảy ra. Giống như PLIF, nhưng phương pháp này thường chỉ được tiến hành ở một bên cột sống.

   Hàn xương sau bên: Ghép xương ở phía sau và phía bên của cột sống để đạt được hàn xương.

   Hàn xương bằng dụng cụ: Sử dụng dụng cụ (móc, vít, dụng cụ khác) để tăng độ vững giúp hàn xương.

   Các lợi ích của cuộc mổ phải luôn được cân nhắc kỹ với các nguy cơ của phẫu thuật và gây mê. Mặc dù tỉ lệ cao các bệnh nhân bị hẹp ống sống thắt lưng giảm đau đáng kể sau phẫu thuật. Tuy nhiên không thể chắc chắn rằng mọi bệnh nhân đều đạt kết quả tương tự.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên