28/08/2017 16:27 GMT+7

​Hẹp bao quy đầu

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Hẹp bao quy đầu hay còn gọi là “phimosis”, từ gốc Hy Lạp, là một tình trạng mà da bao quy đầu không thể kéo qua được đầu dương vật ở nam giới.

Còn ở phụ nữ, thuật ngữ clitoral phimosis cũng được dùng để chỉ tình trạng mũ âm vật không lộn ra được để có thể bộc lộ quy đầu âm vật.

Ở giai đoạn sơ sinh, hiếm khi da bao quy đầu có thể lộn ra được. Vì vậy, tình trạng bao quy đầu không lộn ra được có thể được coi là bình thường cho đến độ tuổi vị thành niên. Nhiều tác giả cho rằng việc chẩn đoán hẹp bao quy đầu như một tình trạng bệnh lý đã bị lạm dụng. Vì vậy, nhiều tác giả dùng thuật ngữ hẹp bao quy đầu sinh lý và hẹp bao quy đầu bệnh lý để phân biệt khi chẩn đoán tình trạng này.

Phát triển tự nhiên của da bao quy đầu

Lúc trẻ sinh ra, lớp da bao quy đầu còn dính chặt vào quy đầu. Vì vậy, ở giai đoạn sơ sinh và trẻ nhỏ hầu như không thể lộn bao quy đầu ra được vì lúc này quy đầu dương vật còn mỏng manh và cần được bảo vệ khỏi sự cọ xát của áo quần, nước tiểu, hay các tác nhân cơ học khác.

Hiện nay, sự phát triển của da bao quy đầu đã được nghiên cứu kỹ. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ và Hội Nhi khoa Canada kết luận rằng không nên cố gắng kéo bộc lộ da bao quy đầu ở trẻ nhỏ. Da bao quy đầu sẽ được lộn ra một cách dễ dàng theo tuổi. Theo Huntley và cộng sự, da bao quy đầu có thể lộn được ở 50% trẻ 1 tuổi, 90% ở trẻ 3 tuổi, và 99% ở tuổi 17. Vì vậy, các tác giả này cho rằng, trừ khi bị sẹo dính hoặc có các bất thường hoặc biến chứng khác kèm theo, việc không lộn được bao quy đầu khỏi đầu dương vật được xem là bình thường cho đến tuổi vị thành niên.

Với những hiểu biết nói trên, tỉ lệ phẫu thuật đối với hẹp bao quy đầu đã giảm nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tại nhiều nơi trên thế giới, việc phân biệt giữa hẹp bao quy đầu sinh lý và bệnh lý còn chưa rõ và chẩn đoán hẹp bao quy đầu bệnh lý vẫn còn bị lạm dụng dẫn đến tỉ lệ phẫu thuật cao ở một số nơi. Như vậy hầu hết các trường hợp hẹp bao quy đầu ở trẻ em là hẹp sinh lý và không cần phải điều trị gì, trừ những trường hợp có biến chứng.

Hẹp bao quy đầu bệnh lý

Nguyên nhân:

Hiếm khi gặp hẹp bao quy đầu bệnh lý ở trẻ nhỏ. Hẹp bao quy đầu bệnh lý gặp ở trẻ lớn hoặc người lớn có thể do các nguyên nhân sau:

-  Viêm quy đầu, nhất là những trường hợp hay bị tái phát. Có những trường hợp bị đái tháo đường do lượng đường trong nước tiểu ứ đọng gây viêm nhiễm mạn tính và dẫn đến hẹp bao quy đầu.

-  Bệnh sừng hóa bao quy đầu.

-  Do dính bao quy đầu với quy đầu dương vật, hoặc do co rút dây hãm dương vật làm khó lộn bao quy đầu dù lỗ bao quy đầu không hẹp.

Hẹp bao quy đầu bệnh lý ở trẻ lớn và người lớn có thể phân làm hai loại: hẹp hoàn toàn và hẹp không hoàn toàn.

Biến chứng của hẹp bao quy đầu bệnh lý:

-  Đau, khó chịu khi tiểu hoặc giao hợp.

-  Viêm nhiễm do ứ đọng nước tiểu.

Điều trị:

Hẹp bao quy đầu ở trẻ em hầu như là hẹp sinh lý và chỉ phải điều trị trong những trường hợp có biến chứng như tiểu khó, tắc nghẽn, ứ đọng nước tiểu gây nhiễm trùng mạn tính.

Ở trẻ lớn hoặc người lớn nếu tình trạng hẹp bao quy đầu không gây các biến chứng trầm trọng thì có thể áp dụng các biện pháp điều trị không phẫu thuật. Điều trị phẫu thuật chỉ nên được chỉ định như là biện pháp cuối cùng. Một số đàn ông hẹp bao quy đầu không lộn được da bao quy đầu nhưng hoàn toàn không có triệu chứng khó chịu hoặc biến chứng gì cũng không cần phải điều trị.

Các phương pháp xử trí không cần phẫu thuật

Thường áp dụng ở trẻ lớn hoặc người lớn (ở trẻ nhỏ thì không cần điều trị):

Bôi mỡ corticoid như betamethasone ở vùng hẹp của da bao quy đầu trong 4 - 6 tuần. Phương pháp này được áp dụng nhiều bởi các bác sĩ ở nước Anh như là phương pháp điều trị thay thế cho phẫu thuật trong những năm gần đây.

Làm căng da để nới rộng lỗ bao quy đầu: có thể dùng tay lộn dương vật mỗi ngày một ít, bản thân người bị hẹp có thể tự làm phương pháp này. Hoặc có thể nong dần dần bằng các dụng cụ y tế như pince, bóng nong... với sự hỗ trợ của thầy thuốc. Thường sau một tháng áp dụng những biện pháp này là có thể lộn được bao quy đầu khỏi đầu dương vật mà không cần phải phẫu thuật.

Các phương pháp điều trị phẫu thuật

Như đã nói ở trên, hiện nay phẫu thuật được xem như là chỉ định cuối cùng trong những trường hợp xử trí bằng các phương pháp không phẫu thuật không thành công và bệnh nhân bị các biến chứng như nhiễm trùng, dính bao quy đầu, ứ đọng nước tiểu,...

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Hẹp bao quy đầu