08/01/2019 13:40 GMT+7

Hen phế quản ở trẻ em - Những điều cha mẹ cần biết

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Con bạn thường xuyên bị ho và gặp khó khăn khi thở. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh hen phế quản.

Hen phế quản ở trẻ em - Những điều cha mẹ cần biết - Ảnh 1.

Dạy trẻ cách sử dụng ống xông hít. Ảnh: gponline.com

Hen phế quản là một bệnh viêm mạn tính gây nên tình trạng khó thở. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, hen phế quản có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến phổi và có thể dẫn đến tử vong.

Khi lên cơn hen, các biểu hiện sau đây sẽ xảy ra:

- Lớp niêm mạc đường hô hấp bị viêm nhiễm và sưng;

- Thành cơ ống dẫn khí co thắt lại;

- Lớp chất nhầy tạo ra bịt kín các đường dẫn khí.

Hen phế quản ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn nhưng điều trị sẽ gặp những vấn đề khó khăn hơn. Tuy nhiên nếu được điều trị đúng cách, bạn có thể giúp trẻ kiểm soát được các triệu chứng và ngăn ngừa những tổn thương đến phổi.

Nguyên nhân của bệnh hen phế quản

Cơn hen xuất hiện là kết quả của quá trình đường hô hấp bị tăng mẫn cảm với những yếu tố kích thích nhất định. Những yếu tố này khác nhau tùy theo từng đối tượng. Nếu con bạn bị dị ứng với những hóa chất nhất định, chúng có thể dễ mắc bệnh hen khi tiếp xúc với các tác nhân đó. Tuy nhiên, các tác nhân không gây dị ứng vẫn có thể gây hen phế quản.

Các tác nhân gây hen phế quản

Bảng dưới đây liệt kê một số tác nhân phổ biến và cách phòng tránh

Tác nhân

Cách phòng tránh

Lông động vật (chó, mèo)

- Có nhà riêng cho vật nuôi. Ngăn không cho vật nuôi tiếp xúc với trẻ;

- Tắm cho vật nuôi ít nhất một lần một tuần.

Bụi (ve, bét,…)

- Sử dụng những tấm nệm che phủ, vỏ chăn, vỏ gối.

- Giặt chăn đệm và vỏ chăn, gối hàng tuần bằng nước nóng.

Sâu bọ/côn trùng

- Luôn đậy kín thùng rác;

- Dùng thuốc diệt côn trùng (Lưu ý: Để ngoài tầm tay trẻ em);

- Chỉ sử dụng bình xịt côn trùng khi không có mặt trẻ.

Phấn hoa

- Đóng cửa ra vào và cửa sổ, giữ trẻ ở trong nhà vào thời điểm lượng phấn hoa cao nhất (buổi chiều);

- Sử dụng máy điều hòa để làm giảm lượng phấn hoa trong không khí.

Khói thuốc lá

- Tránh hút thuốc lá khi có mặt trẻ;

- Nếu gia đình có thành viên nghiện thuốc lá, khuyên họ nên bỏ thuốc hoặc không hút thuốc trong nhà.

Dược phẩm

Nên tránh dùng các thuốc dễ gây dị ứng như aspirin, thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, mefenamic acid) và nhóm chẹn beta giao cảm (propranolol, atenolol).

Thực phẩm

Không nên ăn đồ ăn có chứa nhiều sulfit (thực phẩm đóng hộp).

Căng thẳng thần kinh/dễ xúc động

- Dạy trẻ một số phương pháp giúp thư giãn;

- Hãy chia sẻ với bạn bè, người thân về những vấn đề trẻ gặp phải để có sự tư vấn và hỗ trợ khi cần thiết.

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen phế quản

- Mệt mỏi, đau vùng ngực;

- Thở khò khè hay thở thành tiếng;

- Ho liên tục.

Cách điều trị hen phế quản

Hiện tại không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên một số thuốc khá hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng viêm nhiễm và có tác dụng làm thông đường hô hấp trong cơn hen. Có thể dùng thuốc theo đường uống hay đường xông hít. Thuốc xông hít dễ sử dụng cho trẻ em, tác dụng nhanh đồng thời ít tác dụng phụ hơn so với dạng thuốc uống.

Hãy đảm bảo rằng cơn hen của trẻ được kiểm soát tốt bằng việc dùng thuốc đều đặn. Ngoài ra hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, thay đổi phong cách sống phù hợp và khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao vừa sức cũng có hiệu quả rất tốt. Đưa trẻ tới bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe định kỳ.

Điều trị dài hạn và điều trị cấp cứu

Điều trị hen phế quản liên quan tới việc ngăn ngừa triệu chứng và cắt cơn hen. Liệu pháp điều trị dài hạn có thể làm giảm nhẹ các dấu hiệu viêm đường hô hấp ở trẻ. Phần lớn trẻ em bị hen phế quản mãn tính đều sử dụng liệu pháp kết hợp giữa điều trị dài hạn và điều trị cắt cơn nhanh sử dụng ống xông hít.

Ngoài việc sử dụng thuốc đã được bác sĩ kê đơn, điều quan trọng là trẻ phải học được cách kiểm soát cơn hen như sau:

- Giữ bình tĩnh. Các thành viên trong gia đình và người chăm sóc cũng nên hết sức bình tĩnh và tỉnh táo để xử trí trong trường hợp này.

- Sử dụng thuốc xông hít để làm dịu cơn hen ngay lập tức theo hướng dẫn của thầy thuốc. Lặp lại việc dùng thuốc mỗi 20 phút cho tới 1 giờ.

- Đưa trẻ đi cấp cứu nếu các triệu chứng của trẻ không chấm dứt hay diễn biến nặng hơn hoặc các triệu chứng xuất hiện trở lại trong vòng 4 giờ.

Sống chung với bệnh hen phế quản

Khi bị chẩn đoán mắc bệnh hen phế quản, trẻ sẽ cần phải được theo dõi và điều trị liên tục. Quá trình này có thể là dài hạn phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh và tần suất xuất hiện cơn hen. Sự thành công của liệu pháp điều trị phụ thuộc vào sự hợp tác giữa cha mẹ, con cái và bác sĩ.

Do vậy hãy thực hiện các bước sau để giúp trẻ cách kiểm soát tốt cơn hen và chung sống an toàn với căn bệnh này:

- Nắm vững các kiến thức về bệnh hen phế quản;

- Có những mục tiêu rõ ràng để kiểm soát bệnh dài hạn;

- Nắm rõ được khả năng của trẻ trong việc kiểm soát cơn hen;

- Dạy trẻ cách nhận biết khi các triệu chứng hen trở nên nặng hơn và cách kiểm soát cơn hen cấp;

- Hiểu rõ về các loại thuốc điều trị và dạy trẻ cách sử dụng ống xông hít;

- Chỉ cho trẻ cách nhận biết các tác nhân gây bệnh và cách phòng tránh;

- Đưa trẻ đến bác sĩ kiểm tra thường xuyên./.


Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên