Phóng to |
Bà Trần Thị Dung - Giám đốc Bến xe Lam Hồng từng xác nhận đây là bút tích của anh em Hải “bến” ghi lại khoản tiền “lốt” nhưng lại tuyên bố hoạt động của bến xe không liên quan đến Hải “bến” |
Bài 1: Ăn cơm thiu phở thối hay... ăn đòn!Bài 2: “Siêu thị cơm tù” ở Quảng BìnhBài 3: Công an chê “cơm tù” cũng bị dọa đánhBài 4: “Luật ngầm” ở Bến xe Lam HồngBài 5: Hàng loạt vụ việc bị “chìm xuồng”
Ngay sau khi loạt bài “Bến xe Lam Hồng (Bình Dương) và hệ thống “cơm tù xuyên Việt” được đăng tải, đám đầu gấu ở Bến xe Lam Hồng đã co vòi, không còn dám ra mặt như trước.
Co vòi và tìm cách “chạy án”?
Các nhà xe cho biết tình hình đã dễ thở hơn vì nhóm bảo vệ do Thắng “thế” chỉ đạo đã không còn xuất hiện. Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, Thắng “thế” những ngày qua ẩn trong một khách sạn gần Bến xe Lam Hồng để vừa quan sát vừa tránh né dư luận, đồng thời phải lo cho một đàn em vừa ăn cắp xe máy, bị đánh gây thương tích hiện đang nằm tại Bệnh viện Thủ Đức.
Cũng theo một nguồn tin từ các nhà xe, từ chiều 11-7 đến chiều 12-7 Hải “bến” đã ra Hà Nội để tìm cách giải quyết vụ việc. Sau khi từ Hà Nội trở về, Hải tỏ ra rất lạc quan. Theo một phó giám đốc Bến xe Lam Hồng (đã nghỉ việc) thì trong vụ đánh nhà xe Nguyễn Quang Anh gây thương tật vĩnh viễn 11%, Hải “bến” cũng từng khấu trừ hàng trăm triệu đồng vào bản thu chi với các cổ đông với lý do... để “chạy án” và ra Hà Nội “ngoại giao” cho Bến xe Lam Hồng được tiếp tục hoạt động.
Ngay từ những ngày đầu khi loạt bài này được đăng tải trong khi các đàn em co vòi thì Hải “bến” vẫn tuyên bố không ai làm được gì mình bởi y đã sang lại bến xe “thay màu, đổi máu” và
Ai sẽ trả lại tiền cho chúng tôi? Một câu hỏi mà tất cả các nhà xe đặt ra với các phóng viên khi loạt bài này được khởi đăng là “Ai sẽ trả lại tiền cho chúng tôi?”. Họ cho biết tiền “lốt” cùng hàng loạt khoản cống nạp khác lên đến hàng tỷ đồng. Anh Hòa, một chủ xe chạy tuyến Nghĩa Đàn cho biết một chuyến như vậy trung bình nhà xe mua “lốt” đầu phải cống nạp khoảng 1,6 triệu đồng. Những khoản tiền mồ hôi, được thu bất chính không biên lai, không hóa đơn này đã chảy vào túi Hải “bến” và đám côn đồ đàn em. Nay sự việc bị phanh phui, các nhà xe băn khoăn muốn biết cơ quan nào sẽ giúp họ lấy lại số tiền mồ hôi đó. |
Chủ bến xe tính đường phủi trách nhiệm
Sáng qua (13-7) ông Lê Hồng Sơn, thành viên hội đồng quản trị của Công ty cổ phần Vận tải dịch vụ thương mại Lam Hồng đã triệu tập các nhà xe từng mua “lốt” của Hải “bến”. Ông Sơn yêu cầu các nhà xe này làm giấy cam kết rằng việc mua “lốt” là tự nguyện để góp phần “xây dựng” và chi phí chung cho Bến xe Lam Hồng. Đồng thời việc họ ghé quán “cơm tù” Khánh Hòa I và Khánh Hòa II là hoàn toàn tự nguyện, không có chuyện bị ép buộc, đe dọa.
Trước đó, chiều 11-7, bà Trần Thị Dung - Giám đốc Bến xe Lam Hồng cũng đã triệu các nhà xe để tuyên bố những việc làm của Hải “bến” và đám côn đồ không liên quan đến Bến xe Lam Hồng.
Điều này trái ngược với nội dung cuộc làm việc mới đây của bà với PV Báo Pháp Luật TP.HCM, bà Dung từng xác nhận bút tích tiền “lốt” của bến xe là do anh em Hải “bến” ghi. Bà Dung còn giải thích rằng: “Thì cũng phải thu chút ít để bến xe trang trải chi phí”. Tuy nhiên cũng tại buổi làm việc đó, khi chúng tôi đặt vấn đề việc quyết toán thuế sẽ được tiến hành thế nào với những khoản thu này thì bà Dung chỉ cười trừ.
Được biết, số tiền “lốt” này không hề nhỏ - hàng trăm triệu đồng. Không biết bà Dung và ban quản lý Bến xe Lam Hồng sẽ giải thích thế nào đây nếu Hải “bến” không liên quan nhưng lại đứng ra hạch toán một số tiền lớn như vậy?.
Được biết bà Dung là vợ của trưởng Công an phường Linh Trung - ông Lê Hồng Lương và ông Lê Hồng Sơn là em ruột của ông Lương.
Phóng to |
Côn đồ ngang nhiên vây khách tại bến xe |
Sau khi đăng loạt bài, chúng tôi cũng đã nhận được rất nhiều đơn tố cáo của các chủ xe tại Bến xe Lam Hồng. Các nhà xe đã cung cấp rất nhiều chứng cứ sai phạm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam: Thông báo tên các quán “cơm tù” đến các doanh nghiệp vận tải Để tái diễn nạn “cơm tù” trước hết phải là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Bởi đây là những nơi cấp phép hoạt động, đăng ký tạm trú nên phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động. Nếu đúng quán cơm đó có diễn ra tình trạng bắt chẹt hành khách ăn cơm thì phải có biện pháp xử lý nghiêm theo pháp luật, rút giấy phép kinh doanh. Riêng với nạn “cơm tù” mà Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, hiệp hội sẽ kiểm tra và thông báo tên, địa chỉ hoạt động của các quán “cơm tù” đến các doanh nghiệp vận tải thành viên để họ né tránh, không đưa khách vào đó. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để được nạn “cơm tù”, Bộ Giao thông Vận tải cần nhanh chóng công bố quy hoạch xây dựng hệ thống trạm nghỉ trên tuyến Bắc-Nam. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, cho phép tư nhân, các doanh nghiệp vận tải đầu tư xây dựng hệ thống trạm nghỉ, chứ nếu cứ trông đợi vào ngân sách nhà nước thì lâu quá. |
Nếu vi phạm nặng, đóng cửa Lam Hồng
Đó là quan điểm của lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam. Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết:
“Ngay sau khi nhận được những thông tin này, bản thân tôi hết sức căm phẫn trước hành vi coi thường pháp luật của các quán “cơm tù”. Với chức năng là đơn vị quản lý tuyến vận tải khách Bắc-Nam, tôi đã điện thoại trực tiếp cho phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bình Dương yêu cầu kiểm tra vi phạm của Bến xe Lam Hồng và có văn bản gửi về Cục Đường bộ Việt Nam.
Nếu đúng như báo phản ánh thì những vi phạm trên hết sức nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm, thậm chí có thể đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa Bến xe Lam Hồng. Ngoài ra, tôi cũng đã trực tiếp gọi điện thoại cho lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Bình Thuận, Quảng Bình yêu cầu phối hợp với lực lượng công an và chính quyền địa phương xử lý nghiêm vi phạm của các quán “cơm tù” Khánh Hòa II (Tuy Phong, Bình Thuận) và Khánh Hòa (Lệ Thủy, Quảng Bình)”.
* Thưa ông, vì sao Bến xe Lam Hồng chỉ có diện tích 2.000 m2 nhưng lại được các cơ quan chức năng cấp phép bến xe liên tỉnh và được Cục Đường bộ Việt Nam công bố mở tuyến cho xe chạy Bắc-Nam?
- Về diện tích của Bến xe Lam Hồng thì tôi chưa được biết nhưng chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại. Riêng về điều kiện cơ sở vật chất của Bến xe Lam Hồng thì đúng là hết sức tạm bợ. Tuy nhiên, theo quy định, dù là bến xe cấp năm hay cấp bốn cũng đều được chạy vận tải khách liên tỉnh.
* Như ông đã nói ở trên, vi phạm của Bến xe Lam Hồng là hết sức nghiêm trọng nhưng nếu Sở Giao thông Vận tải Bình Dương bao che, không xử lý nghiêm thì sao?
- Với chức năng là đơn vị quản lý tuyến, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ theo dõi sát sao vụ việc này. Sau khi Sở Giao thông Vận tải Bình Dương kiểm tra và đề ra các biện pháp xử lý, nếu mức xử lý đó chưa thỏa đáng, chưa nghiêm thì Cục sẽ thành lập đoàn kiểm tra và có hình thức xử lý nghiêm khắc, thậm chí là đóng cửa hoạt động của Bến xe Lam Hồng.
* Nếu Bến xe Lam Hồng bị đóng cửa thì hoạt động của các phương tiện có bị ảnh hưởng không?
- Khi đóng cửa Bến xe Lam Hồng, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Bình Dương để điều chuyển các xe đang hoạt động ở đây sang các bến khác nên các chủ xe có thể an tâm hoạt động.
* Xin cảm ơn ông!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận