09/01/2004 06:39 GMT+7

"Hãy vì thương hiệu phim VN trên sóng!"

NGUYỄN CHƯƠNG 
NGUYỄN CHƯƠNG 

TT - "Hãy vì thương hiệu phim VN trên sóng!", đó là phát biểu của ông Trần Đăng Tuấn, phó tổng giám đốc Đài truyền hình VN. Trong năm 2004, theo kế hoạch, vào 21g mỗi ngày trên kênh VTV1 dành chiếu phim VN, chỉ riêng vệt phim này (chứ chưa kể đến kênh VTV3...) đã "ngốn" đến 260 tập phim!

VqAIZk8n.jpgPhóng to
Phim Vị tướng tình báo và hai bà vợ - Ảnh: TFS

Theo lời ông Tuấn, các đài truyền hình nhà nước nên mở rộng phương thức xã hội hóa trong hợp tác sản xuất và phổ biến phim.

Thấy gì từ những bộ phim (nhiều tập) dự thi Liên hoan truyền hình toàn quốc (từ 4 đến 9-1-2004 tại Hà Nội)? Bộ phim Cô gái đến từ Bangkok của đạo diễn Mai Hồng Phong (10 tập, Trung tâm sản xuất phim truyền hình của VTV - gọi tắt là VFC) dẫu sao cũng có thể xem là bước tiến trong thể tài phim hành động so với phim Cảnh sát hình sự cũng của VFC trước đấy.

Bộ phim năm tập Màu hoa nhớ (Hãng Phim truyền hình Cần Thơ thuộc Đài phát thanh - truyền hình Cần Thơ sản xuất, đạo diễn Trần Văn Hưng) đem lại sự dung dị bất ngờ, trong cấu tứ đan xen giữa quá khứ của tình yêu, của hồi ức sâu sắc về nhân cách dũng cảm với hiện tại của lòng người trong khi lao vào những dự án mưu cầu danh lợi.

Bộ phim 10 tập Vị tướng tình báo và hai bà vợ là một dẫn chứng thực tế về xu hướng hợp tác - ở đây là Hãng Phim truyền hình TP.HCM (TFS) với Hãng Phim truyện VN, một cố gắng đi vào cuộc sống tâm lý đời thường đằng sau một câu chuyện tình báo...

Tuy nhiên, khi nhìn toàn cảnh, NSND - đạo diễn Trần Phương, thành viên ban giám khảo phim truyện, nhận xét: "Làm phim nhiều tập là một xu hướng tất yếu, thú vị, tuy nhiên nắm cho được cách làm phim không phải dễ. Tôi thấy không ít phim có thể cắt phứt đi phân nửa số tập, 10 thành 5, 4 thành 2 tập... vẫn không sao cả. Vì những phim đó người ta cố tình kéo dài bằng những trò "kỹ thuật" như lặp đi lặp lại đoạn hình ảnh nào đó đến nhàm, nói năng lê thê chứ nào phải do tự thân phát triển của câu chuyện phim".

iYH9pfTx.jpgPhóng to

Phim Những người lính biển

"Không thể sản xuất phim truyền hình nhiều tập bằng cách ngồi đợi một tác giả viết kịch bản từ tháng này sang năm khác, không thể thi nhau thực hiện một ngày quay (hơn trăm cảnh) với cách quay một máy cho toàn bộ phim. Và nếu không có một phim trường, chúng tôi có thể đoan chắc một điều là không bao giờ có được một bộ phim thật sự chất lượng như mong ước" - ông Nguyễn Việt Hùng, giám đốc Hãng phim TFS, cho biết.

Nói cách khác, cần có một công nghệ quay nhiều máy, thu tiếng trực tiếp và có được nguồn kịch bản dồi dào, nguồn diễn viên được đào tạo theo cách làm việc mới này. Chưa nói đâu xa ở các nước công nghệ cao, chỉ nói tại Thái Lan thì... ba ngày sản xuất xong một tập phim.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 12-1-2004 bên TFS sẽ lên đường qua Seoul để bàn thảo những bước chuẩn bị bấm máy bộ phim VN Lẵng hoa tình yêu (theo công nghệ mới dẫn trên). Ông Việt Hùng cũng gây sự chú ý khi phát biểu tại diễn đàn về phim truyện lần này: "Nếu gọi phim truyền hình VN là hàng hóa vật chất trên thị trường, có lẽ đây là loại sản phẩm có đầu ra tương đối dễ bởi chúng ta vẫn còn nhiều giờ phát sóng nhàn rỗi. Nhưng nếu coi phim truyền hình là một sản phẩm văn hóa thật sự thì chúng ta đang ở mức báo động đỏ bởi những văn hóa Hàn Quốc, Trung Quốc, phương Tây đang dần chiếm lĩnh trong lòng khán giả VN".

NGUYỄN CHƯƠNG 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên