31/07/2011 07:49 GMT+7

Hãy khóc đi em: Chuyện mới của những người cũ

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Xem bản dựng mới của vở kịch Hãy khóc đi em (vừa ra mắt khán giả tối 29-7 tại sân khấu Hoàng Thái Thanh, TP.HCM), có cảm giác như gặp lại những người quen đầy tâm trạng của nhiều năm trước.

Nhưng sau những trầm lặng và đổi dời của thời gian, họ dường như đã lắng lại để bi kịch được đẩy đi dài hơn.

aptbAoWR.jpgPhóng toNghệ sĩ Thanh Thủy và Thành Hội trong vở Hãy khóc đi em (tác giả kịch bản Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn Ái Như) - Ảnh: Nguyễn Á

1. Đó là Hạnh của Thanh Thủy. Cuộc gặp lại này không mang nhiều bất ngờ. Vẫn là một Hạnh suốt đời tôn thờ chồng như một vị thánh, hằng ngày cun cút đi mua bún bò mang về tận phòng cho chồng, không dám để ai ngồi vào chiếc ghế của chồng. Vẫn là Hạnh, giữa đêm hợp cẩn của chồng với người đàn bà khác do chính mình chọn lựa, đã nuốt trọn những cay đắng trong đôi mắt tuyệt vọng. Và cũng là Hạnh, khi ở tận cùng của bi kịch lừa dối và phản bội, đã gần như hóa điên trong căn nhà lạnh lẽo bên hình nộm kỳ dị đủ khiến người xem bần thần.

Nhưng Hạnh của lần này có chút gì đó lặng lẽ hơn, khắc khoải hơn và loay hoay hơn giữa những bi kịch của đời mình. Thanh Thủy tâm sự lúc đầu chị cũng nghĩ đơn giản là diễn lại một vai cũ, nhưng đến khi vào tập mới thật sự ngỡ ngàng. Với những bạn diễn mới và đường dây kịch mới, diễn Hạnh bây giờ khó hơn bảy năm trước rất nhiều, chị phải cẩn trọng từng chút để Hạnh vẫn có đủ sự đáng thương và đáng yêu vốn có. Hạnh bây giờ không khóc nhiều mà thu nhặt những đau xót ấy ngược vào bên trong, để rồi chỉ bật ra ở phía cuối cuộc tình của mình, phía cuối con đường mê muội và đau khổ.

2. Rồi gặp lại Phương, lần này là qua nhân dáng của chàng diễn viên trẻ Quang Thảo. Phương của Quang Thảo ngay từ khi chưa lên sàn tập đã gây ra những áp lực cho đạo diễn, diễn viên và những lo lắng cho những ai từng biết đến và yêu mến vở kịch này. Bởi Phương từng là của NSƯT Thành Lộc. Phương giấu trong vẻ ngoài thư sinh, hiền từ và mẫn cán của mình là những thủ đoạn, toan tính, tham vọng và tàn nhẫn. Tất cả những tính từ này từng được NSƯT Thành Lộc lột tả gần như đến tận cùng ý nghĩa của chúng, khiến người xem không khỏi lạnh người. Còn trong bản dựng mới, Phương của Quang Thảo sẽ “ngây thơ” hơn và cái ác trong anh phần nào cũng là do sự đưa đẩy của những dục vọng thường tình.

Phương lần này không có được cái nhìn sắc lẻm trên một gương mặt nho nhã như bảy năm trước (vì khó có ai diễn được như Thành Lộc), nhưng cái ác được bắt nguồn từ những “tội lỗi hồn nhiên” cũng đã được Quang Thảo tải đi khá tròn trịa. Với một diễn viên trẻ chưa từng qua trường lớp đào tạo thì những vai diễn như thế này có thể là cơ hội quý báu, nhưng cũng có thể là thử thách vô vàn. Với Thảo, anh chọn đó là cơ hội hạnh phúc bởi lẽ ra nó đã thuộc về một diễn viên đàn anh khác trong bảng phân vai đầu tiên.

Những vui mừng, áp lực, lo lắng, so sánh suốt khoảng thời gian tập luyện có lúc đã khiến Thảo chán nản và hoang mang, nhưng cũng chính là động lực thôi thúc anh phải luôn cố gắng. Suất diễn đầu tiên khép lại, Thảo nhận được nhiều lời khen. Rồi có thể mười mươi suất nữa, Thảo sẽ tìm cách để nhấn nhá trong từng lời thoại, từng hành động kịch để ra một Phương mới đúng như kỳ vọng của êkip thực hiện.

3. Và gặp lại Ái Như, vẫn trong vai trò đạo diễn của vở kịch. Bảy năm trước, năm 2004, khi Hãy khóc đi em lần đầu công diễn tại Idecaf đã gây ra những đợt sốt vé hiếm có cho một vở bi kịch, người ta đã nói về nó như một vở diễn hay về kịch bản, xuất sắc trong bàn tay đạo diễn và hoàn hảo với diễn xuất của dàn diễn viên trong mơ. Nhưng thời gian và những thăng trầm đã đẩy nhiều người, nhiều chuyện về những phía khác, để thành ra một Hãy khóc đi em như bây giờ.

Bản dựng mới ngoài NSƯT Thành Hội và Thanh Thủy thì toàn là người mới, trong đó Hồng Ánh rõ ràng là một Thắm “biết đẻ” khó lường và thú vị. Bản dựng mới cũng mới hẳn về đường dây, kết cấu kịch, phục trang, thiết kế sân khấu... Nhưng trên hết, bản dựng mới là những trăn trở mới, suy tư mới và mạo hiểm mới của Ái Như.

Trăn trở vì kịch bản hay ngày càng hiếm nên phải làm lại vở cũ, suy tư để làm sao vượt qua chính mình trong những áp lực và chờ đợi, và mạo hiểm làm mới những cảm nhận đã ăn sâu vào tâm trí của khán giả. Sau tất cả những điều đó, chị đã bật khóc khi cánh màn nhung chưa kịp khép lại trong đêm tái diễn đầu tiên, giữa những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả. Bởi chị bảo làm vở này cực quá, áp lực quá.

Và dù có làm mới cỡ nào thì Hãy khóc đi em vẫn luôn là tiếng khóc bật ra sau những ẩn ức của đời người, làm mờ dần những vết đen xấu xí của cái ác, thức tỉnh lòng nhân hậu và hướng đến một sự tái sinh. Vì thế nên Ái Như mới nói với mọi người trong êkip của mình: Hãy khóc đi em, lần nữa!

LTm7pJpp.jpgPhóng to
Hồng Ánh và Quang Thảo - Ảnh: Nguyễn Á

Cùng dựa trên truyện ngắn của nhà văn Trần Thùy Mai, ở bộ phim Trăng nơi đáy giếng, Hồng Ánh đã được đạo diễn Vinh Sơn đưa ra Huế, như một lựa chọn không thể khác cho vai Hạnh, bất chấp cả giọng nói miền Nam rặt của cô. Với vai diễn này, khi nhận được liên tiếp nhiều thành công khác nhau, cô đã xúc động phát biểu: “Cảm ơn đạo diễn Vinh Sơn làm mới một Hồng Ánh đã cũ”.

Còn trên sân khấu kịch lần này, Hồng Ánh lại được Ái Như giao vai Thắm - nửa đầu thấp thoáng hình ảnh của Út Lý với phong cách diễn chân phương, tưng tửng trong Nửa đời ngơ ngác, nửa sau là sự lột xác cho thấy khả năng hóa thân của cô vào hình ảnh mới - “gái quê độc” - mà người xem chưa từng được chứng kiến từ trước đến nay.

Cả hai điều này, suy cho cùng đều xuất phát từ góc nhìn của những đạo diễn có tài - những con người luôn mang ý hướng làm mới (thậm chí, với những điều đã bị coi là cũ).

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên