11/03/2022 09:59 GMT+7

Hãy dừng ngay việc tác động 'thô bạo' vào di tích

DUY THANH - LÂM THIÊN
DUY THANH - LÂM THIÊN

TTO - Việc tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít (Bình Định) những ngày qua gây bức xúc lớn trong dư luận khi bên thực hiện đã đưa cả xe cơ giới vào vùng bảo vệ nghiêm ngặt của di tích để thi công và còn có nhiều tác động tiêu cực khác tới công trình.

Hãy dừng ngay việc tác động thô bạo vào di tích - Ảnh 1.

Bên dưới chân tháp, các công nhân đã xây bồn và trồng hoa. Theo ông Đinh Bá Hòa - nguyên giám đốc Bảo tàng Bình Định, không nên trồng bất cứ gì dưới chân tháp Chăm - Ảnh: LÂM THIÊN

Đưa xe cơ giới vào vùng bảo vệ nghiêm ngặt của di tích để thi công, dùng gạch không nung rồi quét màu để xây bồn hoa xung quanh di tích, nhiều khu vực bị đào bới san gạt, không có chuyên gia văn hóa giám sát… là những vấn đề làm "sôi" dư luận tại công trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo tháp Bánh Ít - tháp Chăm 1.000 năm tuổi ở tỉnh Bình Định.

Trước những bức xúc trên của dư luận, giới chuyên gia và lãnh đạo tỉnh Bình Định nói gì về các giải pháp ngay lập tức để việc thi công không xâm hại, gây hậu quả nghiêm trọng đối với di tích đặc biệt này?

Đưa máy múc vào khu vực "bất khả xâm phạm"

Theo thông tin được công bố, đầu tháng 9-2021 UBND tỉnh Bình Định phê duyệt chủ trương đầu tư công trình "xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít" - cụm tháp Chăm được xây dựng cuối thế kỷ 11, đầu thế kỷ 12 tại xã Phước Hiệp (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).

Đây là cụm tháp được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1982 và là công trình kiến trúc cổ của Việt Nam lọt vào cuốn sách 1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời của nhóm tác giả người Anh.

Dự án đang được thực hiện, dư luận bày tỏ bức xúc khi phát hiện các nhà thầu đưa xe máy múc vào di tích này để thi công. Thanh tra Sở Xây dựng Bình Định ngày 4-3 cũng đã kiểm tra hiện trường, yêu cầu dừng ngay việc dùng cơ giới san gạt trước tháp chính của di tích.

Một cán bộ Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Bình Định cho hay: "Đơn vị thi công tự cho máy múc vào làm chỉ 1 ngày. Ngay sau khi phát hiện, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị cho máy múc dừng lại".

Theo quan sát của chúng tôi, chiếc xe đã múc đất đổ xuống rồi lu lèn taluy, san gạt bề mặt của phần sân di tích. Đến ngày 10-3, khu vực bờ taluy gần tháp cổng - nơi chiếc máy múc xúc đất đổ xuống và lu nén - đã được trồng cỏ phủ lên trên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-3, TS Đinh Bá Hòa - nguyên giám đốc Bảo tàng Bình Định - nói: "Việc đưa máy múc vào bên trong di tích và đào múc đất cạnh các tháp là sai, đối xử "thô bạo" với di tích. Theo quy định của Luật di sản, đó là khu vực bất khả xâm phạm, còn nếu được cho phép làm thì chỉ làm thủ công mà thôi" - ông Hòa thẳng thắn.

"Du khách tới đây là ngắm tháp cổ, ngắm không gian tự nhiên từ xa xưa ông bà để lại chứ không phải để ngắm hoa hòe trồng dưới chân tháp hay thay đổi cảnh quan trồng cỏ này kia. Trồng cây, trồng hoa ngay dưới chân tháp như hiện nay là sai" - ông Hòa nói thêm.

Dừng ngay để kiểm tra, xử lý

Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, TS Lê Đình Phụng - nguyên trưởng Phòng nghiên cứu khảo cổ học lịch sử thuộc Viện Khảo cổ học, một người có nhiều năm "lăn lộn" với khảo cổ học Chămpa tại các tỉnh miền Trung - cho rằng quá trình làm dự án nên có sự tham gia của các cơ quan như Bảo tàng tỉnh, Ban quản lý di tích tỉnh.

Trả lời Tuổi Trẻ chiều 10-3, ông Hồ Quốc Dũng - bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định - nói rằng chủ trương đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít của tỉnh để phát huy và nâng cao giá trị, vừa phục vụ công tác bảo tồn vừa phục vụ du lịch.

"Tôi đã yêu cầu UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo khẩn trương tổ chức kiểm tra, đối chiếu các nội dung đã thỏa thuận với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Nếu phát hiện thi công sai, có việc thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư là phải xử lý nghiêm khắc. Tôi cũng có trao đổi với lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao Bình Định là phải kiểm tra và sớm thông tin đúng sai rõ ràng, minh bạch cho dư luận và báo chí" - ông Dũng nói.

Chiều cùng ngày, ông Lâm Hải Giang - phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho hay đã chỉ đạo tạm dừng thi công các hạng mục còn có nhiều ý kiến khác nhau, hai đoàn công tác của Sở Xây dựng và Sở Văn hóa - thể thao trong ngày 10-3 cũng đến hiện trường kiểm tra, đối chiếu với các nội dung thỏa thuận với bộ để báo cáo chi tiết, đầy đủ cho UBND tỉnh.

Ông Giang cho hay trước mắt tỉnh thấy rằng việc đưa máy múc vào di tích là không đúng, việc xây dựng bồn hoa xung quanh chân tháp dù có trong thỏa thuận với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch nhưng tiếp thu ý kiến đúng của dư luận, tỉnh sẽ chỉ đạo gỡ bỏ…

"Nguyên tắc chỉ đạo của tỉnh là phải thi công đúng thiết kế được phê duyệt. Đồng thời chúng tôi cũng cầu thị, lắng nghe những ý kiến đóng góp đúng, có tính xây dựng để điều chỉnh, xử lý kịp thời những tồn tại, khiếm khuyết nếu có" - ông Giang nói.

Dự án được thỏa thuận những nội dung gì?

15b

Máy múc xúc đất đổ xuống bờ taluy gần tháp cổng (nằm trong hệ thống tháp Bánh Ít) - Ảnh: PHAN HIẾU

Đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) cho biết vào tháng 10-2021, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có ý kiến thẩm định dự án tu bổ tháp Bánh Ít, trong đó có các nội dung như:

- Xây dựng hạ tầng cảnh quan, sân vườn, bãi đậu xe;

- Trồng hoa giấy dọc hai bên các tuyến đường và bậc cấp chính;

- Tháo dỡ tấm đan bêtông cốt thép tại tháp chính, tháp hỏa để tôn tạo sân và cảnh quan;

- Lát đá ong kết hợp trồng cỏ tại khu vực tháp chính, tháp nam, tháp cổng và tuyến đường nội bộ....

Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch lưu ý với cây xanh hiện có thì chỉ cắt tỉa cành khô, không phát quang hạ thấp tán cây. Bộ đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ, công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo theo quy định hiện hành.

Vừa qua, trước thông tin phản ánh trên báo chí dự án tu bổ này có sử dụng xe cơ giới để san gạt mặt bằng, một số vị trí thi công chưa đảm bảo nội dung đã được Bộ Văn hóa - thể thao du lịch, Cục Di sản văn hóa thẩm định và thỏa thuận.

Ngày 8-3 Cục Di sản văn hóa đã có văn bản đề nghị Sở Văn hóa - thể thao Bình Định kiểm tra thực tế và chỉ đạo cơ quan liên quan khẩn trương có giải pháp bảo vệ di tích, rà soát các biện pháp thi công đảm bảo không ảnh hưởng đến di tích gốc và cảnh quan, môi trường - sinh thái của di tích, đồng thời gửi báo cáo về bộ trước ngày 11-3.

THIÊN ĐIỂU

Để xe múc vào thi công trong vùng 1 tháp Bánh Ít nghìn tuổi: Trách nhiệm của chủ đầu tư Để xe múc vào thi công trong vùng 1 tháp Bánh Ít nghìn tuổi: Trách nhiệm của chủ đầu tư

TTO - Sáng 9-3, phóng viên đã có mặt tại di tích tháp Bánh Ít, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Định) - nơi vừa bị cơ quan chức năng yêu cầu dời máy móc, phương tiện cơ giới trong quá trình xây dựng, tu bổ, tôn tạo - ra khỏi di tích này.

DUY THANH - LÂM THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên