19/10/2020 09:35 GMT+7

Hãy để con bùng nổ

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Con trai của ông Đạo là Lương Minh Hùng đã "bẻ kèo" với cha mẹ để theo sở thích, và vừa trúng tuyển vào Học viện Âm nhạc Berklee (Mỹ), một trong những trường nhạc danh tiếng trên thế giới.

Hãy để con bùng nổ - Ảnh 1.

Lương Minh Hùng đang tập nhạc theo sở thích, đam mê của chính mình - Ảnh: NVCC

"Sau nhiều năm tranh cãi nảy lửa, thậm chí sốc nặng khi con đi theo con đường âm nhạc, không học kiến trúc như gia đình định hướng, tôi nhận ra mình thua. Thay vì cấm cản, hãy ủng hộ sự lựa chọn của con để tất cả cùng thắng" - ông Lương Văn Minh Đạo (TP Quảng Ngãi) nói.

"Sao ba không mừng?"

Ông Đạo kể lại những tháng ngày vất vả với đứa con cá tính, chỉ thích hát ca, không thích học những môn ở trường: "Con học không bao giờ viết bài, thầy cô mắng vốn như cơm bữa. Nhiều lần thầy cô chủ nhiệm thời tiểu học mời ba mẹ đến nhà làm việc vì con không chịu ghi chép, chỉ ngồi trong lớp nhìn ra ngoài và lẩm nhẩm hát... Tôi chưa khi nào được yên vì con".

Thời gian đầu, gia đình ông hướng con đi theo kiến trúc vì nghề này ổn định, thu nhập cao. "Nói đúng hơn là tôi ép con theo nghề kiến trúc. Con miễn cưỡng chiều theo ý mình nhưng khi cho học, đầu tư các môn toán nâng cao, rồi các môn tự nhiên để thi đại học, hóa ra hỏng hết. Con "nhét" không vào. Kết quả đi ngược lại, điểm thì thấp, con giấu hết vở sách để "phi tang", thầy cô càng phàn nàn nhiều hơn. Tôi lại thuê gia sư về nhà kèm, con rất lịch sự với thầy nhưng học hành chán nản. Lúc con hát hò là lúc thấy con vui vẻ nhất trong ngày" - ông Đạo nói thêm.

Ông bèn thay đổi "kế", đưa con sang nước ngoài học tiếp THCS khi dang dở lớp 8. Tưởng chừng mọi thứ có thể đổi thay, nhưng sắp đến ngày thi tốt nghiệp THPT, cả nhà ông suy sụp chỉ vì một cuộc điện thoại với vỏn vẹn vài từ. 

"Con gọi thông báo là sẽ thi âm nhạc! Vợ tôi sốc đến mức mất ăn mất ngủ, suy sụp tinh thần, còn tôi phải lời qua tiếng lại tranh cãi với con suốt vài tuần liền" - ông Đạo nhớ lại.

Mới đây, con trai điện thoại thông báo đã trúng tuyển vào Học viện Âm nhạc Berklee, ông Đạo vẫn dửng dưng vì không biết con thi bao giờ và càng không biết Học viện Berklee là thế nào. "Sao ba không mừng? Con hỏi mà tôi thật sự không biết nên mừng như thế nào. Sau khi nghe con giải thích rõ, cộng với tìm hiểu học viện này qua bạn bè, trên mạng, tôi mới thấy bất ngờ, vỡ òa và nghĩ lại tất cả. Con mình say mê âm nhạc, được theo sở thích thì con như cá gặp nước. Thế mà suốt cả quãng đường dài, tôi lại cản đường con!".

Hãy để con bùng nổ - Ảnh 2.

Ông Lương Văn Minh Đạo và con trai Lương Minh Hùng - Ảnh: NVCC

"Hạnh phúc khi là chính mình"

Nhớ lại quãng thời gian học cấp I, cấp II, Lương Minh Hùng cho biết mình là đứa không thích học các môn tự nhiên, chỉ thích âm nhạc và các môn xã hội. "Em "dị ứng", thậm chí ám ảnh với Toán, Lý, Hóa. Ba mẹ em cũng như bạn bè trang lứa luôn đánh giá cao các môn này và cho rằng phải học được các môn tự nhiên mới có giá trị. Lúc đó em cũng buồn, nhưng không "phản kháng", im lặng làm theo cách ba mẹ hướng mà trong lòng không thôi nuôi sở thích ca hát" - Hùng bộc bạch.

Chính vì phải học cho sở thích của ba mẹ nên mỗi khi họp phụ huynh, Hùng cảm nhận được mình mang lại những "tội lỗi". Nhưng ngược lại, được sống theo đúng năng lực mình có, Hùng như được vùng vẫy, tự khẳng định mình. 

Hùng kể lại: "Năm lớp 7 có cuộc thi hát Tiếng hát sơn ca, dù em bị đau họng nhưng vẫn đăng ký tập luyện và thi. Cảm giác được đứng trên sân khấu, được cầm micro, em hạnh phúc vô cùng. Đó là lần duy nhất em được thể hiện, được "bơi" trong sở thích".

Khi học cấp III ở Úc, năm lớp 12, trong một lần nói chuyện với một người anh, Hùng nhận được những lời khuyên khiến em có động lực để quả quyết rẽ ngang con đường mà gia đình đã vẽ sẵn. "Người anh này khuyên em nên làm gì mình thích để sau này không phải hối hận. Em chợt tỉnh ra. Đó là động lực để em mạnh dạn lấy hết can đảm gọi về nhà" - Hùng nói.

Quyết định thi vào Học viện Âm nhạc Berklee, Hùng phải thử giọng, thi thẩm âm, xướng âm, biểu diễn một tác phẩm tự mình sáng tác... "Em đã trải qua tất cả các yêu cầu, qua kỳ thi online do ảnh hưởng COVID-19 một cách khắt khe và khó khăn. Sau 3 tuần, em đã có kết quả để trả lời cho ba mẹ. Em chỉ hạnh phúc khi là chính mình" - Hùng nói trong niềm vui.

Hiểu con, hiểu mình

Chuyên gia tâm lý Đào Lê Hòa An nhận định: "Cha mẹ nào cũng muốn con có công danh, sự nghiệp, cuộc sống hạnh phúc. Nhưng họ không thể là chính đứa con của mình, con cũng không thể là hình mẫu của cha mẹ, từ đó có quan điểm sống không phù hợp. Cha mẹ yêu cầu con thực hiện những ước mơ, những công việc trước đó mình không thể làm được, hoặc để tiếp nối truyền thống gia đình.

Trường hợp em Hùng, trúng tuyển là điều tốt nhưng chưa thể nói em thành công với âm nhạc vì chỉ mới bước đầu. Để cha mẹ - con cái có tiếng nói chung, phải cân nhắc 2 điều: hiểu chính bản thân đứa trẻ, trẻ cũng hiểu chính mình, nghĩa là năng lực con phải trùng khớp với đặc điểm công việc con chọn; và làm rõ ngành nghề lựa chọn.

Ở đây, không phải ba mẹ thắng hay con thắng, không phải ép hay cãi, mà là cùng hướng đến những chọn lựa cho tương lai, phù hợp tố chất, đam mê ở con".

Dạy con học chữ lẫn cách làm người Dạy con học chữ lẫn cách làm người

TTO - Đó là vấn đề được các bậc phụ huynh nuôi dạy con nên người ở TP Cần Thơ đặt ra tham luận trong Hội nghị Tổng kết 5 năm Biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu giai đoạn 2016-2020 ở TP Cần Thơ vào sáng 2-10.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên