Học sinh tham dự ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP.HCM đặt câu hỏi cho ban tư vấn về cách chọn ngành nghề tương lai - Ảnh: Như Hùng |
Đến khi tôi chọn trường đại học và ngành báo chí, mẹ tôi vẫn nhắc hãy chọn ngành học con thích vì nó sẽ giúp con có khoảng thời gian đẹp, thoải mái khi học đại học.
Ngay từ khi còn học trung học tôi đã thích ngành báo chí truyền thông và nghệ thuật, nên đến khi chọn ngành học tôi chỉ cần xem xét lại thật kỹ ý thích của mình và đi học.
Xác định thế mạnh để hướng vào
Bố mẹ tôi vẫn luôn ủng hộ và tự hào về sự lựa chọn của tôi. Từ nhỏ đến lớn tôi vẫn hoàn tất rất tốt những gì tôi thích và khoảng thời gian thực hiện đó thật sự là niềm hạnh phúc của tôi.
Tôi tốt nghiệp đại học với chuyên ngành báo chí, đi viết báo rồi học thêm ngành quan hệ công chúng, và giờ với những gì trải nghiệm được tôi đang là giảng viên cho một trường đại học quốc tế tại TP.HCM.
Cô Jade Bilowol - Ảnh: Lê Nam |
Nên tìm việc làm bán thời gian Theo tôi, ngoài việc học ngành học yêu thích, trong thời gian học đại học nhất thiết các bạn sinh viên phải tìm việc làm bán thời gian trong lĩnh vực mà mình đang theo đuổi để làm giàu hồ sơ xin việc nhằm dễ dàng đánh bại các ứng cử viên khác trong quá trình xin việc. Tôi cũng vậy, lúc học đại học tôi phải làm bán thời gian cho một tờ báo. Điều này rất tốt vì ngoài việc có thêm kinh nghiệm trong hồ sơ xin việc, còn giúp tôi có cái nhìn đúng về ngành nghề mình đã mơ, mong muốn được làm để điều chỉnh những quan niệm hay cách tiếp cận vấn đề mà trước đây mình nghĩ chưa đúng. |
Tôi hiểu có rất nhiều bậc phụ huynh ở VN và nhiều nước khác muốn con mình học ngành học có thể mau chóng kiếm được việc làm sau khi ra trường hoặc những nghề thời thượng, đang có khả năng kiếm tiền tốt.
Điều đó chẳng có gì sai vì vào đại học là một quá trình đầu tư về tài chính và thời gian, nếu đầu tư sai nhiều khả năng “mất cả chì lẫn chài” hoặc khi tốt nghiệp phải chật vật tìm kiếm việc làm.
Sẽ khó cho các học sinh mới hết cấp III tự quyết định ngành học sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này vì các bạn không có đủ thông tin, kiến thức.
Không ít bạn sẽ chọn ngành mà bạn bè mình chọn hoặc nghe ngóng biết rằng nghề này đang thịnh hoặc cha mẹ muốn vậy.
Chính vì thế phụ huynh phải có nhiều thời gian theo dõi, quan sát con mình mới hiểu đâu là thế mạnh của con để hướng chúng vào, tận dụng được nhiều nhất ưu điểm của con cho việc học hành nhằm không quá vất vả và đột ngột khi chọn ngành học đại học.
Nỗi khổ học ngành này thích ngành khác
Có sinh viên từng xin tôi lời khuyên khi các bạn đang học một ngành mà phụ huynh đã hướng các bạn ấy phải chọn nhưng các bạn lại thích ngành học tôi đang dạy.
Các bạn ấy nói rằng không thoải mái theo đuổi chuyên ngành đang học vì đầu óc cứ nghĩ về một ngành học khác mà mình thích.
Thật khó cho tôi khi phải xóa bỏ những gì mà phụ huynh các bạn sinh viên ấy đã chia sẻ và yêu cầu con mình phải nghe theo vì ngành học mà họ chọn là ngành đang có trào lưu, nhiều người theo học.
Hơn nữa, càng khó hơn khi các bạn sinh viên đó lại muốn học một ngành học mới có ở VN trong khi với phụ huynh của họ cũng chưa có nhiều hiểu biết, thông tin về ngành học này ở VN.
Tôi không thể gặp phụ huynh của họ để nói rằng hãy để cho con mình làm điều chúng thích vì thật sự phụ huynh nào cũng muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con họ.
Nhưng nếu họ dành nhiều thời gian trò chuyện, lắng nghe và quan sát con mình, họ sẽ nhận ra điểm mạnh của con mình là gì và khuyến khích chúng làm những gì liên quan thì chắc họ không để chúng rơi vào tình huống này.
Không chỉ riêng VN, nhiều gia đình ở Mỹ cũng vay mượn những khoản tiền rất lớn để đầu tư cho con học đại học nhưng rồi tốt nghiệp xong chẳng thể nào kiếm được việc làm.
Các phụ huynh này cũng thật sự không muốn đẩy con mình vào hoàn cảnh phải chọn ngành học mà con không thích, làm hỏng ước mơ của con, nhưng khoản tiền đầu tư cho con học đại học là tất cả khả năng tài chính của gia đình nên họ cho rằng phải học những ngành “ngon cơm”, dễ kiếm nhiều tiền...
Tuy nhiên, việc học đại học rồi kiếm được việc làm có tiền hoàn toàn không tương ứng với nhau. Có một thực tế là thời điểm bạn chọn ngành học đó thì nó là ngành thời thượng, nhưng có thể bốn năm sau khi học xong thì ngành học khác lại lên ngôi.
Rồi ngành học mà bạn đã chọn dẫu là thời thượng nhưng không hợp với sở thích của bạn nên kết quả học tập rất kém thì vẫn khó kiếm được việc làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận