24/11/2012 08:13 GMT+7

Hãy chấm dứt khắc khổ!

VIỆT PHƯƠNG - T.N.
VIỆT PHƯƠNG - T.N.

TT - Cuộc chạy đua nhằm tìm kiếm một thỏa thuận về ngân sách châu Âu giai đoạn 2014-2020 đã mở đầu trong bất đồng đau đớn tại Brussels, Bỉ.

xkfRJe2q.jpgPhóng to
Những người biểu tình ở Pháp đeo mặt nạ tham gia tuần hành trong ngày châu Âu chống thắt lưng buộc bụng hôm 14-11 - Ảnh: Reuters

Ủy ban châu Âu (EC) muốn tăng ngân sách bảy năm từ 2014-2020 lên 1.047 tỉ euro (khoảng 1.347 tỉ USD), tăng 4,8% so với ngân sách 2007-2013. Khoản ngân sách 1.200 tỉ USD được đề xuất bao gồm gần 397 tỉ USD dành cho quỹ gắn kết - hay khoản chi nhằm giúp thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các nước EU, và hơn 346 tỉ USD trợ cấp cho nông dân.

Anh đưa ra “tối hậu thư”

Dẫn đầu các nước đòi cắt giảm ngân sách cho EU là Anh, một trong những nước đóng góp nhiều nhất. Theo Huffington Post, số tiền Anh đóng góp chỉ đứng sau Đức.

“Tôi không bằng lòng với tất cả những đề nghị của châu Âu. Tôi sẽ quyết liệt đàm phán để có được một thỏa thuận tốt sao cho những người đóng thuế ở Anh và châu Âu và tôi muốn giữ mức đóng góp cũ của Anh” - Thủ tướng Anh David Cameron nêu rõ.

Trước đó, ngày 22-11, ông đã tuyên bố: “Trong bối cảnh chúng ta đang phải đưa ra các quyết định khó khăn về chi tiêu trong nước, thật là sai lầm khi thuận theo đề xuất tăng chi tiêu cho EU”.

Quan điểm này của Anh được Chủ tịch Quốc hội châu Âu Martin Schulz mô tả là “một tối hậu thư”. Dù vậy, ông Cameron vẫn kiềm chế chưa đưa ra từ “phủ quyết”. Đan Mạch, Phần Lan, Áo, Hà Lan, Thụy Điển cũng đồng tình cần cắt giảm mạnh những chi tiêu được đề nghị.

Trước phản ứng của nhiều nước thành viên, Chủ tịch EU Herman Van Rompuy đề nghị cắt giảm 75 tỉ euro trong gói 1.033 tỉ euro như đề nghị ban đầu của EC. Thủ tướng Anh đề nghị cắt giảm mạnh đến 150 tỉ euro để kéo gói ngân sách chung xuống còn 886 tỉ euro.

Nhưng đề nghị này của Anh lại bị Pháp phản đối. Pháp và Đức có khả năng thỏa hiệp với mức cắt giảm là 100 tỉ euro.

Giới quan sát nhận định nếu ngân sách không được thông qua cũng đồng nghĩa với việc ngân sách cho năm 2013 sẽ bị dàn trải sang năm 2014, khiến một số dự án dài hạn gặp rủi ro.

Khắc khổ = chính sách của “những kẻ tâm thần”

Trong khi các nhà lãnh đạo tiếp tục tranh cãi về ngân sách châu Âu bảy năm tới thì báo chí châu Âu và người dân lại đang đưa ra một chương trình nghị sự khác cho các chính phủ và châu Âu: Hãy chấm dứt chính sách khắc khổ, như tựa chung cho chuyên đề của báo Courrier International của Pháp.

Dưới tựa đề “Những kẻ tâm thần của chính sách khắc khổ”, xã luận của báo Courrier International (Pháp), cho rằng chính sách khắc khổ, điều mà trước đây từng được ca ngợi như một đạo lý, nay đúng là đang biến thành một “sự khôn ngoan của những kẻ tâm thần”, đúng như từ ngữ mà nhà kinh tế học John Maynard Keynes đã sử dụng để tố cáo chính sách của nhà cầm quyền Anh vào năm 1931...

Nêu lên câu hỏi “liệu chính sách khắc khổ sẽ biến mất khỏi từ điển như một tư tưởng duy nhất?”, báo này viết: Cứ nhìn những phản ứng ngày càng tăng lên của người dân cũng như của các chuyên gia chống lại chính sách hiện hành ở châu Âu từ ba năm qua có thể thấy rằng những người chủ trương chính sách khắc khổ ở Berlin, Brussels cần phải khẩn cấp thay đổi.

Chẳng có gì ngạc nhiên khi những nhà kinh tế học đoạt giải Nobel như Paul Krugman hay Joseph Stiglitz đều lên tiếng tố cáo những tác hại trì trệ của chính sách thắt lưng buộc bụng đang trở nên phổ biến tại châu Âu. Họ là những người đầu tiên gióng lên hồi chuông báo động. Không thể không thấy nhà đầu tư tài chính George Soros có lý khi ông vạch trần “cuộc khủng hoảng nhân đạo” đang hoành hành ở Hi Lạp.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế Christine Lagarde, lãnh đạo Viện Tài chính quốc tế Charles Dallara, chủ tịch Tập đoàn Đầu tư của Trung Quốc Tần Lệ Quần cũng lần lượt lên tiếng kêu gọi giảm nhẹ những liệu pháp đang được áp đặt cho những con bệnh châu Âu.

Từ Bắc Kinh đến Washington, người ta cuối cùng đã nhận thức rõ rằng châu Âu thật sự không ổn và cần cấp bách thay đổi, nếu chưa thể đổi được phương thuốc điều trị thì ít nhất cũng phải giảm liều. Hi Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đang ngày càng lún sâu vào thất nghiệp và nghèo đói.

Vòng xoáy giảm phát đang lan rộng, còn tăng trưởng lần đầu tiên đã vắng mặt liên tiếp ba quý kể từ năm 2009 ở các nước khối đồng euro. Ngay như Đức cũng đang rơi vào cảnh u ám.

Chính sách khắc khổ không chỉ đang tạo nên thất nghiệp và làm suy giảm nền kinh tế mà còn đang khiến tình trạng nợ công thêm nghiêm trọng thay vì giải quyết được nó như các nhà lãnh đạo chờ đợi.

Alexis Tsipras, lãnh đạo nhóm Syriza (cánh tả) tại Quốc hội Hi Lạp, cho rằng “cần chấm dứt chính sách khắc khổ. Nó chỉ tạo ra suy thoái, tăng nợ và làm giảm nguồn thu.

Đã đến lúc không chỉ người nghèo và tầng lớp trung lưu phải đóng thuế mà cả những người giàu”. Francisco Louca, nhà kinh tế học Bồ Đào Nha, cho rằng cần phải tạo nên một loại thuế đánh vào những khoản tiền đưa ra nước ngoài (18 tỉ euro năm 2011, 20 tỉ euro năm 2012) và cần thúc đẩy tăng nhu cầu nội địa và xóa bỏ nợ.

“Nếu không làm thế, chúng ta lại chỉ có thêm những kế hoạch giải cứu mang tính phá hoại hơn trước” - báo Publico dẫn lời ông Francisco Louca nhận định.

VIỆT PHƯƠNG - T.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên