05/04/2015 11:30 GMT+7

​Hay buồn dễ bị tào tháo rượt

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
BS LƯƠNG LỄ HOÀNG

TT -  Số nạn nhân của căn bệnh được đặt tên là viêm ruột kích ứng ở xứ mình chắc chắn cao hơn vì còn có thêm bàn tay đánh lén của thực phẩm có độ an toàn thấp nhất thế giới!

Ai chưa có dịp hiểu rõ về bệnh tâm thể, nghĩa là bệnh thể hiện với triệu chứng rõ ràng nhưng nguyên nhân khó tìm vì thường do ẩn ức tâm lý núp kín đâu đó, nên đọc qua bản tin mới đây trên tạp chí Natur & Medizin ở CHLB Đức.

Nụ cười sảng khoái của nhóm bạn nữ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM khi chơi trò chơi lớn tại công viên Lê Thị Riêng, Q.10, TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Theo tác giả, không dưới 3% dân số bên đó đang là nạn nhân của tình trạng cứ vài ngày táo bón, lại vài ngày tiêu chảy vì đường ruột vận hành khi thái quá lúc bất cập.

Buồn nhưng không chỗ giãi bày

Kẹt một nỗi, cũng theo tác giả bài báo, không hơn 1/5 nạn nhân hăng hái đến bệnh viện vì thuốc cầm tiêu chảy khi tào tháo đuổi, thuốc nhuận trường khi sáng sớm nhăn nhó một mình đằng nào cũng không cần toa.

Bệnh vì thế tuy không đến độ phải kêu xe cấp cứu nhưng cứ thế mà phát tán để sức đề kháng của nạn nhân càng lúc càng mỏng, để chất lượng cuộc sống càng lúc càng mau chân thành chuyện xa xỉ. Tình trạng này ở xứ mình chắc chắn phải nhân lên nhiều lần khi lặn lội đến thầy thuốc ở nhiều nơi chẳng khác nào bị tra tấn có lấy số thứ tự.

Vấn đề lại không chỉ có thế! Nếu tưởng bệnh đường ruột lúc nào cũng do hậu quả của bội nhiễm đâu đó trong khung ruột thì lầm! Chuyên gia khoa bệnh lý tâm thể ở Đại học Munich sau nhiều năm đúc kết dữ liệu thống kê với cả ngàn đối tượng đã quả quyết là không dưới 40% trường hợp viêm ruột kích ứng không có nguyên nhân thực thể nào hết mà do khổ chủ có điều gì buồn bực trong lòng nhưng không có chỗ để... than.

Qua đối chiếu kết quả siêu âm và nội soi đại tràng, các nhà nghiên cứu ở xứ nổi tiếng nhờ lễ hội bia tháng 10 đã phát hiện viêm ruột hình thành rất nhanh ở người gặp chuyện buồn bực trong nghề nghiệp, gia đình... nhưng không có cơ hội giãi bày phân bua.

Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng buồn mà không thể nói vì thiếu người nghe, bực mà nói không hết ý vì người nghe không hiểu là lý do gây rối loạn co thắt của khung ruột, đồng thời tạo điều kiện để phản ứng lên men trong khung ruột bội tăng cho dù gia chủ thậm chí biếng ăn.

Trả tiền để chửi cho hả buồn

Thành phố cảng Hamburg là nơi chắc chắn không thiếu tình trạng tức muốn chết nhưng đành ngậm miệng do truyền thống kỷ luật đến độ thậm chí cường điệu của người dân bên đó. Ở Hamburg, có anh chàng quản lý nghĩa địa xe phế thải làm giàu nhờ hiểu chỗ nhược của những nạn nhân không tìm ra lối thoát trong cảnh trên đe dưới búa.

Anh này kiếm tiền bằng cách bán vé tính giờ cho người vào bãi xe tha hồ đập phá, chửi rủa cho hả cơn buồn. Ấy vậy mà đắt khách. Có một điều chắc chắn dù chưa ai làm thống kê: không ít người tốn ít tiền đập xe cũ, chửi xe hư để sau đó đỡ tốn tiền cho thầy thuốc và nhà thuốc vì đầu trên khỏe thì đầu ra bỗng thông.

Thầy thuốc bên Mỹ, nơi cuộc sống ồn ào hơn, lại chọn phương pháp nhẹ nhàng hơn. Đó là cài trong phác đồ điều trị chương trình giải trí với phim hoạt hình vui nhộn, trong số đó đứng đầu là phim chú chuột rượt chú mèo Tom and Jerry. Tưởng chuyện tầm phào thì sai.

Kết quả nghiên cứu cho thấy số bệnh nhân đêm nào cũng cười vì mèo kia ngớ ngẩn làm sao, vì chuột nhắt nọ láu lỉnh thế nào, không chỉ giảm trầm uất thấy rõ mà chức năng bài tiết cũng được cải thiện đến độ thường khi không cần dùng thuốc.

Nếu tưởng đây là chuyện bây giờ mới nói lại sai. Chuyên gia về bệnh lý do stress ở Đại học Hannover đã phát hiện không chỉ nhu động mà ngay cả lực lượng vi sinh loại hữu ích trong khung ruột cũng được tăng cường sau mỗi đợt cười muốn bể bụng.

Đó là lý do thầy thuốc ngành yoga bên Ấn Độ chấm điểm rất cao cho phương pháp cười nhiều lần trong ngày để trị bệnh cho người quá buồn, buồn đền độ ngay cả chuyện đó, chuyện một trong tứ khoái của con người, cũng làm biếng.

“Thầy thuốc” Trịnh Công Sơn

Tất nhiên dễ hiểu. Làm gì có ai nhăn nhó vì táo bón, rầu rĩ vì tiêu chảy trong lúc đang... cười! Dưới lăng kính chi li của thầy thuốc, nhiều loại nội tiết tố ganh ghét khung ruột được phóng thích khi thân chủ buồn.

Một thí dụ cụ thể là lượng mật từ gan xuống ruột cũng chậm hơn ở người hay buồn, cứ như mật uể oải theo nhịp xuống ruột để làm chi khi đời chỉ toàn màu xám! Thêm vào đó, thành phần vi sinh hữu ích trong khung ruột tự động diệt vong khi gia chủ hát hoài bản Buồn ơi chào mi dù không ai yêu cầu.

Ngược lại, toàn bộ dịch tiêu hóa cứ như được tăng lương, nhu động của khung ruột cứ như dòng người vào siêu thị ngày đại hạ giá, ở người xem chuyện buồn trên đường đời là chuyện... nhỏ!

Cần gì phải đợi đến dẫn chứng của nhà khoa học mới hiểu. Không phải tiền nhân đã báo động là hễ không vui thì sớm muộn cũng “buồn thúi ruột” đó sao? Biết vậy nên liệu tìm cách xả xú páp cho sớm.

Đừng giữ nỗi buồn trong bụng quá lâu rồi có ngày thêm tức cành hông vì bị thầy thuốc đè ra lắt... túi! Không phải bên mình có ông thầy thuốc xuất sắc tên Trịnh Công Sơn đã dặn dò “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” đó sao? Chữa bệnh không cần dùng thuốc hóa chất, khỏi lo phản ứng phụ còn muốn gì hơn!

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên