05/03/2021 12:52 GMT+7

Hậu trường thi Olympic quốc tế - những chuyện chưa kể - Kỳ 4: Đi thi như đi... tắm biển

VĨNH HÀ - MAI THƯƠNG
VĨNH HÀ - MAI THƯƠNG

TTO - 'Học sinh nhiều nước tham dự kỳ thi Olympic quốc tế với tâm thế người đến chơi hơn là đi thi. Ở Colombia năm đó, họ làm tôi có cảm giác như họ đến biển nghỉ' - Võ Anh Đức, cựu học sinh Olympic toán quốc tế năm 2013, nhận xét.

Hậu trường thi Olympic quốc tế - những chuyện chưa kể - Kỳ 4: Đi thi như đi... tắm biển - Ảnh 1.

TS Lê Bá Khánh Trình (giữa) và các học sinh dự Olympic toán quốc tế do ông dẫn dắt - Ảnh: NVCC

Vừa thi vừa có thể... ăn vặt

Dĩ nhiên những buổi thi vẫn là hoạt động chính của các kỳ Olympic quốc tế, bên cạnh các hoạt động giao lưu. Nhưng cách thức tổ chức thi làm cho học sinh Việt nhận thấy ngay sự khác biệt với những kỳ thi cam go trong nước.

"Nếu so với quy chế thi ở Việt Nam thì quy định tại kỳ thi Olympic quốc tế lỏng lẻo hơn, nhưng thực chất rất minh bạch, khó gian lận và hầu như ai cũng hiểu nếu định làm thế thì chỉ có hại cho mình và đồng đội" - Võ Anh Đức nhớ lại.

Đức kể: "Phòng thi được bố trí trong nhà thi đấu rất rộng. Mỗi học sinh được bố trí một bàn khoảng cách xa nhau. Chúng tôi chỉ được mang vào bút chì, giấy nháp, tẩy. Trên bàn mỗi học sinh có một số thẻ các màu xanh, vàng, trắng. Nếu ai có nhu cầu gì thì giơ thẻ có màu được quy định lên để giám thị biết".

Trong khu vực thi có bố trí nơi để đồ ăn, uống, nếu ai có nhu cầu thì giơ thẻ sẽ được phục vụ. Thời gian làm bài thi là 4,5 tiếng nên sẽ rất căng thẳng nếu tập trung liên tục. Đội Việt Nam có lẽ quen áp lực nên tập trung "cày", còn học sinh nước khác hình như bị vướng, không làm được nên xin ăn vặt suốt thời gian thi. 

Thí sinh muốn đi vệ sinh sẽ có giám thị cùng đến cửa nhà vệ sinh. Năm 2020 do dịch COVID-19 nên các kỳ thi Olympic quốc tế đều trực tuyến. Lúc này "giám thị" chính là các camera được gắn ở nhiều góc có khả năng bao quát toàn bộ phòng thi và từng góc của mỗi thí sinh.

Đoàn Thị Minh Trang, cô gái "vàng" duy nhất của năm 2020 với tấm huy chương vàng Olympic hóa học quốc tế, kể: "Chỉ có 4 học sinh Việt trong một phòng, thời gian làm bài thi là 5 tiếng. Phòng thi gắn camera truyền trực tiếp cho ban tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ quan sát. Trong thời gian thi, ai cần ăn, uống, đi vệ sinh thì giơ biển.

Cảm nhận của tôi là sự nghiêm túc nhưng khá thoải mái vì được tôn trọng, quan tâm chu đáo. Mặc dù xung quanh là những chiếc camera, nhiều người đang quan sát nhưng chúng tôi tập trung vào bài thi nên 5 tiếng trôi qua rất nhanh".

Theo TS Lê Bá Khánh Trình, người là trưởng, phó đoàn học sinh Việt Nam dự Olympic toán quốc tế, học sinh Việt nhiều năm trước có chút khác biệt với học sinh nhiều quốc gia khác ở sự nghiêm túc và có tinh thần thi đấu tốt. 

Rất nhiều em tập trung 4-5 tiếng không để ý những gì diễn ra xung quanh, cũng không có thời gian thư giãn, ăn vặt như học sinh nước khác. Điều này có ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm. Bởi áp lực căng thẳng không phải tiêu chí của những kỳ thi thế này. 

Các năm gần đây, nhiều học sinh Việt có tâm lý thoải mái hơn, thoát ra khỏi áp lực thành tích để tự do sáng tạo. Đây cũng là điều ban tổ chức các kỳ Olympic quốc tế khuyến khích.

Hậu trường thi Olympic quốc tế - những chuyện chưa kể - Kỳ 4: Đi thi như đi... tắm biển - Ảnh 2.

Học sinh các nước trong buổi liên hoan, giao lưu tại kỳ thi Olympic quốc tế - Ảnh: NVCC

Thất bại, sốc rồi lại vui

PGS.TSKH Nguyễn Thế Khôi, người nhiều năm dẫn đoàn học sinh dự Olympic vật lý quốc tế, kể: "Hầu hết các thế hệ học sinh Việt đều rụt rè, giao tiếp kém hơn học sinh các nước khác. Chúng tôi thường phải căn dặn các em rất nhiều thứ khi đặt chân tới quốc gia tổ chức kỳ thi. 

Vì đây không chỉ là một cuộc thi thuần túy mà là cơ hội giao lưu, gặp gỡ, trải nghiệm mà các em là những người đại diện cho Việt Nam trong sân chơi trí tuệ. 

Để bạn bè các nước biết đến, không chỉ thể hiện ở kết quả thi, giải thưởng mà còn là bản sắc văn hóa đất nước mình mang đến trong các cuộc giao lưu".

Thầy Khôi kể trước mỗi lần đi ông phải nhắc học sinh chuẩn bị tiết mục văn nghệ, các món quà nhỏ mang bản sắc Việt Nam để tặng các bạn nước ngoài. Từ cách ứng xử, hòa nhập với bạn bè các nước đến nề nếp sinh hoạt, người thầy dẫn đoàn phải "bao sân" để học sinh mình thực sự có một cuộc trải nghiệm hơn là chỉ chăm chú thi.

Võ Anh Đức nhớ lại: "Năm chúng tôi thi được tổ chức ở thành phố biển của Colombia. Khi chúng tôi mới đặt chân đến thì thấy nhiều nhóm học sinh các nước kéo nhau đi tắm biển, chụp hình, đùa nghịch trong bể bơi. Nhiều nhóm học sinh khá vui, quậy trong buổi giao lưu. Họ không bị áp lực, lo lắng như đội tuyển Việt Nam và vài nước châu Á".

Trong khi đó, học sinh Việt thường lại có chút căng thẳng trước ngày thi. Nhiều cựu học sinh Olympic quốc tế kể "món ăn thần thánh" của các em khi đi thi là mì tôm. Vì với tâm lý hồi hộp, các em không dám ăn đồ lạ, sợ đau bụng sẽ ảnh hưởng đến thời gian thi.

Trong khi học sinh nhiều nước đón nhận kết quả thi khiêm tốn rất nhẹ nhàng thì nhiều học sinh Việt đã sốc khi không hoàn thành được bài thi và trải qua áp lực tâm lý rất nặng nề.

Trương Mạnh Tuấn (cựu học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, ĐHQGHN, huy chương đồng toán quốc tế 2018) cũng từng trải cảm giác tồi tệ khi không thể hoàn thành bài thi như mong muốn.

Tuấn tâm sự: "Ngày thứ 2 tôi biết mình làm không tốt lắm vì hơi áp lực trong phòng thi. Tôi đã bỏ qua một bài khó nhưng sau khi thi xong, bình tĩnh lại thì tôi chỉ mất 5 phút để nghĩ ra kết quả. Đoàn được biết điểm thi trước khi có kết quả giải. Tôi đã rất sốc khi nhận điểm của mình. Điều căn bản là tôi đã chưa hết mình nên nuối tiếc.

Khi lên mạng, đọc những bình luận về kết quả của đội tuyển, tôi cảm thấy vỡ vụn vì những bình luận tiêu cực. Nhiều người đặt kỳ vọng vào đội nhưng kết quả không như mong đợi nên thất vọng. Có người còn gọi những thất bại của thành viên đội tuyển là "nỗi nhục của quốc gia". Tôi đã trùm chăn khóc trong phòng".

Trong tâm trạng bi đát ấy, Tuấn được động viên bước ra khỏi phòng đến buổi giao lưu với học sinh hơn 200 quốc gia khác. Cậu ngạc nhiên khi nhận thấy nỗi buồn của mình trở nên lạc lõng trong một không khí vui vẻ, thoải mái. 

Nhiều học sinh nước khác đón nhận kết quả thi kém một cách bình tĩnh. Họ vẫn vui vẻ, sôi nổi, đến kỳ thi với tâm thế giao lưu, trải nghiệm. Được trao huy chương là điều vui nhưng cũng không phải là yếu tố duy nhất xác nhận tài năng, quyết định tương lai của họ.

"Năm đó đội Anh, Mỹ, Trung Quốc là những đội em có ấn tượng. Đội Mỹ có 6 học sinh đều là người Trung Quốc. Học sinh Trung Quốc "cày" rất "trâu", có lẽ cũng giống tinh thần thi đấu của học sinh Việt và họ là một trong những đối thủ nặng ký ở kỳ thi với tinh thần "chiến đấu" rất quyết liệt. 

Ngược lại, đội Anh lại có tinh thần thoải mái. Nhưng kết quả đội Anh đứng đầu bảng và thủ khoa cũng là học sinh đội Anh" - Tuấn kể và cho rằng tâm lý thoải mái là yếu tố quan trọng mang lại kết quả tốt, nhất là trong cuộc thi những ý tưởng sáng tạo.

Với các môn vật lý, sinh học, hóa học, trong nhiều thập kỷ kể từ năm đầu tiên tham dự Olympic quốc tế, đội tuyển Việt Nam chỉ có thành tích khiêm tốn do điểm yếu truyền thống: thực hành.

Lễ trao giải "ảo" đầy cảm xúc

Buổi công bố kết quả và trao giải kỳ thi Olympic hóa học quốc tế năm 2020 diễn ra khá đặc biệt trong ký ức của Đoàn Thị Minh Trang: "Bốn chúng tôi ngồi trong phòng chờ để theo dõi lễ công bố giải qua màn hình được truyền trực tiếp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trên sân khấu ảo cũng được thiết kế học sinh ảo. Vị trưởng ban tổ chức công bố kết quả. Và trên sân khấu ảo, những học sinh ảo cũng xuất hiện nhận giải. Học sinh các quốc gia theo dõi sự kiện ấy từ nước mình.

Khi thi xong, chúng tôi đã dự đoán kết quả thi tốt, nhưng không chắc sẽ được nhận huy chương màu gì. Thế nên rất hồi hộp. Kết quả được công bố từ thấp đến cao, những học sinh có bằng khen (giải khuyến khích) rồi học sinh nhận huy chương đồng, huy chương bạc đã được xướng tên, nhưng đều không có Việt Nam.

Rồi bất ngờ ở mục công bố những học sinh đoạt huy chương vàng có cả bốn chúng tôi. Cảm xúc dồn nén chợt vỡ òa. Chúng tôi sung sướng ôm lấy nhau. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên".

Hậu trường thi Olympic quốc tế: - Kỳ 3: Chấm thi và cuộc Hậu trường thi Olympic quốc tế: - Kỳ 3: Chấm thi và cuộc 'đấu trí' của các thầy

TTO - Chỉ các kỳ thi Olympic quốc tế mới có chuyện lục tung cả giấy nháp của học sinh để tìm thêm điểm cho bài thi. Vai trò của các thầy dẫn đoàn rất quan trọng.

VĨNH HÀ - MAI THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên