Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vào sáng 5-11.
Phóng to |
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng |
“Giải pháp của mọi giải pháp”
Đại biểu Nghĩa nói: “Trong những kỳ họp qua chúng ta đã bàn nhiều về giải pháp cho tình hình chung của đất nước. Không ít ý kiến cho rằng nếu không có những giải pháp toàn diện và đột phá thì tình hình đất nước không thể chuyển biến tích cực một cách căn bản. Nguyên nhân có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân là công cuộc đổi mới thể chế và luật pháp đã chậm bước so với nhu cầu của đất nước”.
Ông nhấn mạnh: “Việc đổi mới chính trị đã không đồng bộ và không theo kịp với đổi mới kinh tế như nghị quyết Đại hội Đảng XI đã nêu. Nhân dân góp ý và chờ đợi sự thay đổi trong đó có ba nội dung lớn cần được đổi mới, đó là đổi mới phương thức lãnh đạo trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền, đổi mới thành phần kinh tế nhà nước và đổi mới về pháp luật đất đai”.
Theo ông Nghĩa, “không ít ý kiến cử tri cho rằng Hiến pháp sửa đổi là giải pháp cho mọi giải pháp. Trên tinh thần đó, vừa qua các tầng lớp nhân dân đã phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức dân chủ, tầm trí tuệ và văn hóa để đóng góp xây dựng Hiến pháp sửa đổi”.
“Nếu việc sửa đổi Hiến pháp lần này không đạt được yêu cầu đó thì chúng ta sẽ không tiếp thu được những tinh hoa trí tuệ nhân dân đã đóng góp mà còn bỏ lỡ cơ hội đưa công cuộc đổi mới lên một tầm cao mới, tạo động lực cho đất nước vượt qua nguy cơ tụt hậu, tiếp kịp các nước trong khu vực và trên thế giới”.
Quyền sử dụng đất phải là quyền tài sản
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đặt vấn đề: “Dự thảo quy định đất đai là tài nguyên đặc biệt quan trọng của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước được quản lý theo pháp luật và quy hoạch. Tôi rất băn khoăn về chữ quản lý theo quy hoạch”.
Phóng to |
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng - Ảnh: Việt Dũng |
“Nếu quy định quản lý theo quy hoạch thì vô hình trung chúng ta đã đặt tính chất pháp lý của quy hoạch ngang với pháp luật, mà thực tiễn thì quy hoạch diễn ra ở nhiều cấp như xã, huyện, tỉnh, quốc gia, quy hoạch ngành, vùng… Các quy hoạch không tránh khỏi sự chồng chéo, có những quy hoạch thiếu khoa học, thiếu thực tế, điều chỉnh nhiều lần. Đây là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai. Nếu lấy quy hoạch làm cơ sở cho việc quản lý, thu hồi đất đai thì tôi e rằng không ổn, dễ bị lợi dụng. Vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên để luật định” - ông Hùng nêu.
Liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, ông Hùng phân tích: “Ở đây có quy định là người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất. Ghi như vậy rất cụ thể nhưng rất thiếu bởi vì người sử dụng đất có rất nhiều quyền: quyền sang nhượng, cho tặng, thế chấp tài sản, góp vốn… Mặt khác, thực chất quyền sử dụng đất hiện nay chính là quyền tài sản. Tuy trong văn bản chưa ghi nhưng trong thực tiễn nó chính là tài sản”.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Người dân muốn có quyền sử dụng đất thì người ta phải bỏ tiền ra để mua. Đó là tài sản. Tôi đề nghị Hiến pháp cần khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản mới công bằng. Quy định như vậy sẽ làm cơ sở cho việc quy hoạch, thu hồi, giải tỏa, đền bù theo đúng bản chất đó là quyền tài sản mới đảm bảo sự công bằng, dân chủ và khách quan.
Mặt khác, người sử dụng đất cũng phải có nghĩa vụ khai thác, sử dụng hiệu quả, không để hoang hóa. Do đó, cần quy định rõ là: “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất có nghĩa vụ khai thác có hiệu quả theo quy định của pháp luật”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận