Phóng to |
Cảnh tan hoang ở ngôi nhà ông Cao Trung Kiên (thị trấn Quất Lâm, Giao Thủy, Nam Định) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Sau một đêm trôi dạt ở vùng vịnh Lan Hạ, bà Vũ Thị Tuất (thị trấn Cát Bà) trở về nhà đứng trên bờ Bến Bèo hướng mắt về phía bè nuôi trồng thủy sản (rộng khoảng 50m2) và bốn mảng nuôi tu hài đã bị bão đánh tan tành thành những tấm gỗ vụn, bà vẫn chưa hết vẻ thất thần: “Cả đêm bám vào những tấm mảng bè vỡ, hai vợ chồng tôi cứ nghĩ là sẽ chết”.
Bão vào, nhiều người vẫn lênh đênh trên biển
Theo bà Tuất, chiều 28-10 hai vợ chồng bà đưa bè vào vịnh Lan Hạ tránh bão. “Chúng tôi ở lại bè vì thấy đài báo bão không vào Hải Phòng. Bình thường bè nhà tôi vẫn chịu được gió cấp 8. Đến cuối ngày hai vợ chồng vẫn ở lại bè vì không thấy huyện thông báo gì nên chủ quan - bà Tuất nói. Tất cả tài sản là chiếc bè khoảng 40 triệu đồng và bốn mảng nuôi tu hài đầu tư hơn 300 triệu của gia đình bà Tuất đã bị cơn bão cuốn trôi ra biển.
Theo nhiều người dân ở thị trấn Cát Bà và các hộ nuôi trồng thủy sản trên vịnh Lan Hạ, vụng Đồng Hồ (Cát Hải, Hải Phòng), họ không nhận được thông báo bão sẽ vào Hải Phòng nên chủ quan ở lại trông bè.
Theo thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hải Phòng, trong cơn bão có 58 người trên các lồng bè, thuyền bị trôi dạt và bị chìm đã được cứu, 403ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị hư hại, 47 tàu thuyền bị chìm... Tổng thiệt hại ước tính hơn 400 tỉ đồng.
Ông Đỗ Trung Thoại - phó chủ tịch UBND TP, trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Hải Phòng - cho biết TP đã chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn xảy ra thiệt hại nặng là do một số nơi chủ quan. “Trách nhiệm cụ thể các ban ngành sẽ được xem xét sau khi khắc phục hậu quả cơn bão” - ông Thoại nói.
Mất mạng vì không thuộc diện di dời
Ngày 29-10, tại Nam Định, huyện Giao Thủy là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ước tính toàn huyện thiệt hại khoảng 668 tỉ đồng, một người thiệt mạng và một người mất tích trong bão.
Chiều 29-10, trở lại nơi bà Cao Thị Tuyết, 62 tuổi, thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy), nạn nhân thiệt mạng vì nhà sập trong bão, căn nhà hai gian của bà chỉ còn đống đổ nát.
Ông Nguyễn Văn Tiến, tổ phó tổ dân phố, kể: “Trong tổ này, bà Tuyết thuộc diện hộ nghèo, sống một mình và thuộc diện già cả cô đơn”.
Theo ông Tiến, xóm làng đã động viên bà Tuyết đi tránh bão nhưng không hiểu sao bà lại quay về, đến sáng khi thấy căn nhà đổ sập, mọi người bới tìm thì bà đã chết trong đống đổ nát. “Nói thật là chỉ có xóm làng động viên, còn ủy ban cũng không có lực lượng nào vào di dời” - ông Tiến cho hay.
Trả lời câu hỏi tại sao người già, người cô đơn ở trong nhà xung yếu, nguy hiểm mà chính quyền không di dời, ông Nguyễn Thanh Uyên - chủ tịch UBND thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy) - cho rằng nơi bà Tuyết ở nằm trong khu dân phố, không thuộc khu vực ngoài đê, cửa biển, cửa sông nên trong phương án di dời không có hộ gia đình bà Tuyết.
Theo ghi nhận tại các huyện ven biển gồm Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, bão đã khiến hệ thống điện, viễn thông di động tê liệt. Đến chiều tối 29-10, hệ thống điện lưới tại trung tâm các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng vẫn chưa thể khắc phục. Tại huyện Giao Thủy, cột phát sóng của đài phát thanh - truyền hình huyện cũng bị bão quật gãy, đài ngừng hoạt động.
7 người chết, 6 người mất tích
Thống kê từ các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão số 8, đến chiều tối 29-10 đã có 7 người chết, 6 người mất tích.
Theo thống kê chưa đầy đủ có 11 nhà bị sập, 5.073 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Về nông nghiệp có 6.291ha lúa bị ngập, hư hại; 17.625ha hoa màu bị ngập, hư hại; 700ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại. Về tàu thuyền có 36 tàu bị chìm. Về thông tin liên lạc: cột phát sóng truyền hình bị đổ hai cái (Nam Định: tháp truyền hình tỉnh cao 180m; Quảng Ninh: tháp phát thanh truyền hình cao 15m); cột thu phát sóng bị đổ 31 cột (Nam Định).
Bên cạnh đó Nam Định có 500 cột điện cao thế và 5.000 cột điện hạ thế bị ngã đổ.
Phải thiết kế lại đê biển Hòn La Những đợt sóng lớn do cơn bão Sơn Tinh gây ra đã làm sập hoàn toàn và đẩy dịch tuyến đê biển nối cảng Hòn La với đảo Hòn Cỏ ở Khu kinh tế Hòn La (Quảng Bình). Thiệt hại ước tính 30-50 tỉ đồng. Đoạn đê này được thiết kế vừa làm đường vừa làm đê chắn sóng với tổng chiều dài 500m, rộng 9m, mặt đê cho hai làn xe ôtô qua lại... Theo ông Phạm Văn Năm - trưởng ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình - chủ đầu tư, toàn bộ dự án trên có tổng vốn đầu tư hơn 120 tỉ đồng, hiện đã thi công được 18/30 tháng tiến độ và 60% khối lượng. Hiện chưa thể biết chính xác thiệt hại, phải chờ đánh giá của cơ quan bảo hiểm, sau đó sẽ lập dự toán bổ sung khối lượng đã mất và tiếp tục thi công công trình trong thời gian sớm nhất. Còn ông Võ Minh Hoài - tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, đơn vị thi công cho biết thi công tiếp, các cơ quan có thẩm quyền và chuyên môn cần tính toán, thiết kế lại mức chịu sóng cho phù hợp hơn”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận