12/09/2015 19:13 GMT+7

​Hát bội Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

TRẦN HOA KHÁ
TRẦN HOA KHÁ

TTO - Sáng 12-9, UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ kỷ niệm 170 năm năm sinh danh nhân văn hóa Đào Tấn, đón nhận bằng chứng nhận “Hát bội Bình Định là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Một cảnh trong vở tuồng “Hồn Việt” do Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) biểu diễn - Ảnh: Trần Hoa Khá

Như vậy, đến nay tỉnh Bình Định có ba di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận là Võ cổ truyền Bình Định, Nghệ thuật bài chòi Bình Định và Hát bội Bình Định.

Dịp này, Bình Định cũng khởi công xây dựng Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn tại thôn Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn trên khu đất có tổng diện tích gần 5.000m2, gồm các hạng mục đền thờ chính, sân hành lễ, sân vườn, nhà quản lí với tổng kinh phí đầu tư gần 10 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Trước đó, di tích Mộ cụ Đào Tấn tại núi Huỳnh Mai, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia từ năm 1998. Đình làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc-nơi có văn bia thờ Đào Tấn cũng được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Bình Định được xem là “nôi” sản sinh nghệ thuật tuồng (hát bội). Trong đó, danh nhân Đào Tấn được xem là “Hậu tổ” của nghệ thuật tuồng - hát bội Bình Định với các tác phẩm tuồng nổi tiếng: Hộ sanh đàn, Cổ Thành, Trầm Hương Các... 

Cũng trong dịp này UBND tỉnh Bình Định tổ chức Liên hoan trích đoạn tuồng Đào Tấn, diễn ra từ ngày 12-9 đến-14-9 tại TP Quy Nhơn với sự tham gia của hơn 200 diễn viên đến từ 10 đoàn tuồng không chuyên trên địa bàn Bình Định.

 

TRẦN HOA KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên