30/07/2009 02:14 GMT+7

Hào lũy đất phương Nam

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Tháng bảy, tôi xuôi dòng Vĩnh Tế. 190 năm đã trôi qua kể từ ngày trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu (tức Nguyễn Văn Thoại) ấn nhát thuổng đầu tiên xuống miền biên viễn để phát lệnh đào kênh Vĩnh Tế. Bao lớp dân, binh đổ mồ hôi và xương máu đào kênh đã yên nghỉ từ lâu dưới dãy Thất Sơn, nhưng người đời sau trên vùng đất này vẫn không quên công đức tổ tiên.

Gần 200 năm trước, triều Nguyễn cùng Thoại Ngọc Hầu đã đào kênh Vĩnh Tế trải dài từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Đây là công trình thủy lợi để khẩn hoang, phát triển giao thương và trấn thủ bờ cõi phía Nam có tầm vóc chiến lược vĩ đại nhất lúc bấy giờ. 200 năm sau, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại quyết định đào tiếp hệ thống kênh nối liền Vĩnh Tế với biển Tây để phát triển vùng tứ giác Long Xuyên rộng lớn thành vựa lúa của cả nước. Từ kênh Vĩnh Tế đến kênh Võ Văn Kiệt là cả một câu chuyện dài về bồi đắp sức sống vào một vùng đất hoang vu.

WHUJVvRU.jpgPhóng to
Tượng Thoại Ngọc Hầu trong lăng, dõi mắt ra dòng kênh Vĩnh Tế - Ảnh: QUỐC VIỆT

Tầm nhìn chiến lược

Ông lão chài lưới ở Vĩnh Tế vui vẻ khi nghe mục đích tôi thuê ghe xuôi dòng kênh. “Bao đời tụi tui sống nhờ kênh và cũng yên nghỉ bên bờ kênh này”, ông nói. Ông lão có tên gai góc Võ Năm Ngạnh tâm sự miệt Châu Đốc, Hà Tiên ở hai đầu Vĩnh Tế có rất nhiều lưu dân đến lập nghiệp từ rất sớm. Riêng tổ tiên ông đã từ đất Quảng vào Cù Lao Phố, Đồng Nai, rồi tiếp tục gói đùm xuôi xuống miệt biên giới này. Theo lời cha ông của ông Ngạnh kể, nhiều cư dân hiện ở vùng này có thể là hậu duệ của những lưu dân thuở đó. Và chính tổ tiên họ đã có công khẩn hoang ruộng đồng, đào con kênh biên giới.

Trước khi xuôi dòng Vĩnh Tế, tôi đã tìm giở lại những sử liệu rải rác nói về việc thực hiện công trình thủy lợi chiến lược này. Sách Gia Định Thành Thông Chí, Đại Nam Nhất Thống Chí, Quốc triều chánh biên toát yếu chép rằng con kênh này được vua Gia Long cho khởi đào từ tháng chạp năm Kỷ Mão (1819). Tầm nhìn xa bắt đầu từ việc xây xong đồn Châu Đốc, vua Gia Long xem bản đồ đã phán vùng này nếu mở thủy lộ thông với Hà Tiên thì nông, thương đều lợi. Về sau, dân tụ đông, đất mở rộng sẽ thành một trấn to.

Sau này vua Minh Mạng nói rõ thêm: “Vùng địa đầu quan yếu, ta xuống chiếu chỉ chiêu tập dân buôn, cho vay tiền gạo để lập ấp, khẩn điền, quây quần sinh nhai. Đó là ý của ta trong đại sự củng cố biên cương”. Gần 200 năm sau, ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên chủ tịch tỉnh An Giang, người có nhiều tâm huyết đóng góp cho cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt quyết định đào kênh xả lũ - cũng khẳng định: “Vĩnh Tế chính là cảm hứng và điều kiện khởi đầu cho việc mở rộng hệ thống kênh xả lũ sau này để phát triển tứ giác Long Xuyên. Người xưa đã nhìn xa trông rộng đến hàng thế kỷ sau”.

Ngày đầu xuôi trên đoạn đầu kênh Vĩnh Tế, tôi đã vào thắp hương ở lăng Thoại Ngọc Hầu dưới chân Vĩnh Tế sơn (nay gọi núi Sam) để tưởng nhớ công đức người xưa. Thật ra, việc chuẩn bị để đào kênh được giao quan trấn thủ Lưu Phước Tường, người trông quản xây đồn Châu Đốc. Nhưng sau sự nghiệp này được chuyển cho Thoại Ngọc Hầu, vì Lưu Phước Tường phạm tội sách nhiễu dân. Đặc biệt, lúc đó Thoại Ngọc Hầu cũng vừa hoàn tất việc trông quản đào kênh Thoại Hà nối Long Xuyên - Rạch Giá, có nhiều kinh nghiệm trong làm thủy lợi.

hx3EKX59.jpgPhóng to

Bản đồ vị trí kênh Vĩnh Tế và kênh Võ Văn Kiệt (T5)- Đồ họa: Như Khanh

“Bọc thây da ngựa, gửi xương xứ này”

Những người cao tuổi thời nay như ông Năm Ngạnh rành rẽ luồng lạch, sức sống kênh Vĩnh Tế bằng câu ca dao truyền miệng: “Kênh Vĩnh Tế, biển Hà Tiên. Ghe thuyền tấp nập bán buôn dập dìu”. Tuy nhiên, họ chỉ biết chuyện thuở đầu mở mang thủy lộ trên miệt đất núi rừng hoang vu qua lời truyền kể của tổ tiên.

Theo ký ức được nối tiếp qua bao đời, thuở xưa tổ tiên họ được triều đình trả tiền, gạo để đào con kênh này, nhưng công việc rất vất vả và nguy hiểm. Gần hết chiều dài kênh đều qua vùng rừng thiêng nước độc. Hổ, sấu ngày đêm đe dọa. Rắn rết, muỗi mòng như rơm, trấu. Có đoạn lòng đất lại toàn đá. Dân, binh đào kênh phải dùng đục với chày vồ nạy từng viên đá. Và nhiều người đã bỏ mạng chốn này.

Chính vì khối lượng công việc quá lớn và khó khăn nên việc đào kênh Vĩnh Tế phải trải qua mấy giai đoạn. Các sử liệu ghi rằng dân, binh đào kênh được trưng dụng từ Hà Tiên, Vĩnh Long, Châu Đốc..., kể cả lính đồn trú ở biên cương, và có những lúc đông đến 80.000 người. Họ chia thành phiên để thay nhau đào.

Người Việt đào từ đoạn đầu giao với sông Hậu ở Châu Đốc xuống. Đây cũng là đoạn khó khăn nhất vì chạy qua chân dải Thất Sơn có nhiều đá cứng. Nhân công Khmer được đào đoạn đất mềm từ Hà Tiên ngược lên. Nhiều khi dân, binh đào kênh Vĩnh Tế phải thay nhau làm việc ngày đêm dưới ánh đuốc. Và cũng ánh đuốc này là cọc tiêu cho việc đo đạc, xác định đường thẳng để đào kênh.

Tuy tiên liệu trước khó khăn và triều đình có chế độ chăm sóc dân, binh nhưng việc đào kênh Vĩnh Tế vẫn không thể nhanh chóng. Có mùa hạ quá oi bức và dân, binh bị thiếu nước ngọt nên triều đình phải cho tạm nghỉ lấy lại sức. Kênh đang được làm giữa chừng thì vua Gia Long mất, vua Minh Mạng lại tiếp tục cho tập trung đào con kênh chiến lược ở bờ cõi phía Nam này. Đến khoảng giữa năm 1824, đại công trình mới hoàn tất và thông thủy lộ nối Hà Tiên - Châu Đốc với chiều dài gần 100km, rộng 40m và nước sâu 3 - 4m (số liệu này thay đổi tùy đoạn, và sau này do sự xói lở, nạo vét thêm).

Vĩnh Tế chính là tên vợ Thoại Ngọc Hầu được triều đình đặt tên cho kênh để ghi nhớ công đức đôi vợ chồng. Cao Đỉnh trong Cửu Đỉnh đặt trang trọng, uy nghi ở kinh thành Huế được vua Minh Mạng cho khắc trạm chữ Vĩnh Tế Hà với hình dòng sông uốn lượn dưới dải núi non, cây cỏ, để nhắc nhớ người đời sau về công cuộc thủy lợi vĩ đại này. Thời gian đã trôi qua 190 năm trên kênh đào như là hào lũy bờ cõi phía Nam của Tổ quốc.

Xuôi dòng Vĩnh Tế, tôi cố gắng tìm dấu vết người xưa nhưng cái còn, cái đã phai mờ theo biến động thời cuộc. Chỉ có hậu duệ của những dân, binh thuở đó là vẫn còn kiên cường bám trụ ở dải đất ven kênh này. Ông Năm Ngạnh tâm sự từ đời ông nội, ông cố đã truyền kể rằng sau khi có kênh Vĩnh Tế đã xuất hiện ngay bên bờ các thôn Vĩnh Tế, Vĩnh Gia, Vĩnh Lạc, Vĩnh Điều, Vĩnh Bào... làm nơi quần cư cho con cháu bao đời sau.

Ở lăng Thoại Ngọc Hầu, một vài người dân địa phương ngồi nhớ ông, đọc bài Tế cô hồn kênh Vĩnh Tế do chính ông soạn cúng tế các dân, binh đã bỏ mình cho dòng kênh: “Đào kênh trước mấy kỳ khó nhớ. Khoác nhung y chống đỡ biên cương. Xông pha máu nhuộm chiến trường. Bọc thây da ngựa, gửi xương xứ này...”. Trong lăng ông cũng dành nơi chôn cất các dân, binh đó. Và người đời sau đến thắp hương cho Thoại Ngọc Hầu cũng là kính nhớ mồ hôi và xương máu của tổ tiên.

___________________________

Một lý do chính để đào kênh Vĩnh Tế là trấn giữ bờ cõi. Và máu xương bao người Việt vệ quốc đổ xuống dòng kênh biên giới suốt gần 200 năm qua đã chứng minh tầm nhìn tiền nhân.

Kỳ tới: Trấn giữ biên giới

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên