Tiết học môn giáo dục công dân của học sinh Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
“Tôi đang đứng lớp dạy học sinh lớp 12 thì nhận được tin đã có đề thi mẫu. Ngay lập tức, thầy trò chúng tôi vào trang web của báo Tuổi Trẻ để xem đề.
Tôi cho học sinh làm thử bảy câu đầu môn toán. Các em vỗ tay phấn khởi vì giải quyết nhanh chóng bảy câu này. Thật ra, những câu này chỉ ở mức hiểu bài là làm được.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ những câu tiếp theo thì tôi lại băn khoăn...” - thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc, tổ trưởng tổ toán Trường THPT Phú Nhuận, cho biết.
Thầy làm còn không kịp thời gian
Theo thầy Ngọc: “Đề thi toán có nhiều câu “lạ” đối với học sinh và cả giáo viên như câu số 10, 21, 24, 39, 40... Mặc dù kiến thức câu hỏi vẫn nằm trong chương trình, nhưng nhiều năm nay đề thi tự luận không ra những dạng câu hỏi như vậy (bài toán có liên hệ với thực tế hoặc toán tích hợp kiến thức vật lý), nên nhiều giáo viên không quan tâm giảng dạy, thậm chí bỏ luôn.
Đề thi còn có 5-6 câu thuộc kiến thức hình học không gian và 3-4 câu có dạng câu hỏi như đề tự luận những năm trước. Để giải quyết những câu này, có học sinh phải mất 5 phút mới giải được một câu, trong khi đề thi có tổng cộng 50 câu, các em phải hoàn tất trong thời gian 90 phút”.
Tương tự, một giáo viên toán nổi tiếng của TP.HCM cho biết: “Chính tôi tự giải đề mẫu cũng mất hơn 100 phút thì làm sao học sinh có thể làm trọn vẹn đề trong 90 phút? Bộ GD-ĐT nên xem lại thời lượng làm bài của học sinh đối với môn toán bằng cách cho học sinh làm thử rồi rút kinh nghiệm khi ra đề thi chính thức vào cuối năm học.
Cái được nhất của đề mẫu môn toán là không có những câu hỏi thuộc dạng đánh đố thí sinh như trong mùa thi năm 2016. Nhưng với thời lượng làm bài và nội dung đề như đề mẫu, tôi e rằng nhiều thí sinh làm 10-15 câu sẽ hết thời gian”.
Ở đề thi môn khoa học tự nhiên, nhiều giáo viên lý, hóa, sinh cũng nhận định: nội dung đề thi quá dài so với thời lượng làm bài. Mức độ các câu hỏi hơi nặng khi thí sinh phải giải quyết cùng lúc kiến thức của cả ba môn thi.
ThS Nguyễn Cửu Phúc, tổ trưởng tổ hóa Trường THPT Nguyễn Công Trứ, đưa ra ý kiến: “Trong số 40 câu hỏi môn hóa thì có khoảng 60% thuộc dạng biết và hiểu bài là làm được, 20% câu hỏi thuộc dạng vận dụng, 20% câu hỏi còn lại là vận dụng nâng cao. Nếu là học sinh giỏi cũng chỉ giải quyết được 90% dung lượng đề thi trong thời gian 50 phút”.
Đa số giáo viên lý, hóa, sinh ở TP.HCM đều đề xuất: “Năm đầu tiên học sinh phải thi môn tổ hợp, chắc chắn các em chưa quen, Bộ GD-ĐT nên có sự thẩm định và ra đề phù hợp hơn với thời lượng làm bài”.
Xóa tan nỗi âu lo
Đề thi mẫu môn khoa học xã hội đã xóa tan nỗi âu lo của giáo viên và học sinh khi môn sử không yêu cầu thí sinh phải nhớ những số liệu như thời gian, địa điểm... Đó là ý kiến của nhiều giáo viên môn sử ở TP.HCM.
ThS Nguyễn Viết Đăng Du - tổ trưởng tổ sử Trường THPT Lê Quý Đôn - phân tích: “Nếu đề thi chính thức mà ra giống đề thi mẫu thì rất vừa sức với thí sinh. Cái được nhất của đề thi là những câu hỏi nhằm kiểm tra kiến thức và sự hiểu biết về vấn đề lịch sử, chứ không kiểm tra khả năng học thuộc lòng của thí sinh.
Cái được thứ hai là hình thức ra đề khá phong phú, đa dạng, Ví dụ như câu hỏi yêu cầu thí sinh sắp xếp sự kiện theo đúng trình tự thời gian. Để làm đúng câu này, học sinh phải học sử một cách có hệ thống chứ không thể học tủ như khi làm thi tự luận”.
Thế nhưng, nhiều giáo viên cũng cho rằng đề thi này rất khó chọn được học sinh giỏi để vào học bậc đại học chuyên ngành khoa học xã hội. Do đó, Bộ GD-ĐT nên đưa ra nhiều dạng câu hỏi như câu hỏi có hình ảnh, câu hỏi nhằm kiểm tra những kỹ năng so sánh, tổng hợp... của thí sinh.
Cần tính toán lại cách phân bố điểm
“So với năm trước, năm nay thí sinh làm bài môn văn chỉ trong 120 phút (thay vì 180 phút như trước). Thế nên, câu hỏi về đọc - hiểu của môn văn đã rút ngắn lại, nội dung của câu đọc hiểu được tích hợp với câu hỏi về nghị luận xã hội. Cách này sẽ giúp thí sinh đỡ mất thời gian, có điều kiện tập trung vào nội dung đề thi...
Nhưng tôi vẫn băn khoăn là cách phân bố điểm trong đề thi môn văn lại thay đổi: câu hỏi về nghị luận xã hội chỉ còn 2 điểm, trong khi những năm trước là 3 điểm. Nếu điểm số trong đề thi giảm xuống, đồng nghĩa với sự quan tâm của học sinh về nghị luận xã hội cũng giảm xuống” - thầy Trương Minh Đức, giáo viên môn văn Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết.
Một giáo viên môn văn ở quận 5 cũng đồng tình với nhận xét trên và nói thêm: “Đó là chưa kể đề thi mẫu yêu cầu thí sinh viết một đoạn văn 200 chữ để giải quyết vấn đề nghị luận xã hội thì quá khó đối với các em.
Bài nghị luận xã hội phải bao gồm bốn phần: giải thích, phân tích, chứng minh, đánh giá bình luận. Nếu chỉ có 200 chữ thì các em sẽ viết phần nào và bỏ phần nào? Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu lại cách phân bố điểm của đề thi văn”.
* Thầy Lê Văn Cường (tổ trưởng tổ toán Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội): Nên bổ sung câu hỏi điền kết quả hoặc kết hợp tự luận và trắc nghiệm Đề thi minh họa môn toán đúng là đảm bảo được ra trong nội dung chương trình lớp 12. Các câu khó, dễ trộn lẫn, không theo trình tự dễ trước, khó sau như các năm trước. Đề thi có nhiều câu dễ, không có câu quá khó nhưng cũng có độ phân hóa với thí sinh đạt điểm 7, 8, 9 và sẽ có những thí sinh đạt điểm 10. Trong đề thi, có khoảng ba câu có nội dung thực tiễn, một câu hỏi có kiến thức liên quan đến môn vật lý (câu 24). Theo tôi, ngoài các câu hỏi trắc nghiệm chọn đáp án từ những phương án cho sẵn, bộ nên nghiên cứu để bổ sung thêm những câu hỏi học sinh phải tự tìm đáp án, tự điền kết quả hoặc kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận. Như vậy, việc học của học sinh sẽ toàn diện hơn, không thiên về một hình thức nào, mà học để phát triển tư duy, phát triển năng lực. * Cô Hà Thanh (giáo viên văn Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội): Học sinh ban C, D sẽ cần điều chỉnh cách ôn tập Đề thi năm nay có một số điều chỉnh rất đáng lưu ý. Ở phần đọc hiểu, trước đây có tám câu hỏi nhỏ, thì trong đề thi minh họa này chỉ có bốn câu hỏi. Phần nghị luận xã hội trước đây yêu cầu viết 600 chữ, nhưng ở đề thi minh họa chỉ yêu cầu viết 200 chữ. Việc điều chỉnh này có lợi nhiều hơn với học sinh chỉ dự thi ngữ văn để xét tốt nghiệp THPT, chỉ cần đạt trung bình là đủ. Mặc dù 3/4 câu hỏi ở phần đọc hiểu đều có hướng mở, nhưng thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp chỉ cần bám sát nội dung cơ bản nhất, trả lời ngắn gọn, trúng ý. Tương tự, ở phần viết nghị luận xã hội, với việc trình bày suy nghĩ về một nhận định, một trích dẫn như trong đề thi minh họa, thí sinh xét tuyển ĐH, CĐ theo các tổ hợp không có môn ngữ văn thì cũng không cần đầu tư để viết sâu sắc. Tuy nhiên, với thí sinh xét tuyển các ban C, D và các tổ hợp có môn ngữ văn chắc chắn sẽ phải điều chỉnh cách ôn tập. Để có điểm tốt nhất tham gia xét tuyển, thí sinh cần phải rèn luyện cách viết ngắn nhưng đủ ý, sâu sắc, đi vào trọng tâm. Ở phần đọc hiểu, không chỉ phải trả lời đúng, đủ ý mà còn phải hiểu và làm tốt những câu hỏi có hướng mở để thêm điểm cộng. * GS.TS Hà Huy Bằng (khoa vật lý Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội): Độ phân hóa không cao Đề minh họa môn vật lý (trong bài thi khoa học tự nhiên) căn chỉnh rất chuẩn xác tỉ lệ 60% câu hỏi cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và 40% câu hỏi có độ phân hóa dùng cho xét tuyển ĐH như thông tin bộ đã công bố. Cụ thể, với đề trắc nghiệm 40 câu vật lý, thì từ câu 1 đến câu 24 là những câu hỏi dễ. Tuy nhiên, trong số 40% câu hỏi có độ phân hóa còn lại thì một nửa vẫn chỉ là câu hỏi ở mức trung bình - trung bình khá, và một nửa còn lại mới thật sự có độ phân hóa cao hơn. Đề cũng có một số câu hỏi hay như câu 28, 29, 31. Đặc biệt, câu 31 giống với xử lý số liệu mà bậc ĐH sẽ học nên khá thú vị. Nhìn chung, do số câu hỏi của đề thi vật lý giảm xuống còn 1/2 so với các năm trước, cộng với việc tỉ lệ câu hỏi có độ phân hóa thật sự vẫn rất ít, nên độ phân hóa của đề không cao. * Em Phạm Thùy Linh (học sinh lớp 12 Trường THPT Tây Hồ, Hà Nội): Phân vân với nhiều câu hỏi trong đề giáo dục công dân Với đề thi minh họa của môn này, em thấy không khó để đạt điểm trung bình. Nhưng để đạt điểm cao hơn, có kết quả dự tuyển ĐH-CĐ thì cũng có nhiều nội dung khó. Khá nhiều câu hỏi khiến em phân vân không rõ phương án nào đúng, vì có cảm giác phương án nào cũng đúng. Nhiều câu không thể kiểm tra sách giáo khoa để có đáp án chính xác, mà cần thầy cô giải đáp. Phạm vi kiến thức đề cập đến cũng khá rộng. Có nhiều nội dung liên quan tới tranh chấp dân sự, quan hệ gia đình, công việc ngoài xã hội thì hơi khó với học sinh chúng em. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận