09/11/2014 23:50 GMT+7

Hành xử thế nào với chuyện tuổi của Công Phượng?

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Nghi án Công Phượng 21 tuổi chứ không phải 19 tuổi đang gây ầm ĩ trong dư luận. Trên các diễn đàn, báo điện tử, người hâm mộ chia làm hai phe.

Một bên ủng hộ quan điểm của bầu Đức khi cho rằng đây là trò ghen ăn tức ở, và chuyện đó chẳng thể nào phủ nhận được tài năng của tiền đạo trẻ đang rất được yêu mến. Và bên còn lại cho rằng nói gì thì nói cũng cần làm tới nơi tới chốn chuyện này, và úp mở chuyện gian lận tuổi tác là điều hết sức phổ biến trong bóng đá nói riêng và thể thao VN nói chung.

Riêng mình, khi đang theo dõi cuộc tranh luận quanh vấn đề tuổi tác của Công Phượng, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện trong cuốn Khuyến học của Fukuzawa Yukichi - nhà tư tưởng vĩ đại của nước Nhật (chân dung của ông được in trên tờ 10.000 yen, tờ có mệnh giá lớn nhất của tiền tệ Nhật Bản) và ông được người Nhật xem là có công lớn nhất trong công cuộc đổi mới, xây dựng nước Nhật thành công như hôm nay.

Fukuzawa Yukichi kể một chuyện như thế này: Trường đại học Keio do ông thành lập đã mời một người Mỹ sang giảng dạy môn văn học Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Nhật Bản không cấp phép với lý do vị giảng viên người Mỹ không có bằng tốt nghiệp khoa học của Mỹ. Theo quy định, nếu vị giảng viên ấy dạy tiếng Anh thì không cần bằng cấp.

Thế là, người của Bộ Giáo dục Nhật Bản gợi ý ông Yukichi là cứ khai vị giảng viên người Mỹ sang dạy tiếng Anh. Còn sau đó, khi được cấp phép rồi thì muốn dạy văn học Mỹ cũng không sao. Yukichi đã không đồng ý. Ông chấp nhận thực hiện theo quy định, đồng thời tranh đấu với Bộ Giáo dục để thay đổi quy định mà ông cho là lạc hậu, là rào cản của các trường học. Theo quan điểm của Yukichi, tất cả mọi việc phải chính danh, phải luôn tuân thủ pháp luật và thật đáng hổ thẹn khi phải dối trá để đạt được mục đích.

Quan điểm của Fukuzawa Yukichi đã được người Nhật noi theo và trở thành nét văn hóa, cách sống giúp Nhật Bản thành công.

Từ đó, tôi nghĩ tại sao chúng ta không hành xử như Yukichi trong trường hợp Công Phượng? Trước tiên, xin đừng xem đây là chuyện nhỏ bởi nó là nghi án liên quan đến sự dối trá, liên quan đến số phận một con người, đặc biệt là người nổi tiếng, đang được đông đảo bạn trẻ hâm mộ.

Vì vậy, những cơ quan, tổ chức có trách nhiệm như Tổng cục TDTT, Liên đoàn Bóng đá VN... rất cần thiết vào cuộc tìm hiểu một cách nghiêm túc. Nếu đúng là Công Phượng sinh năm 1993 chứ không phải 1995, khi ấy phải nói rõ người lớn nào đã tham gia vào vụ này và có biện pháp xử lý thích đáng nhằm thể hiện quan điểm quyết liệt nói không với dối trá. 

Còn nếu Công Phượng sinh đúng năm 1995 thì sao? Đương nhiên những phóng viên, tờ báo nào nêu vụ này ra mà không có đủ bằng chứng, chỉ cốt để tạo xìcăngđan cũng phải bị xử lý tới nơi tới chốn.

Tiếc rằng một số người có trách nhiệm chẳng ai hành xử một cách nghiêm túc theo luật, theo quy định, mà lại phát biểu đầy cảm tính kiểu “chúng tôi có niềm tin là gia đình Công Phượng trung thực”, “đây là chuyện ghen ăn tức ở, không đáng bàn” hoặc “chuyện ăn gian tuổi là phổ biến trong bóng đá VN”...

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên