![]() |
Rachel Bùi (hàng sau, thứ ba từ phải sang) cùng các thành viên ban tổ chức AVYLD 2017 - Ảnh: R.B. |
“Theo tôi, diễn đàn Đối thoại lãnh đạo trẻ Việt - Úc 2017 là một khởi xướng kịp thời. Việc phát triển mối quan hệ giữa các gương mặt lãnh đạo trẻ của Úc và Việt Nam ở nhiều lĩnh vực hoàn toàn phù hợp với nỗ lực của Chính phủ Úc trong việc tăng cường quan hệ song phương giữa hai nước, cũng như những thay đổi mang tính đột phá |
Đại sứ Úc tại Việt Nam CRAIG CHITTICK |
AVYLD (Australia - Vietnam Young Leadership Dialogue là Diễn đàn Đối thoại lãnh đạo trẻ Việt - Úc), ra đời nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ giữa hai quốc gia, nuôi dưỡng và phát triển các gương mặt trẻ tài năng của hai nước. Hiện AVYLD là một tổ chức phi lợi nhuận độc lập được công nhận tại Úc.
Chia sẻ với Nhịp sống trẻ tại Úc, Rachel Bùi cho biết:
- Tôi đã có dịp về Việt Nam năm lần nên có những hình dung nhất định về quê hương, giới trẻ trong nước và thấy mọi thứ đều rất tiềm năng. Với tôi, cả hai quốc gia đều chiếm góc lớn trong suy nghĩ nên tôi luôn đau đáu nghĩ về vấn đề trên.
Bên cạnh đó, đây chính là thời điểm các quốc gia phải bắt tay nhau nếu muốn có một tương lai tốt hơn, một thế hệ tiếp nối giỏi hơn.
AVYLD sắp tới sẽ diễn ra lần đầu tiên vào tháng 5-2017 tại thành phố Sydney (Úc). Sẽ có 20 đại biểu được chọn tham gia. Chương trình sẽ đài thọ các chi phí liên quan (gồm vé máy bay khứ hồi, đi lại và ăn ở tại Úc). Các đại biểu sẽ có dịp gặp gỡ, trao đổi về khởi nghiệp, giáo dục, nghệ thuật... với lãnh đạo các tổ chức nhà nước, tập đoàn lớn.
* Các ứng viên cần có những điểm gì?
- Để đủ điều kiện tham gia vòng loại của chương trình, các ứng viên nhất thiết phải ở độ tuổi từ 25-35, có kiến thức vững về Việt Nam hoặc Úc, thông thạo tiếng Anh, thể hiện rõ tiềm năng lãnh đạo. Sau vòng loại, các ứng viên sẽ được phỏng vấn để chọn ra danh sách 20 đại biểu chính thức. Thông tin chi tiết về AVYLD được giới thiệu trên trang web www.australiavietnam.org.
Sở dĩ chúng tôi chỉ nhận các ứng viên từ 25 tuổi trở lên vì ở độ tuổi này, các bạn mới có độ “chín” nhất định trong suy nghĩ, có đủ trải nghiệm để đem những câu chuyện thú vị, ý nghĩa đến trao đổi tại chương trình.
* Những khó khăn trong quá trình tạo dựng chương trình?
- Việc biến một ý tưởng lớn thành hiện thực chưa bao giờ là dễ dàng. Tuy cộng đồng người Việt ở Úc rất đông, số lượng du học sinh Việt ở Úc cũng lớn, nhưng người Việt vẫn chưa tạo được nhiều dấu ấn trong suy nghĩ người Úc.
Thông tin về đất nước Việt Nam cũng vậy. Khi nhắc đến du lịch tại Đông Nam Á, người Úc thường nghĩ đến Thái Lan, nhắc về kinh tế thì người Úc nghĩ ngay đến Trung Quốc, Mỹ.
Chương trình này cũng là lần đầu thực hiện, vì vậy chúng tôi gặp không ít thử thách khi thuyết phục hỗ trợ về mặt chuyên môn, tài chính từ các phía bên Úc. Tuy nhiên rất vui là chương trình sau đó đã nhận được sự đồng hành từ nhiều nơi bên Úc lẫn Việt Nam.
* Mong muốn lâu dài của chương trình là gì?
- Tuy thai nghén ý tưởng và bắt tay thực hiện chương trình từ năm 2015 nhưng hiện chúng tôi vẫn còn rất nhiều việc để làm. Một điều rất vui là tất cả thành viên ban tổ chức chương trình đều tình nguyện làm việc không nhận lương.
Mọi thành viên, dù là người Việt hay người nước ngoài, đều cống hiến hết mình chỉ với mong muốn được thấy sự phát triển lâu dài của hai quốc gia.
Bên cạnh mong muốn được đóng góp cho quê hương, nhiều người trong chúng tôi cũng tham vọng ngày nào đó sẽ thấy những Starbucks, Amazone... được làm ra từ người Việt. Chúng tôi mong muốn đây là hoạt động thường niên.
Rachel Bùi (giám đốc điều hành, đồng sáng lập viên AVYLD) hiện là một doanh nhân trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tại thành phố Melbourne. Trước đó cô là chuyên viên kinh tế ở Bộ Ngân khố và tài chính của chính phủ tiểu bang Victoria (Úc). Rachel là người Úc gốc Việt và từng tốt nghiệp hạng ưu tại ĐH Monash (Úc). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận