15/01/2013 08:24 GMT+7

Hàng vào Nhật rộng mở

XUÂN TOÀN thực hiện
XUÂN TOÀN thực hiện

TT - Cơ hội cho các doanh nghiệp VN nhân chuyến thăm của tân Thủ tướng Nhật.

Ngày mai 16-1, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ có chuyến thăm và làm việc tại VN nhằm thúc đẩy sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Nhật Bản trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế...

Dịp này, Tuổi Trẻ đã có bài phỏng vấn tham tán thương vụ Đại sứ quán VN tại Nhật Nguyễn Trung Dũng.

lr8yKBlt.jpgPhóng to
Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa (thứ hai từ phải qua) tham quan triển lãm hàng VN tại hệ thống siêu thị AEON (Tokyo) vào tháng 8-2012 - Ảnh: CTV

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của VN trong năm 2012, với tốc độ tăng 21% và dự báo con số này sẽ còn tăng mạnh trong năm nay. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Dũng nói:

"Để tăng xuất khẩu, không chỉ chờ Nhật xem xét nới lỏng mà cần chủ động thúc đẩy hợp tác song phương, trong đó gồm cả hợp tác sản xuất, chế biến và kiểm dịch"

Ông Nguyễn Trung Dũng

- Năm 2012, Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế do hậu quả động đất - sóng thần và đặc biệt tác động từ một nền kinh tế xuất siêu chuyển sang phải nhập siêu. Tuy vậy, năm 2012 quan hệ kinh tế Việt - Nhật vẫn tiếp tục ghi nhận những kết quả tăng trưởng mạnh mẽ trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược song phương. Đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật vào VN vươn lên hàng đầu. Thương mại song phương tiếp tục tăng với kim ngạch đạt trên 25 tỉ USD so với 21 tỉ USD năm 2011, hay vượt hơn 18%. Trong đó, xuất khẩu VN vào Nhật tăng 21%, cao hơn tỉ lệ tăng toàn bộ kim ngạch, đạt giá trị 13 tỉ USD và VN tiếp tục xuất siêu trong thương mại với Nhật Bản.

Một yếu tố quan trọng góp phần vào tăng xuất khẩu nói trên là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu đã được cải thiện. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống như may mặc, thủy sản, hàng nhựa, đồ gỗ gia dụng, giày dép các loại, hàng thủ công mỹ nghệ..., nhiều mặt hàng cơ khí, thiết bị điện, dây điện và cáp điện, đến những mặt hàng nông sản như thanh long, hoa cắt cành, gạo, gia vị... cũng đã vào hoặc bắt đầu vào thị trường Nhật với nhịp độ tăng nhanh.

Dự báo năm 2013, quan hệ thương mại song phương Việt - Nhật sẽ tiếp tục tăng 19-20% và tổng kim ngạch có thể trên 30 tỉ USD, trong đó xuất khẩu sẽ tăng khoảng 20%, đạt trên 15 tỉ USD.

* Bên cạnh các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang Nhật hiện nay như: dầu thô, dệt may, thủy sản, đồ gỗ..., theo ông, đâu là những mặt hàng mà các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu nhiều hơn nữa ở thị trường này trong thời gian tới?

- Xuất khẩu của VN vào Nhật mới chiếm 1,8% toàn bộ nhập khẩu của Nhật. Với đà phát triển quan hệ kinh tế cũng như thương mại song phương hiện nay, VN còn nhiều mặt hàng tiềm năng có thể tăng cường xuất khẩu sang Nhật, trước hết là nông sản như: trái cây, tôm đông lạnh, hải sản chế biến, gạo và cả hàng cơ khí. Ngay cả những mặt hàng xuất khẩu truyền thống lâu nay như dệt may, đồ gỗ... nếu các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, chăm chút mẫu mã, cũng như tập trung quảng bá thì hoàn toàn có thể gia tăng hơn nữa kim ngạch xuất khẩu.

* Năm 2012, VN cũng đã xuất khẩu trở lại mặt hàng gạo vào Nhật. Theo ông, cơ hội xuất khẩu gạo vào thị trường này trong thời gian tới sẽ như thế nào?

- Nhật Bản vẫn giữ chính sách sản xuất gạo đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên Nhật vẫn nhập khẩu gạo hằng năm để phục vụ cho việc sản xuất những mặt hàng khác như làm thức ăn chăn nuôi, làm bột nguyên liệu cho chế biến thực phẩm, công nghiệp sinh hóa... Năm 2012, kim ngạch nhập khẩu gạo của Nhật khoảng 520 triệu USD, chủ yếu từ Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ và một phần từ VN.

Hiện nay, ở Nhật Bản lao động nông nghiệp ngày càng sụt giảm và sản lượng nông nghiệp cũng theo đó ngày càng nhỏ đi trong cơ cấu GDP của Nhật, từ gần 13% năm 1960 hiện chỉ còn hơn 1% năm 2011. Do vậy, tỉ lệ đảm bảo tự cấp lương thực ở Nhật cũng giảm mạnh trong nhiều năm qua. Điều đó đặt ra xu hướng và nhu cầu Nhật cần tăng nhập khẩu nông sản nói chung, trong đó có gạo.

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu gạo của VN sang Nhật đạt 20 triệu USD, như vậy mới chỉ chiếm 4% toàn bộ lượng gạo nhập khẩu của Nhật trong năm. Song đây là điều đáng mừng vì sau nhiều năm gạo của ta đã bắt đầu quay lại thị trường Nhật. Gần đây, Nhật đã nới lỏng hơn một số tiêu chí về dư lượng kháng sinh đối với gạo và chất lượng gạo của VN đã cải thiện nhiều hơn. Do vậy khả năng tăng xuất khẩu gạo vào Nhật trong năm nay và những năm tiếp theo là một hiện thực.

KdGr2GyD.jpgPhóng to

* Một trong những thế mạnh của các doanh nghiệp VN là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản... Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là Luật vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật vẫn “đóng kín”. Theo ông, liệu Chính phủ Nhật có nới lỏng các quy định này trong thời gian tới?

- Nhật Bản là thị trường có tiềm năng lớn cho nông sản, thủy sản xuất khẩu của VN. Riêng thủy sản, năm 2012 ta đã xuất trên 1 tỉ USD vào Nhật, gồm tôm, hải sản đông lạnh, cá ngừ... Để tăng xuất khẩu, không chỉ chờ Nhật xem xét nới lỏng mà cần chủ động thúc đẩy hợp tác song phương trong vấn đề này, trong đó gồm cả hợp tác sản xuất, chế biến và kiểm dịch.

Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát dư lượng kháng sinh đang được cả hai bên quan tâm và tháo gỡ. Bộ NN&PTNT VN và Bộ Y tế, Phúc lợi xã hội của Nhật đang triển khai các chương trình hợp tác kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu và thừa nhận kết quả kiểm nghiệm của nhau, trước hết là những mặt hàng ta có tiềm năng và thế mạnh như thủy sản, rau quả... Một số máy chiếu xạ đã được sử dụng giữa một số doanh nghiệp hai nước để kiểm dịch quả thanh long là một thí dụ. Từ đầu năm 2012, VN và Nhật đã hợp tác thành lập trung tâm kiểm nghiệm, kiểm chứng và tư vấn chất lượng hàng nông lâm thủy sản. Đây sẽ là một mô hình hiệu quả để đáp ứng các tiêu chí an toàn thực phẩm, một vấn đề mấu chốt để hàng nông sản VN tăng nhanh vào thị trường Nhật.

* Để hàng VN có thể bám rễ sâu, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại, các doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp cận lâu dài thị trường như thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, cách xúc tiến thương mại và bán hàng cần cải tiến để phù hợp với tình hình và sự phát triển mới. Bên cạnh triển khai hệ thống đại lý, chúng ta cần tiếp cận trực tiếp, bán hàng thẳng vào các hệ thống bán lẻ, có mạng lưới rộng như hệ thống siêu thị AEON, Tokyuhand... Để thuyết phục được các hệ thống này, doanh nghiệp VN cần cải tiến cách quản lý, mở rộng hợp tác hay liên doanh sản xuất, kinh doanh để đảm bảo có nguồn hàng và chất lượng ổn định, số lượng lớn, đảm bảo đúng thời gian cung ứng.

Đến nay, hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế chủ chốt như Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA), Hiệp định tự do thương mại ASEAN - Nhật Bản... và xúc tiến nhiều sáng kiến chung tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác kinh doanh Việt - Nhật. Cuối năm 2011, những triển khai cuối cùng của VJEPA về di chuyển thể nhân cũng đã được hoàn tất. Đây là những hành lang pháp lý và cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp hai nước.

Ông Phạm Xuân Hồng (chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3): Tận dụng thuế suất 0%

Giải mã hiện tượng xuất siêu sang thị trường Nhật theo tôi không khó. Xin lấy ví dụ công ty tôi từ kim ngạch xuất khẩu 1 triệu USD hàng may mặc năm 1999 đã tăng lên 50 triệu USD trong năm 2012, dự kiến đạt 60 triệu USD trong năm 2013. Một trong những lý do khiến hàng xuất khẩu của chúng tôi tăng nhanh vào Nhật là do đã khai thác tối đa cơ hội Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA). Cụ thể, đối với hàng may mặc trong quá trình sản xuất, khi sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nước trong khu vực ASEAN hoặc từ Nhật sẽ được hưởng mức thuế suất 0%. Yếu tố này đã giúp hàng VN cạnh tranh hơn khi vào thị trường Nhật.

Bên cạnh đó, mặc dù không phải là thị trường có mức tăng trưởng quá nóng, nhưng Nhật vẫn được xem là thị trường mang tính ổn định rất cao, “đặc biệt, mức suy giảm rất thấp so với các thị trường khác như Mỹ, EU khi nền kinh tế thế giới gặp biến động”.

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may VN, ước kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật trong năm 2013 sẽ đạt trên 2,37 tỉ USD, tăng khoảng 18% so với năm 2012, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành dệt may VN.

XUÂN TOÀN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên