Nhân viên y tế tư vấn tiêm chủng cho trẻ - Ảnh: T.T
Trao đổi với báo chí mới đây, bà Dương Thị Hồng - viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) - cho biết hai vắc xin nêu trên trong nước sản xuất, cung ứng theo cách đặt hàng.
Trong đó, vắc xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất và vắc xin DPT do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất. Tuy vắc xin đang có sẵn trong kho nhưng không thể mua bán, cung ứng do vướng thủ tục theo quy định.
Nhà sản xuất khẳng định "đủ cung ứng và đang chờ"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 13-9, GS Nguyễn Đăng Hiền - giám đốc POLYVAC, đơn vị sản xuất vắc xin sởi - cho biết việc sản xuất và cung ứng cho Chương trình tiêm chủng mở rộng luôn sẵn sàng.
Ngay đầu năm 2022 đơn vị đã lên kế hoạch sản xuất 1,8 triệu liều vắc xin. "Lô vắc xin này đã được sản xuất xong, đã được kiểm định và có giấy xuất xưởng. Hiện đang lưu kho chờ chương trình nhận để xuất thôi chứ không vấn đề gì cả", GS Hiền nói.
Tương tự, TS Dương Hữu Thái - viện trưởng IVAC, đơn vị sản xuất vắc xin DPT - cũng khẳng định các loại vắc xin nêu trên là cung ứng cho Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí. Hiện đang có khoảng 800.000 liều đủ điều kiện sử dụng để trong kho, đơn vị đã sẵn sàng cung cấp.
"Bất cứ lúc nào Chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc Bộ Y tế yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng cung cấp theo số lượng hiện có", ông Thái khẳng định.
Về các bất cập hiện nay khi người dân không có vắc xin sử dụng, trong khi vắc xin có sẵn trong kho, ông Thái nói thông thường Chương trình tiêm chủng mở rộng phải có đặt hàng, nhưng năm nay việc đặt hàng này quá muộn. Tất nhiên đơn vị luôn có một lượng dự trữ nhưng việc này cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc chậm kế hoạch sản xuất, cung ứng.
Còn về các "vướng mắc trong thủ tục" như bà Hồng nói, cả ông Hiền và ông Thái cho rằng "không nắm được quy trình". Ông Hiền nói: "Ở góc độ đơn vị sản xuất, chúng tôi đã chủ động lên kế hoạch, sản xuất và xin khẳng định là đủ cung ứng vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng".
Vướng mắc về giá?
Từ nhiều tháng nay hai loại vắc xin sởi và DPT tại TP.HCM hết sạch. Trong ảnh: Tin nhắn của Trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) thông báo đã hết vắc xin sởi đơn để tiêm cho trẻ - Ảnh: THU HIẾN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết tình trạng thiếu vắc xin sởi và DPT đã xuất hiện trong thời gian qua và chương trình bù đắp bằng cách điều phối theo hình thức "tỉnh còn chuyển cho tỉnh đang thiếu". "Tuy nhiên gần đây thì hết vắc xin, không thể điều phối được nữa, thiếu vắc xin sởi và DPT trên diện rộng", vị này cho biết.
Trong khi đó, bà Dương Thị Hồng - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia - nói lý do dẫn đến việc kho nhà sản xuất có vắc xin nhưng kho của tiêm chủng lại hết là do còn vướng một số thủ tục nhằm đảm bảo đủ quy định mua sắm hàng hóa diện nhà nước đặt hàng (vắc xin tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi thuộc diện này).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số các thủ tục còn thiếu có vấn đề về giá, hiện Bộ Y tế và Bộ Tài chính đang gấp rút triển khai để có thể có vắc xin cho tiêm chủng trong khoảng 1-2 tuần tới. Khi đó, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ cấp phát ngay để tiêm bù cho trẻ đã đến lịch nhưng chưa tiêm do thiếu vắc xin thời gian qua và tiêm chủng cho trẻ đến lịch tiêm.
Theo thống kê, mỗi năm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sử dụng 1,5 - 1,8 triệu liều vắc xin sởi và 1,5 - 1,8 triệu liều vắc xin DPT. Đây là hai trong số vắc xin Việt Nam đã sản xuất được.
TP.HCM gửi văn bản "xin" vắc xin liên tục
Đây là lần đầu tiên TP.HCM hết vắc xin sởi, DPT trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Lần cuối cùng địa phương nhận được vắc xin phân bổ từ Bộ Y tế vào tháng 4-2022, mãi đến tháng 8-2022 chỉ nhận được 6.000 liều DPT nhưng đã dùng hết.
Sở Y tế TP.HCM vừa gửi công văn lần thứ ba đến Bộ Y tế đề nghị Chương trình tiêm chủng mở rộng phân bổ hai loại nêu trên nhằm đảm bảo tiêm chủng cho người dân nhưng chưa nhận được phản hồi về việc phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng 13-9, tại Trạm y tế phường Trường Thọ (TP Thủ Đức) có một số phụ huynh đưa con đến đăng ký tiêm vắc xin sởi. Tuy nhiên các nhân viên của trạm y tế đành hướng dẫn người dân tìm nơi đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ hoặc đợi trẻ đến 12 tháng tuổi tiêm vắc xin sởi rubella.
THU HIẾN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận