Chợ Hạ Long - Ảnh: Đức Hiếu
Nhiều tiểu thương thay vì bán hàng thì nay đóng quầy, ngồi từng tốp nói chuyện phiếm.
Bà Dương Thị Bích Xuân cho biết các hộ kinh doanh đồng loạt đóng cửa để phản đối việc ban quản lý chợ tăng giá vệ sinh môi trường.
"Đầu năm nay, chúng tôi kí hợp đồng thuê điểm kinh doanh, trong đó có phí vệ sinh môi trường là 65.000 đồng/tháng.
Đến ngày 7-3, ban quản lý chợ thông báo mức thu mới tăng đến hơn 100%, trong khi trưởng ban giải thích không thỏa đáng nên chúng tôi đến UBND TP Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh để kiến nghị nhưng câu trả lời cũng không đáp ứng được.
Nếu có thay đổi thì cơ quan chức năng phải có thông báo, thương thảo để người dân cùng nắm được, hướng dẫn cho bà con thực thi" bà Xuân nói.
Các quầy hàng đóng cửa - Ảnh: Đức Hiếu
Theo các hộ kinh doanh, từ ngày 17-3, ban quản lý chợ đã cắt điện một số hộ, gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh và bức xúc cho người kinh doanh.
Bà Bùi Thị Minh, tổ trưởng ngành hàng hải sản khô cho biết mức tăng giá như hiện nay là quá cao so với lượng rác mà ngành hàng này phát sinh.
Hơn nữa, ban quản lý chợ thông báo sự thay đổi mức giá từ đầu tháng 3 nhưng kèm với đó lại truy thu thêm hai tháng 1 và 2.
Dù không muốn nhưng với đặc thù ngành hàng không bảo quản được khi bị cắt điện, các hộ kinh doanh vẫn phải đóng tiền vệ sinh môi trường theo giá mới.
Các tiểu thương bày tỏ mong muốn chính quyền xem xét lại mức thu để giảm gánh nặng tài chính cho họ
Theo ông Hồ Quang Huy, phó chủ tịch UBND TP Hạ Long, hiện nay toàn chợ Hạ Long có gần 1.500 điểm kinh doanh cố định phân bổ trong 4 khu nhà.
Trong đó, có khoảng 1.050 điểm đã nộp giá dịch vụ vệ sinh môi trường, chủ yếu còn lại nhà chợ trung tâm có số hộ không chấp hành còn khá nhiều và có hiện tượng đóng cửa đồng loạt.
Một số gian còn hoạt động - Ảnh: Đức Hiếu
Ông Huy cũng cho biết theo Luật phí và lệ phí được Quốc hội thông qua, phí vệ sinh đã được chuyển đổi thành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.
Thêm vào đó, Ban quản lý chợ Hạ Long 1 đang chuyển đổi dần sang hoạt động tự chủ nên có sự thay đổi giá như trên.
Mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt của các hộ kinh doanh sẽ tăng từ 88% đến 108%, mức thu giá thấp nhất là 135.000 đồng/tháng và cao nhất là 235.000 đồng/tháng tùy thuộc ngành hàng.
Theo quy định của UBND tỉnh Quảng Ninh, mức giá quy định tối đa đã được thực hiện từ ngày 17-7-2017 nhưng thành phố Hạ Long đã đề xuất việc thu giá từ đầu năm 2018 để có thời gian tuyên truyền, vận động bà con.
Ông Huy cho biết việc thu giá vệ sinh môi trường theo giá mới không chỉ giảm phần bù lỗ ngân sách mà còn giúp làm tốt lên hình ảnh điểm du lịch chợ Hạ Long trong mắt du khách trong và ngoài nước đến đây tham quan, mua sắm mỗi ngày.
UBND TP Hạ Long đã tổ chức đối thoại và Ban quản lý chợ đã tuyên truyền đến các hộ kinh doanh nhiều lần về chủ trương này.
Hiện nay, có 53 hộ kinh doanh đã bị cắt điện do không đóng tiền vệ sinh môi trường. Do đó, cơ quan chức năng đang tiếp tục vận động tổng số hơn 400 hộ còn lại thực hiện nộp tiền vệ sinh theo đúng giá, đúng quy định pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận