27/05/2014 07:52 GMT+7

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp sẽ bị yêu cầu phá sản?

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Ngày 26-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật phá sản sửa đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết dự thảo luật mới nhất quy định mất khả năng thanh toán là tình trạng doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) không thanh toán được khoản nợ đến hạn, và chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DN, HTX khi DN, HTX không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn trong thời gian ba tháng kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu.

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) bày tỏ lo lắng quy định như dự thảo luật còn khá chung chung, đánh đồng tình trạng DN, HTX không thanh toán được nợ đến hạn với tình trạng DN, HTX bị mất khả năng thanh toán. Ông Tiến cho rằng về lý thuyết cũng như thực tiễn, hai tình trạng trên là khác nhau. Không thanh toán được nợ đến hạn có thể do nhiều nguyên nhân, ví dụ như bị mất cân đối dòng tiền trong ngắn hạn. Trong trường hợp như vậy, DN, HTX không thể coi là mất khả năng thanh toán. DN, HTX chỉ bị coi là mất khả năng thanh toán khi bán toàn bộ tài sản của DN, HTX theo giá thị trường hoặc thu hồi toàn bộ công nợ nhưng vẫn không trả được các khoản nợ đến hạn. Và chỉ trong trường hợp vừa nêu thì DN, HTX mới bị coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Tuy nhiên đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) lại đưa ra một góc nhìn khác: “Tôi không lo như vậy”. Ông Lịch giải thích luật cũ tiếp cận theo tài sản, còn dự thảo luật này tiếp cận trên dòng tiền. Cụ thể, tình trạng tài chính của một doanh nghiệp thể hiện ở ba báo cáo, một là cân đối tài sản, hai là báo cáo lời lỗ, ba là chu chuyển dòng tiền. Có nhiều doanh nghiệp kinh doanh rất có lãi nhưng vay vốn ngắn hạn, đầu tư trung, dài hạn khấu hao không đủ. Ví dụ như kinh doanh bất động sản, lấy tiền người ta góp xây nhà đi mua đất, khủng hoảng không trả được do quản lý dòng tiền yếu kém và gây thiệt hại cho xã hội, thì luật này răn đe việc đó.

Do vậy, theo ông Lịch, không nên nhầm lẫn cứ nộp đơn mở phá sản là đã phá sản, vì dự thảo luật có quy định về mở thủ tục phá sản, nhưng cũng có tới 80 điều để phục hồi doanh nghiệp, để giải quyết quyền lợi, để hội nghị khách hàng, để thỏa thuận và phục hồi doanh nghiệp, cho tới chẳng đặng đừng doanh nghiệp thật sự không có khả năng thanh toán nữa mới tuyên bố phá sản, rất chặt chẽ. “Quốc hội đừng lo chuyện này” - ông Lịch nói.

Người lao động có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản?

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) quan tâm đến quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động và công đoàn. Theo đó, ông Cường cho rằng cần làm rõ người lao động có quyền nộp đơn như thế nào? Cá nhân một người lao động có quyền nộp đơn hay không? Hay đây là quyền của tập thể người lao động với một tỉ lệ nhất định và những người lao động này phải cử đại diện để nộp đơn như quy định của luật hiện hành?

Ông Cường đặt vấn đề nếu quy định cá nhân người lao động có quyền nộp đơn thì làm sao phân biệt và tránh được sự lạm dụng giữa trường hợp tranh chấp về tiền lương giữa doanh nghiệp và cá nhân người lao động với việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Còn nếu quy định đây là quyền của tập thể lao động thì cần phải quy định về trình tự thủ tục cử đại diện. “Cần cân nhắc việc có nên tiếp tục quy định quyền của người lao động trực tiếp nộp đơn hay không, hay là người lao động thực hiện quyền này thông qua công đoàn” - ông Cường nói.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên