17/10/2018 19:25 GMT+7

Hàng trăm hộ dân sập bẫy kiểu 'vay cắt cổ'

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Hiện ở Đắk Lắk có hàng chục nhóm tín dụng đen chuyên cho người nghèo vay với lãi suất cắt cổ, rồi sau đó tìm cách cưỡng đoạt tài sản. Công an tỉnh này vừa khởi tố một vụ án do Bùi Văn Thịnh cầm đầu.

Hàng trăm hộ dân sập bẫy kiểu vay cắt cổ - Ảnh 1.

Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố băng nhóm do Bùi Văn Thịnh (thứ 2 từ phải qua) cầm đầu - Ảnh: CA cung cấp

Trao đổi với phóng viên sáng 17-10, đại tá Nguyễn Văn Bôn, trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết đơn vị vừa khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can gồm: Bùi Văn Thịnh (26 tuổi, cầm đầu), Hoàng Văn Cương (27 tuổi), Lê Trung Hiếu (30 tuổi) và Vũ Văn Mạnh (26 tuổi), tất cả đều đăng ký hộ khẩu tại TP Hải Phòng vào Đắk Lắk tạm trú làm nghề "cho vay nặng lãi".

Theo đó, cách đây mấy tháng, qua tờ rơi quảng cáo "cho vay không cần thế chấp", ông Y Brung -một người dân - đã tìm đến nhóm của Thịnh để vay tiền. Sau khi vào tận nhà để "định giá tài sản", đàn em của Thịnh viết giấy cho vay số tiền 100 triệu đồng và giải ngân ngay tại nhà ông Y Brung.

Sau khi đưa tiền, Thịnh thu lại của ông Y Brung số tiền 20 triệu đồng cho 20 ngày lãi đầu. Trong 50 ngày tiếp theo, ông Y Brung vẫn phải tiếp tục trả cả gốc lẫn lãi cho số tiền 100 triệu đồng. Khi ông mất khả năng trả nợ, nhóm của Thịnh vào cưỡng đoạt tài sản và bị cơ quan công an bắt quả tang để xử lý ngày 1-10.

Hộ ông Y Brung chỉ là 1 trong 260 hộ dân đã "sập bẫy", vay tiền nhóm của Thịnh với lãi suất cắt cổ. Bà H’Riăng Niê (trú xã Ea Bông, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) cũng nghe quảng cáo cho vay không thế chấp nên đã vay của Thịnh 30 triệu đồng.

Theo đó bà H'Riăng sẽ trả góp cả gốc lẫn lãi trong 50 ngày, với mức 750.000 đồng/ngày. "Mình lượm được tờ rơi cho vay ngoài đường nên điện thoại cho người ta. Nó cho vay 30 triệu thì nó rút trước 3 triệu nói đóng lãi nhưng các ngày tiếp theo vẫn thu lãi nữa. Ngày nào mà không có tiền trả là tụi nó dọa đánh đập, siết đồ", bà H’Riăng Niê kể lại.

Điều tra ban đầu cho thấy nhóm Thịnh đã cho 260 hộ dân vay 269 bộ hồ sơ, với số tiền cho vay lên đến 2,6 tỉ đồng. Mức lãi suất mà nhóm này cho người dân vay lên đến 30%/tháng, tương đương 360%/năm nên nhiều người sau khi vay tiền đã không có khả năng trả lãi.

Đại tá Nguyễn Văn Bôn, trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk

Theo đại tá Bôn, các nhóm tín dụng đen khi cho vay rất dễ nhưng đặt mức lãi suất rất cao để người dân mất khả năng thanh toán. Sau đó mới tổ chức xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản của các nạn nhân. "Trong đó, có những người khi vay từ 50 triệu đồng trở lên còn buộc phải cầm lại giấy tờ nhà, giấy tờ đất", đại tá Bôn thông tin.

Hàng trăm hộ dân sập bẫy kiểu vay cắt cổ - Ảnh 3.

Những người dân đã vay nợ lãi cao của nhóm Thịnh kể lại sự việc - Ảnh: TR.TÂN

Đại tá Bôn cũng nêu lên một lo lắng, sau địa bàn Buôn Ma Thuột, thời gian vừa qua các nhóm "tín dụng đen" đã tràn về các vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số để "gài bẫy cho vay". "Những người dân vùng sâu rất khó khăn, tài sản thế chấp không có, trong khi thủ tục cho vay rất đơn giản nên dễ mắc bẫy", đại tá Bôn giải thích.

Việc "vay mượn" giữa các bên đều là tự nguyện và thường các đối tượng không ghi mức lãi suất vào hợp đồng vay nên rất khó chứng minh việc "lãi suất các nhóm cho vay cao hơn mức lãi suất quy định 5% và có thu lợi bất chính trên 30 triệu đồng" để xử lý hình sự, đại tá Bôn nói.

Ngoài ra, có nhiều cách hiểu trong việc xử lý hình sự loại tội phạm này. Ví dụ, nên tính số lãi mà các nhóm này thực thu trừ đi số lãi quy định hay tính toàn bộ số lãi chúng đưa ra để tính nguồn tiền "thu lợi bất chính"?. Đến nay công an tỉnh đang chờ ý kiến của liên ngành để thống nhất cách xử lý đảm bảo chính xác, chặt chẽ…

"Không chỉ vậy, đây là loại tội phạm được xem là ít nguy hiểm nên mức hình phạt rất nhẹ (cao nhất là 3 năm tù) nên khó răn đe đối với các đối tượng hình sự, nghiện ngập", đại tá Bôn nói thêm.

Để ngăn ngừa loại tội phạm này, ông Bôn cho biết đầu tháng 10-2018, Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch đấu tranh trên toàn tỉnh đối với các băng nhóm cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản. Ngoài ra, công an tỉnh cũng yêu cầu công an các địa phương tham mưu cho cấp ủy có biện pháp tuyên truyền người dân hiểu rõ bản chất "tín dụng đen" để cảnh giác ….

Hàng chục nhóm tín dụng đen đang hoạt động

Theo đại tá Bôn, qua nắm tình hình có khoảng 10 nhóm cho vay như vậy được Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đắk Lắk cấp giấy phép kinh doanh. Ngoài ra còn có khoảng 20 nhóm cho vay không có giấy phép vẫn hoạt động như nhóm của Thịnh cầm đầu. Đây là lần đầu tiên Công an tỉnh bắt một vụ cho vay nặng lãi dẫn tới cưỡng đoạt tài sản...

Liên quan đến vấn nạn "tín dụng đen", mới đây, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng, báo chí nâng cao tuyên truyền để người dân hiểu, đề phòng với loại tội phạm này...

Hàng trăm hộ dân sập bẫy kiểu vay cắt cổ - Ảnh 5.

Một tờ ghi chú số tiền đã vay, số nợ gốc và lãi phải trả của một hộ dân - Ảnh: TR.TÂN

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên