02/11/2016 18:37 GMT+7

Hàng trăm bút lục vụ xử công chức hải quan vi phạm tố tụng?

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Trong phiên tranh luận ngày 2-11 vụ án xét xử bị cáo Lê Dũng và 39 đồng phạm, các luật sư đã chỉ ra hàng trăm bút lục có dấu hiệu vi phạm tố tụng cũng như sai sót trong quá trình điều tra vụ án.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: Hoàng Điệp

Luật sư Trịnh Đức Duy bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Nhĩ đã chỉ ra hàng trăm bút lục trong hồ sơ vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng.

Đó là những bản cung ghi lời khai của các bị cáo khi làm việc với điều tra viên với nhiều loại vi phạm khác nhau: điều tra viên giải thích sai quy định của Bộ luật tố tụng hình sự khi làm việc với bị can; trên các biên bản hỏi cung có tên điều tra viên Đinh Văn Toàn, Đoàn Thanh Khiết, Lương Trung Luân nhưng các điều tra viên này không ký tên bản cung

Luật sư Duy cho rằng theo quy định tại điều 95, điều 125, điều 132 Bộ luật tố tụng hình sự, biên bản hỏi cung bị can phải được cả bị can và điều tra viên cùng ký xác nhận vào biên bản.

Tuy nhiên, trên thực tế và tại phiên tòa, tất cả các bị cáo đều xác nhận điều tra viên Đinh Văn Toàn (37 bản cung), Đoàn Thanh Khiết (9 bản cung), Lê Trung Luân  (12 bản cung) là người trực tiếp hỏi cung nhưng các biên bản hỏi cung bị can này các điều tra viên không ký tên vào biên bản.

Luật sư Duy cũng chỉ ra có sự trùng hợp bất ngờ về cùng giờ điều tra, cùng ngày điều tra, trong hồ sơ vụ án, nhiều biên bản hỏi cung bị can được lập trong cùng khoảng thời gian, với nhiều bị can và chỉ do 1 hoặc 2 điều tra viên thực hiện, có những bị can đang bị tạm giam, có những bị can được tại ngoại nhưng lại được lấy lời khai trong cùng 1 lúc.

“Trên thực tế, các điều tra viên không thể “phân thân” để làm việc cùng một lúc với các bị can khác nhau. Điều này cho thấy sự bất hợp lý trong quá trình điều tra và các biên bản hỏi cung có thể bị tạo dựng, có thể không khách quan và đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự”, luật sư Duy lập luận.

VKS không sử dụng bút lục vi phạm tố tụng để buộc tội

Trong phần đối đáp, đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa thừa nhận trong hồ sơ vụ án có những biên bản bị vi phạm tố tụng. Tuy nhiên, khi luận tội, đại diện VKS không đưa các lời khai này vào để buộc tội mà dựa vào nhiều tài liệu khác nhau.

Đồng thời, đại diện VKS cũng cho rằng các bút lục này không bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án nên số thứ tự của các bút lục không bị xáo trộn.

Ngoài vấn đề vi phạm về tố tụng của các bút lục trong hồ sơ, các luật sư cũng nêu ra sự khó hiểu về số tiền lẻ của các bị cáo đã nhận, đã nộp lại thể hiện trong cáo trạng, trong đó, có những con số lẻ 10 đồng, 90 đồng... đại diện VKS cho rằng mệnh giá tiền của Việt Nam hiện nay nhỏ nhất là 200 đồng, và trong các hồ sơ quyết toán thuế vẫn có những con số lẻ như vậy nên việc xác định số tiền các bị cáo chia nhau chiếm hưởng là con số lẻ không có gì bất thường.

Do đó, VKS cho rằng có đủ căn cứ để buộc tội 40 bị cáo như trong phần luận tội. Theo đó, Lê Dũng cấu kết với Hứa Châu, Trần Thị Bích Tuyền và các bị can khác dùng thủ đoạn gian dối để tạo lập hồ sơ xin hoàn thuế GTGT, qua đó đã chiếm đoạt 80 tỉ đồng của Nhà nước.

Dự kiến, ngày 11-11 tòa tuyên án.

Theo cáo trạng của VKSND TP.HCM, Lê Dũng (giám đốc) và hàng loạt nhân viên của Công ty CP CNTP Sài Gòn và Nguyễn Quốc Dung (nhân viên xuất nhập khẩu công ty Tín Thịnh); Trần Thị Bích Tuyền (giám đốc Công ty TNHH Lam Tuyền và Công ty TNHH Đại Đắc Tài), Hứa Châu (giám đốc Công ty Lâm Kim Ngọc) đã cấu kết dùng thủ đoạn xuất khẩu qua Campuchia 20.000kg gạo trắng, trị giá 190 triệu đồng tại cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực IV, nhưng khai báo hải quan 3.000 thùng thuốc lá hiệu Craven “A”, trị giá 23 tỉ đồng.

Các bị cáo đã lập khống hồ sơ thuế để nhận tiền hoàn thuế 80 tỉ đồng.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên