Số ngoại tệ kiếm được từ xuất khẩu hàng may mặc, nông lâm thủy sản... đã được tiêu dùng quá ư thoải mái.
Phóng to |
Sau các chiến dịch quảng cáo rầm rộ, máy điện thoại iPhone đang hút khách hàng kể cả học sinh phổ thông - Ảnh: T.T.DŨNG |
Trong ba tháng đầu năm VN đã chi hàng tỉ USD để nhập khẩu ôtô, xe máy, hàng điện tử (gồm cả điện thoại iPhone)... Chính những nhóm mặt hàng này đã góp phần đẩy con số nhập siêu (nhập nhiều hơn xuất) lên đến 3,5 tỉ USD.
"Lượng ôtô và xe máy tăng mạnh trong quý 1-2010 có thể phản ánh hiện có một bộ phận người dân đang tiêu dùng quá đà trong bối cảnh khó khăn. Thực tế VN đã sử dụng một số công cụ như áp thuế suất nhập khẩu cao để hạn chế nhưng không thành công. Song không vì thế mà quay lại biện pháp hành chính. Cần có cách nhìn dài hạn và nền tảng hơn, chẳng hạn như kiểm soát thu nhập, tạo cơ hội đầu tư, khuyến khích tiết kiệm" TS Nguyễn Đình Cung (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) H.Giang ghi |
Nhập khẩu đủ thứ
Điều đáng nói là ngoài các mặt hàng nhập về để sản xuất như máy móc thiết bị, xăng dầu, VN vẫn phải nhập rất nhiều vàng bạc đá quý (tăng tới trên 200 triệu USD so với cùng kỳ 2009). Các mặt hàng điện tử, máy tính (trong đó có điện thoại iPhone) trong quý 1-2010 ở mức hơn 1 tỉ USD, tăng đến 53,1% so với cùng kỳ năm ngoái...
Kim ngạch nhập khẩu ôtô (gồm cả linh kiện) cũng ở mức rất cao, ước hơn 582 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2009. Cũng trong quý 1, VN đã chi 207 triệu USD để nhập xe máy (gồm cả linh kiện), tăng 38%.
Không chỉ nhập siêu ở nhiều thị trường, VN còn nhập rất nhiều mặt hàng mà trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được, nếu không nói là có thế mạnh của VN như: da bò, bột ngô, đậu tương..., thậm chí cả giấy loại với giá trị không nhỏ. Theo Tổng cục Thống kê, ước tính trong quý 1-2010 VN đã chi 623 triệu USD để nhập thức ăn chăn nuôi, tăng 136% so với cùng kỳ 2009.
Phóng to |
Do “sính ngoại” và cơ chế
Tại buổi làm việc giữa Bộ Công thương với các tập đoàn cuối tháng 3-2010, ông Nguyễn Gia Tường, phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất VN, cho rằng VN nhập siêu một phần do thực trạng “sính ngoại” của cả người dân và doanh nghiệp. Theo ông Tường, ở lĩnh vực phân bón, VN đang tồn kho khoảng 300.000 tấn phân bón (trong đó có 160.000 tấn phân NPK) và các doanh nghiệp phân bón trong nước đang phải sản xuất dưới công suất thiết kế. Tuy nhiên các doanh nghiệp VN lại đang nhập phân NPK.
Ông Lương Tấn Đức, phó tổng giám đốc Tổng công ty Giấy, nêu cơ chế hiện nay cũng khiến các doanh nghiệp thích nhập khẩu hơn mua trong nước. Theo ông Đức, hiện VN vẫn phải nhập giấy loại về để sản xuất. Ông Đức cho rằng mua trong nước khổ hơn vì người bán ve chai không có hóa đơn đỏ. Thế là mỗi cục thuế tính một kiểu nên doanh nghiệp rất ngại...
Ông Ngô Văn Trụ, vụ phó Vụ Công nghiệp nặng, cũng cho rằng nhiều sản phẩm công nghiệp của VN so với Trung Quốc không thua kém nhưng doanh nghiệp vẫn thích mua hàng Trung Quốc. “Thiết bị phụ trợ hay cả hệ thống điều khiển nhà máy điện, VN đều có thể tích hợp làm nhưng nhiều công trình hiện nay vẫn nhập”.
Theo ông Đoàn Hồng Quang - chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới tại VN: “Cơ cấu hàng xuất khẩu vẫn đơn điệu, chủ yếu gạo, thủy sản, dệt may, dầu thô... trong khi lại nhập các mặt hàng đắt tiền và cả hàng tiêu dùng với giá trị cao. Ta làm, xuất khẩu được 10 đồng thì nhập về đã mất 9 đồng, cộng với nhập máy móc từ nước ngoài nữa thì nhập siêu là khó tránh khỏi”. Vì vậy, theo ông Quang, VN cần đánh thuế cao các mặt hàng tiêu dùng đắt tiền. Ông Quang cho rằng VN cần có cách làm căn cơ, bài bản hơn trong đầu tư để thúc đẩy sản xuất bởi một quốc gia không thể phát triển tốt nếu cứ mua về nhiều hơn cái mình có thể làm ra và bán đi.
Ôtô xịn vẫn được tiêu thụ * Vinaphone đã nhập trên 5.000 máy iPhone 3G và iPhone 3GS Theo các công ty nhập khẩu ôtô, lượng xe nhập về VN trong tháng 3-2010 đã chựng lại so với hai tháng đầu năm. Trong đó, dòng xe dưới chín chỗ chỉ còn khoảng 1.600 xe, giảm 400 chiếc so với tháng trước. Tuy nhiên, các dòng xe trung và cao cấp có giá từ 1 tỉ đồng trở lên lượng khách hàng đăng ký, mua vẫn tăng nhẹ. Một nhà nhập khẩu ôtô ở Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết với dòng xe Toyota Venza 2.7 nhập khẩu từ Mỹ về giá 67.000 USD vẫn bán lai rai, có khi 2-3 xe/tuần. Cuối tháng 3-2010, tại buổi giới thiệu dòng xe BMW X1 của nhà phân phối Euro Auto với các phiên bản xDrive18i giá 1,466 tỉ đồng và xDrive28i giá 1,761 tỉ đồng, đại diện Euro Auto cho biết VN là nước thứ ba trong khu vực châu Á giới thiệu dòng xe này và đã có trên 50 khách hàng đặt mua BMW X1. Euro Auto dự báo năm nay thị trường ôtô cao cấp tại VN vẫn sẽ tăng trưởng 10-20% so với năm 2009. * Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lâm Hoàng Vinh - phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông VN (VNPT) kiêm giám đốc Vinaphone - cho biết đến thời điểm này Vinaphone nhập khẩu 5.000 máy iPhone 3G và iPhone 3GS, hiện vẫn chưa bán hết do sức tiêu thụ iPhone trên thị trường đang chậm. Toàn bộ iPhone nhập khẩu về VN đều là máy nguyên chiếc, không nhập linh kiện lắp ráp tại VN. Liên quan đến việc phát triển điện thoại di động 3G, ông Lâm Hoàng Vinh khẳng định phát triển mạng 3G mà không đầu tư đến tiền tỉ USD không thể làm được. Mặc dù đầu tư không đến 1 tỉ USD nhưng Vinaphone cũng phải chi hàng trăm triệu USD cho việc mua thiết bị lắp đặt cơ sở hạ tầng mạng của mình để đảm bảo cung cấp dịch vụ tới khách hàng một cách hoàn hảo nhất. Do đó, với ba nhà mạng cung cấp mạng di động thế hệ 3G thì chắc chắn số tiền đầu tư phải lên đến hàng tỉ USD. L.N. - M.QUANG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận