13/05/2019 11:04 GMT+7

Hàng rào kỹ thuật chống gian lận thi cử: Chú trọng con người, chấm thi

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố thông tin về hàng rào kỹ thuật, điểm mới trong việc ngăn chặn gian lận thi cử năm 2019, nhiều chuyên gia đánh giá cao quyết tâm của bộ, đồng thời kiến nghị cần chú trọng yếu tố con người.

Hàng rào kỹ thuật chống gian lận thi cử: Chú trọng con người, chấm thi - Ảnh 1.

Cán bộ coi thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đăng ký chữ ký mẫu trước giờ thi. Kỳ thi năm nay, nhiệm vụ của cán bộ coi thi sẽ nặng nề hơn - Ảnh: TRẦN HUỲNH

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định việc Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh về mặt kỹ thuật quy chế thi và công tác kỳ thi THPT quốc gia năm nay cho thấy bộ này quyết tâm tổ chức thực hiện kỳ thi nghiêm túc, lấy lại niềm tin từ xã hội.

Tăng cường phối hợp với địa phương

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa cũng cho rằng hiện nay nhiều trường ĐH vẫn còn thắc mắc về khâu phối hợp với các địa phương trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Năm nay các trường ĐH lãnh nhiệm vụ "mang quân" đến các địa phương nhưng trách nhiệm nặng nề hơn. Trong khi các địa phương phụ trách chuẩn bị cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ công tác kỳ thi. Do đó, khâu phối hợp với địa phương là rất quan trọng.

Theo ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), trong bảy giải pháp của Bộ GD-ĐT đưa ra nhằm tăng cường đảm bảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 diễn ra nghiêm túc có những giải pháp quá tiểu tiết về mặt kỹ thuật. 

Chẳng hạn, quy định "bốc thăm để phân giám thị vào phòng thi, bốc thăm để chọn phương án phát đề thi trắc nghiệm" được cho là "điểm mới rất quan trọng nhằm ngăn ngừa gian lận có thể xảy ra ở khâu coi thi" nhưng thực tế Bộ GD-ĐT đã ra nhiều mã đề khác nhau, nên việc này cũng không cần thiết, vì làm mất thời gian của người coi thi.

Tương tự, ThS Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho rằng các giải pháp kỹ thuật Bộ GD-ĐT vừa công bố thực ra đã được áp dụng từ năm 2015 trở về trước. 

Việc mỗi buổi thi phải bốc thăm cán bộ coi thi, giám sát đã được làm trong các năm trước. Cách đánh số báo danh đã được bốc thăm và thay đổi theo môn nên việc bốc thăm phương án phát đề là không cần thiết.

Việc trực gác tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi là giải pháp cho thấy bộ cố kéo trường ĐH vào để có thêm trách nhiệm nhưng đây không phải nghề của cán bộ trường ĐH. Việc này nên phân công nhiệm vụ cho lực lượng công an, an ninh vì họ có nghiệp vụ. Nếu cần thiết có thể đề nghị cử lực lượng công an ở địa phương khác đến tham gia công tác này.

PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa

Quan trọng là khâu chấm thi

Lãnh đạo các trường ĐH đều cho rằng toàn bộ các giải pháp ngăn chặn gian lận trong khâu tổ chức kỳ thi sẽ bỏ đi nếu tiêu cực xảy ra ở khâu chấm với sự tác động chủ yếu của yếu tố con người như đã xảy ra trong kỳ thi năm ngoái. 

"Việc gian lận trong năm 2018 nằm ở chỗ bảo quản bài thi ở nơi chấm thi, gian lận diễn ra khi chấm thi. Vì thế khâu này đặc biệt chú trọng, con người ở khâu này cực kỳ quan trọng từ việc chấm, kiểm tra, thanh tra và bảo vệ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng chỉ đạo cụ thể thực hiện khâu này. Dù gì thì con người cũng là quan trọng nhất" - ông Quán nhấn mạnh.

ThS Phạm Thái Sơn cũng nhận định trong các giải pháp thì quan trọng nhất chính là khâu chấm thi. Hướng dẫn công tác tổ chức thi và chấm thi năm nay khá chặt chẽ, đặc biệt là khâu chấm trắc nghiệm hoàn toàn do trường ĐH chủ trì. 

Việc chủ động phân tích kết quả, phát hiện dấu hiệu bất thường là biện pháp đáng quan tâm. Cần có phân tích điểm bất thường trong điểm thi và so sánh với cả kết quả học tập THPT của học sinh.

"Việc chấm tự luận nên giao thêm cho trường ĐH tham gia ban chấm kiểm tra để có thể giám sát khâu thống nhất đáp án và kiểm tra vấn đề chất lượng chấm thi. Thực ra trường ĐH cũng chỉ làm theo quy định thôi. 

Nhà trường chỉ chú trọng thêm trong khâu tập huấn cán bộ làm nhiệm vụ, trong khâu chọn lựa cán bộ chấm trắc nghiệm thì sẽ chọn người tham gia ban chấm thi kỹ càng hơn, như trường chúng tôi tập huấn cho nhóm này khoảng 15 cán bộ và đến gần triển khai chấm sẽ chọn ngẫu nhiên" - ông Sơn cho biết.

Ít gian lận ở khâu coi thi

Theo nhiều chuyên gia, năm 2018, ở khâu coi thi, sự phối hợp giữa sở GD-ĐT với các trường ĐH, CĐ tốt dẫn đến công tác coi thi nghiêm túc. Trong mỗi phòng thi có hai cán bộ coi thi gồm một giáo viên THPT, một giảng viên ĐH; ngoài phòng thi thì cứ bảy phòng thi lại có một giám sát; mỗi điểm thi ít nhất hai thanh tra (một của sở GD-ĐT, một của trường ĐH) nên các khâu coi thi, giám sát lẫn nhau để thực hiện nhiệm vụ này. 

Khâu bảo vệ đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn tại điểm thi, bảo quản đề thi, bài thi có lực lượng công an khu vực, an ninh và thậm chí tại hội đồng phòng thi cũng có lực lượng an ninh trực. Cho nên khó có gian lận ở các khâu này.

Nhiều ý kiến xử lý gian lận thi cử, Bộ GD-ĐT vẫn không sửa quy chế thi Nhiều ý kiến xử lý gian lận thi cử, Bộ GD-ĐT vẫn không sửa quy chế thi

TTO - Theo đại diện Bộ GD-ĐT, Quy chế thi hiện nay đã đủ để làm căn cứ xử lý vi phạm của thí sinh, do đó không cần sửa quy chế thi năm nay.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên