18/09/2014 06:25 GMT+7

Hàng ngoại đội lốt gây khó hàng Việt

Ông NGÔ BÁCH PHONG (chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM) - LÊ SƠN ghi
Ông NGÔ BÁCH PHONG (chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM) - LÊ SƠN ghi

TT - Người tiêu dùng hiện nay đang chật vật chọn lựa sản phẩm an toàn cho gia đình.

Không phải người tiêu dùng nào cũng phân biệt được đâu là táo Trung Quốc, đâu là táo Mỹ nếu không được hướng dẫn cụ thể. Trong ảnh:  một sạp trái cây tại chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: H.Khoa
Không phải người tiêu dùng nào cũng phân biệt được đâu là táo Trung Quốc, đâu là táo Mỹ nếu không được hướng dẫn cụ thể. Trong ảnh: một sạp trái cây tại chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: H.Khoa

Sự “thông thái” của người dùng cũng chỉ dừng lại ở mức “rau sạch là rau có sâu” chứ chẳng thể biết được rau đó có thật sự an toàn, có dư lượng chất bảo vệ thực vật hay không...

Từ thực tế này cho thấy việc hô hào người tiêu dùng phải “thông thái” rất khó bởi bản thân họ không có đủ kiến thức cũng như phương tiện kiểm tra, xét nghiệm để tự bảo vệ mình. Họ chỉ biết trông chờ vào cơ quan chức năng và đạo đức kinh doanh của người bán hàng.

Để bảo vệ người tiêu dùng trong nước, các hàng rào kỹ thuật của các bộ ban ngành đều được đưa ra. Nhưng theo đánh giá của các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu dễ dàng... vượt rào.

Điều này còn chưa tính đến năng lực giám sát của cơ quan chức năng khi hàng nhập lậu, không hề được kiểm định chất lượng “thẩm thấu”... hàng chục container vào thị trường nội địa. Sự lỏng lẻo ngay từ khâu “gác cổng” khiến người tiêu dùng khủng hoảng niềm tin.

Xét về tổng quan đối với hàng hóa nhập khẩu, ta chỉ nhập khẩu những mặt hàng không thể sản xuất hoặc không thể cạnh tranh. Thực tế hiện nay từ que tăm, đôi đũa cho đến nông sản đơn thuần như cải bắp, hành tây, cà rốt... chúng ta cũng nhập khẩu với số lượng lớn.

Người tiêu dùng hoang mang, nông dân và doanh nghiệp khóc ròng khi chúng ta liên tiếp thua tại sân nhà đối với sản phẩm được xem là chủ lực, lợi thế của mình.

Để người tiêu dùng yên tâm mua sắm, ngoài việc cơ quan chức năng “gác cổng” thật tốt thì việc nâng cao “nội lực”, cụ thể là năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước cũng cần được triển khai mạnh mẽ.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt có những tín hiệu rất tích cực, các sản phẩm hàng VN chất lượng cao được tin dùng.

Nhưng một thực tế trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, chúng tôi nhận được rất nhiều phản ảnh về việc những sản phẩm gắn mác hàng Việt nhưng thực chất là hàng đội lốt, kém chất lượng.

Nếu cơ quan chức năng không có các biện pháp quản lý, chế tài mạnh, xử lý triệt để, đây sẽ là một cú ngáng chân hàng Việt ngay trên sân nhà.

Người tiêu dùng VN không được bảo vệ

Ngày 17-9, tại diễn đàn “Nâng cao lòng tin người tiêu dùng và uy tín doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thị trường nội địa”, TS Đinh Thị Mỹ Loan - chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN - nêu thực trạng hiếm ngày nào mà trên phương tiện thông tin đại chúng lại không có vụ việc về doanh nghiệp làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Theo bà Loan, có siêu thị bán lẻ hiện đại nhưng vẫn bán hàng quá hạn sử dụng... Người tiêu dùng bị coi thường, nhưng nếu khiếu nại hoặc dùng công cụ pháp lý, người tiêu dùng lại bị cản trở nên thường họ chỉ im lặng...

Đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên - môi trường cho biết đang dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững, theo đó sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm sinh thái, tăng cung cấp thông tin cho người tiêu dùng bằng các biện pháp kiểm tra khách quan sản phẩm, dán nhãn sinh thái...

C.V.KÌNH

Quản lý thị trường vào cuộc

Trao đổi với Tuổi Trẻ về hiện tượng nhiều loại hoa quả nhập từ Trung Quốc về VN nhưng dán mác ngoại hoặc tráo nguồn gốc xuất xứ, ông Trịnh Văn Ngọc - cục phó phụ trách Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công thương - cho biết đây là hành vi giả mạo nguồn gốc xuất xứ. Cục QLTT đã nắm được tình trạng này, thậm chí nhiều loại hoa quả Trung Quốc ngay tại các cảng hàng không cũng dán nhãn hàng đặc sản VN để bán, nên từ giữa tháng 8-2014 đã có văn bản chỉ đạo. Theo đó, các chi cục QLTT được yêu cầu tiến hành kiểm tra, đối chiếu hóa đơn, chứng từ để xác minh hàng hóa, nguồn gốc và đặc biệt lưu ý hàng giả mạo nguồn gốc để bán hàng lậu.

Trong trường hợp phát hiện nghi vấn, các chi cục QLTT báo cáo Cục QLTT để phối hợp, truy xuất đến đối tượng đầu tiên cung cấp hàng hóa. Chậm nhất đến ngày 30-9, các chi cục sẽ báo cáo tình hình về Cục QLTT.

C.V.K.

 

Ông NGÔ BÁCH PHONG (chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM) - LÊ SƠN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên