27/07/2010 08:05 GMT+7

Hàng ngàn hộ dân không chịu đóng tiền rác

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Trong quá trình ký lại hợp đồng thu gom rác, người dân ở khu vực các quận 1, 3, 6, Tân Bình... (TP.HCM) bất ngờ khi thấy mình nằm trong danh sách phải đóng tiền rác tăng gấp 3-5 lần so với giá cũ.

Và hàng ngàn hộ dân không đồng ý ký lại hợp đồng, không đóng tiền rác vì cho rằng mức thu không hợp lý.

4zUjMsBh.jpgPhóng to
Nhiều trường hợp không đồng ý ký lại hợp đồng thu gom rác nhưng các đơn vị chức năng vẫn phải dọn rác mỗi ngày để đảm bảo vệ sinh, mỹ quan đô thị - Ảnh: Q.K.

Việc nhiều hộ dân không ký lại hợp đồng đóng tiền rác khiến các đơn vị thu gom rác mất nguồn thu khá lớn nhưng vẫn phải thu gom rác vì nếu không sẽ ô nhiễm môi trường.

Phí chưa hợp lý

Theo văn bản của Sở Tài nguyên - môi trường và Sở Tài chính TP hướng dẫn thực hiện quyết định 88 của UBND TP.HCM, bất kể tổ chức, cá nhân kinh doanh (có hoặc không có đăng ký kinh doanh) có khối lượng rác thải phát sinh dưới 250kg/tháng đều phải đóng phí 60.000 đồng/tháng. Theo đó, dù hộ thải ra 1kg rác/tháng hay 249kg rác/tháng nhưng thuộc diện kinh doanh đều phải đóng phí như nhau.

Nhiều hộ kinh doanh cho rằng quy định như vậy là không hợp lý nên không ký lại hợp đồng theo quy định. Nhiều người nói cơ sở kinh doanh của họ chỉ là văn phòng công ty, bán mỹ phẩm, kinh doanh vàng bạc nên thải lượng rác hằng tháng không nhiều, trong khi hợp đồng mới đẩy tiền rác của họ tăng 300% so với trước đó.

Anh Hồ Ngọc Tâm (đường Hồng Lạc, P.10, Q.Tân Bình) kể anh mở đại lý kinh doanh nước uống đóng chai (loại 20 lít) và rác thải như bao nilông, nắp vỏ chai nhựa đều được gom để bán ve chai nên lượng rác phát sinh hầu như không có. “Việc ép tôi vô hộ kinh doanh để tăng tiền rác gấp ba lần như trước là bất hợp lý. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền thu gom rác cao hơn nếu hợp lý” - anh Tâm nói.

Hiện chưa có con số thống kê chính thức nhưng theo bốn đơn vị thu gom rác trên địa bàn các quận 1, 3, 6 và Tân Bình, đã có hàng ngàn trường hợp không đồng ý ký lại hợp đồng thu gom rác và đây cũng là tình trạng chung của cả TP.

Ông Võ Văn Dũng, trưởng phòng môi trường Công ty Dịch vụ giao thông đô thị Tân Bình, cho biết sau khi quyết định 88 có hiệu lực, công ty thống kê có khoảng 6.500 hộ dân thuộc đối tượng nhóm 2 và nhóm 3 phải ký lại hợp đồng thu gom rác. Tuy nhiên qua nhiều đợt vận động, nhờ cả chính quyền địa phương hỗ trợ nhưng đến nay vẫn còn hơn 1/2 số hộ không đồng ý ký lại hợp đồng. Trong đó, hàng trăm trường hợp ghi ý kiến vào hợp đồng rằng mức thu không hợp lý.

Tại Q.1, Công ty Công trình công cộng quận cho biết chỉ có 2.800/6.780 hộ đồng ý ký lại hợp đồng mới. Tại Q.3, ngoài 1.000 hộ không ký lại hợp đồng, có 400 hộ ký hợp đồng nhưng không chịu trả tiền rác! Tại Q.Gò Vấp, hiện chưa đến 10% trong tổng số hơn 1.000 trường hợp kinh doanh ở Gò Vấp đồng ý ký lại hợp đồng...

Phải điều chỉnh mức thu

Không riêng gì các hộ dân, ngay cả các công ty thu gom rác cũng cho rằng cần điều chỉnh mức phí thu gom rác. Nhiều ý kiến đề nghị phải có mức thu tương ứng tùy theo ngành nghề và số lượng rác phát sinh của từng hộ kinh doanh, chứ không thể cứ ai kinh doanh (thải ra dưới 250kg rác/tháng) là thu 60.000 đồng. Các nhóm đối tượng khác cũng nên điều chỉnh mức thu tương ứng mới công bằng, hợp lý.

Ngoài mức thu phí không hợp lý, ông Trần Thanh Tâm, trưởng phòng kế hoạch Công ty Dịch vụ công ích Q.3, còn cho biết đã phát hiện trường hợp “phí chồng phí” mà chưa biết phải xử lý thế nào.

Cụ thể, các tiệm thuốc tây, phòng mạch tư theo quy định phải ký hợp đồng với các đơn vị thu gom rác thải y tế, nhưng theo quyết định 88 thì đây là những trường hợp kinh doanh phải ký hợp đồng thu gom rác theo đối tượng kinh doanh. Như vậy những đối tượng này bị thu phí rác đến hai lần.

4 nhóm đóng phí gom rác

Theo quyết định 88 của UBND TP.HCM (có hiệu lực cuối năm 2008), có bốn nhóm đối tượng phải đóng phí vệ sinh và phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn thông thường.

Cụ thể, nhóm hộ dân (nội thành) mặt tiền đường đóng 20.000 đồng/hộ/tháng, trong hẻm 15.000 đồng/hộ/tháng (nhóm 1). Các quán ăn, uống, cơ sở thương nghiệp, trường học, thư viện, cơ quan hành chính sự nghiệp có số lượng rác dưới 250kg/tháng, đóng 60.000 đồng/cơ sở/tháng (nhóm 2).

Cũng là đối tượng trên nhưng có số lượng rác phát sinh trên 250-420kg/cơ sở/tháng, đóng 110.000 đồng/cơ sở/tháng (nhóm 3). Còn nhà hàng, khách sạn, chợ, siêu thị... đóng 176.800 đồng/m3/tháng (nhóm 4).

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên