30/07/2011 16:44 GMT+7

Hàng ngàn điểm 0 có bình thường?

NGUYỄN HÒA
NGUYỄN HÒA

TTO - Trước loạt bài phản ánh về kết quả thi môn sử của kỳ thi tuyển sinh ĐH vừa qua "thấp không ngờ”, nhiều người đã lặng lẽ theo dõi xem cơ quan bộ, ngành có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể này sẽ tiếp thu và ứng xử như thế nào.

Điểm thi lịch sử thấp không ngờ: Nhiều hệ lụy dây chuyền“Hàng ngàn điểm 0 là bình thường”

T9lu8b06.jpgPhóng to

Thí sinh dự thi khối C vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) trong kỳ tuyển sinh năm 2011 - Ảnh: Như Hùng

Nào ngờ khi đọc bài “Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: hàng ngàn điểm 0 là bình thường” (Tuổi Trẻ ngày 30-7), người viết không thể hiểu nổi và càng không thể lý giải được vì sao lại có cách lý giải “bình thản” và đánh giá lạnh lùng đến như vậy.

Báo động từ rất lâu

Có lẽ không nói ra thì ai cũng biết chất lượng dạy và học môn sử trong nhà trường đã được dư luận xã hội, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa và cả cơ quan quản lý báo động từ rất lâu. Nói chính xác là cách đây gần 20 năm thông qua kết quả điều tra xã hội học, kết quả kỳ thi đại học - cao đẳng. Tuy nhiên dường như có một sự thật phũ phàng là dư luận báo chí càng báo động, giới nghiên cứu càng bày tỏ quan ngại thì thực trạng đau lòng đó càng bị khoét sâu, và nói theo cách của PGS.TS Võ Văn Sen, hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, thì đấy là một “sự thật khủng khiếp”.

Và như một cỗ xe xuống dốc không phanh, kết quả thi môn lịch sử của kỳ thi đại học vừa qua lại dấy lên gấp bội về sự quan ngại sâu sắc trong xã hội. Ấy thế mà, trước tình trạng không thể không lo lắng đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận lại đưa ra đánh giá không thể lý giải được: “Theo tôi, trong kỳ thi đại học vừa qua, có hàng ngàn điểm 0 (môn sử - NV) là bình thường”.

Tin chắc rằng sẽ có rất nhiều người không hiểu, có hàng ngàn điểm 0 môn lịch sử là bình thường ở chỗ nào nữa. Còn nhớ cách đây gần 20 năm trong một cuộc điều tra ở một địa phương lớn thì trong số 1.800 thanh niên được hỏi có 39% không biết Hùng Vương là ai, 65% không biết về Trương Định, 49% nói sai về Trần Quốc Toản. 54% trong số 468 sinh viên của 9 trường đại học không biết gì về Lương Thế Vinh, 83% không biết gì về lai lịch tên đường phố mà họ đang sống. Trong khi đó, 86% lại biết rất rõ về Maradona, 85% biết rõ về Michael Jachson…

Cũng vào thời gian đó, trong cuộc thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống do Sở GD-ĐT Hà Nội và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức, nhiều học sinh thảo luận sổi nổi xem Lý Thường Kiệt có phải là một trong 8 thanh niên yêu nước họ Lý được Bác Hồ tập hợp đào tạo ở Quảng Châu! Chẳng lẽ những thông tin hoàn toàn nghiêm túc trên cũng là bình thường sao?

Không thể trì hoãn thêm

Gần đây hơn một chút, trong các kỳ thi đại học năm 2007, 2008 dư luận báo chí lại một lần nữa đưa ra những cảnh báo, đồng thời mổ xẻ nguyên nhân điểm thi môn lịch sử thấp nhất trong thập kỷ qua. Kèm theo đó còn trưng ra nhiều bài thi có nội dung ngô nghê, nhầm lẫn một cách kỳ lạ mà ở đây không nhất thiết phải nêu ra nữa. Bởi càng trích dẫn những bài thi đó lại càng thấy buồn thêm mà thôi.

Không thể trì hoãn thêm được và nhận thấy mình cũng là người trong cuộc về vấn đề nhức nhối này, tháng 3-2008, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Bộ GD-ĐT, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) và Trường ĐH Hồng Bàng TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Thực trạng việc dạy và học lịch sử trong nhà trường phổ thông: nguyên nhân và giải pháp”, nhằm “bắt bệnh” cho được căn bệnh trầm kha đang gặm nhấm dần ở nhiều trường phổ thông.

Rất đáng tiếc, tại cuộc hội thảo quan trọng và lần đầu tiên bàn về vấn đề dạy, học môn sử trong nhà trường phổ thông này lại không có sự tham gia của đại diện Bộ GD-ĐT. Đây mới là điều bình thường!?

Mặc dù tuổi đã cao và không đến dự được nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, vẫn gửi một bức thư đầy tâm huyết đến hội thảo. Bức thư có đoạn viết: “Tôi đã nhiều lần phát biểu sử học là một ngành khoa học rất quan trọng trong nền khoa học xã hội và nhân văn, và môn lịch sử là một trong những môn học cơ bản trong hệ thống giáo dục phổ thông. Lịch sử không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc dân tộc…”.

Cạnh đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bày tỏ sự lo lắng: “Thế mà kết quả học tập môn lịch sử trong nhà trưởng phổ thông đang xuống cấp một cách rất đáng lo ngại, thể hiện trong điểm thi tú tài, thi tuyển sinh vào đại học và cao đẳng cũng như phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt trong mùa thi năm 2007, điểm thi môn lịch sử là thấp nhất và số điểm dưới trung bình cũng như điểm 0/10 là cao nhất so với tất cả các môn thi khác. Phải coi đấy là dấu hiệu của “báo động đỏ” và cứ trượt dốc theo đà này thì chúng ta chưa thể lường hết những hậu quả đối với nhiệm vụ giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ”.

Trong bài phát biểu đề dẫn hội thảo, sau khi nêu ra “những con số gây lo âu cho cả xã hội”, GS.NGND Phan Huy Lê, chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, đã đưa ra nhận định: nếu không sớm cải cách môn lịch sử cấp phổ thông, khắc phục tình trạng sa sút đến mức báo động như hiện nay thì sẽ tạo ra những hẫng hụt trong kiến thức về lịch sử Việt Nam và thế giới, để lại những hệ quả rất đáng lo ngại trong kế thừa các giá trị di sản lịch sử và văn hóa dân tộc, trong giữ gìn bản sắc dân tộc, trong định hướng phát triển nhân cách, bản lĩnh con người Việt Nam, nhất là khi giao lưu và đối thoại với các nền văn minh, văn hóa thế giới.

“Chỉ có đứng vững trên nền tảng hiểu biết cần thiết về đất nước, lịch sử và văn hóa Việt Nam cùng với những giá trị lịch sử, văn hóa mà các thế hệ tổ tiên để lại, thế hệ trẻ mới phát huy hết năng lực sáng tạo của tuổi trẻ, ý thức sâu sắc trách nhiệm góp phần xây dựng đất nước, tiếp nhận những thành tựu văn minh, khoa học, công nghệ thế giới và giữ gìn bản sắc dân tộc”, GS Phan Huy Lê nhìn nhận.

Không biết bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ nghĩ gì về những ý kiến vừa đề cập ở trên, và liệu có ý định rút lại cách đánh giá của mình hay không?

Bàng hoàng và thất vọng!

Sau cuộc hội thảo này, theo lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã có văn bản kiến nghị về việc dạy và học lịch sử trong trường phổ thông gửi Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ GD-ĐT, trong đó nhấn mạnh đến 5 điểm: Trước hết cần có nhận thức đầy đủ và đặt đúng vị trí của môn lịch sử trong chương trình giáo dục là môn học cơ bản và môn thi bắt buộc trong các kỳ thi hết cấp cũng như thi tốt nghiệp phổ thông; Cần thành lập hội đồng biên soạn chương trình môn lịch sử; Trên cơ sở chương trình mới, tổ chức lại việc biên soạn sách giáo khoa theo đúng tinh thần tinh giản, chọn lọc…; Giáo viên là lực lượng quyết định kết quả và dạy học.

Cuối cùng, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẵn sàng đảm nhiệm tổ chức phản biện góp ý về chương trình, về sách giáo khoa lịch sử trong các trường phổ thông, thứ nữa sẽ tổ chức biên soạn cuốn Lịch sử nước nhà (sơ giản) nhằm phổ biến rộng rãi trong nhân dân.

Những kiến nghị này chưa được bộ, ngành tiếp thu chỉnh lý. Không những vậy, năm 2009 Bộ GD-ĐT “đáp từ” một trong những kiến nghị của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam bằng cách: kỳ thi tốt nghiệp năm đó không có môn lịch sử. Lúc đó, nói với chúng tôi về quyết định này, GS Đinh Xuân Lâm phải thốt lên: “Tôi bàng hoàng và thất vọng”.

Có lẽ vì chưa kịp nghiên cứu, xem xét những kiến nghị trên của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nên hàng ngàn điểm 0 môn sử là bình thường chăng? Nếu quả đúng như thế thì chẳng có gì phải bàn nữa, và cứ để điều bình thường này diễn ra trong những năm tiếp theo để rồi chúng ta phải nhận lấy những hậu quả đối với nhiệm vụ giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp cảnh báo.

NGUYỄN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên