29/07/2011 08:08 GMT+7

Điểm thi lịch sử thấp không ngờ: Nhiều hệ lụy dây chuyền

Giáo viên TRẦN ĐÌNH BA
Giáo viên TRẦN ĐÌNH BA

TT - Những người chọn lịch sử, yêu thích và giỏi lịch sử đang ngày càng ít dần sẽ gây ra nhiều tác hại khó lường.

Ông Trần Đình Ba, một giáo viên dạy sử tại TP.HCM, cho rằng vài năm gần đây số lượng thí sinh dự thi khối C ngày càng ít, nhất là học sinh khá giỏi. Như thế cơ hội để các trường ĐH đào tạo ngành sư phạm lịch sử chọn được người giỏi ngày càng ít và sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến thế hệ tiếp theo.

4mW7iZsm.jpgPhóng to
Nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM dự thi vào khối C các trường ĐH tại TP.HCM xem điểm thi trên mạng ngày 26-7 - Ảnh: Như Hùng

Vòng luẩn quẩn

Theo ông Ba, đầu ra sinh viên sư phạm không tốt, dạy không hay, không giỏi, học sinh sẽ càng chán, càng làm môn sử đi thụt lùi. Ông Ba lo ngại môn sử bị xã hội quay lưng sẽ để lại nhiều hậu quả. Lịch sử dân tộc bị khuyết trong phần lớn giới trẻ sẽ khiến lòng tự hào dân tộc bị mai một, ý thức văn hóa lịch sử giảm, văn hóa dân tộc đi xuống khi văn hóa ngoại lai ngày càng ảnh hưởng.

"Lịch sử dân tộc bị khuyết trong phần lớn giới trẻ sẽ khiến lòng tự hào dân tộc bị mai một, ý thức văn hóa lịch sử giảm, văn hóa dân tộc đi xuống khi văn hóa ngoại lai ngày càng ảnh hưởng"

Tốt nghiệp Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) năm 2005 và phải mất một năm sau ông Ba mới có thể tìm việc đúng chuyên ngành ở một trường tư thục tại TP.HCM. Đi dạy nhiều năm, ông Ba kết luận: “Chương trình môn sử khô khan, nặng sự kiện, không khuyến khích học sinh tư duy. Lịch sử không chỉ có chiến tranh mà còn có văn hóa, xã hội nhưng những nội dung này hầu như không có trong chương trình khiến học sinh chán học sử”.

TS Nguyễn Đức Hòa, trưởng bộ môn lịch sử Trường ĐH Sài Gòn, lo lắng: “Với thực trạng xã hội, thí sinh, phụ huynh và trường THPT không chú trọng môn sử, tình hình dạy và học sử sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn mà chất lượng dạy và học sẽ ngày càng giảm.

Mục tiêu giáo dục bao gồm cung cấp kiến thức, giáo dục nhân cách, lòng yêu nước và rèn luyện, phát triển tư duy cho học sinh. Trong đó môn sử đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc nhưng lại đang bị xem nhẹ ở trường phổ thông”.

Trong khi đó cô Bùi My Thúy - giáo viên môn sử Trường THPT Gia Định, TP.HCM - nhận định cơ chế xã hội như bây giờ đã gây ra tình trạng đa số học sinh thông minh, giỏi giang không chọn thi khối C. Cô Thúy dẫn chứng: “Như ở Trường Gia Định năm nay có 1.035 học sinh nhưng chỉ có một học sinh thi khối C. Tôi đã dạy đội tuyển học sinh giỏi môn sử của TP.HCM mười năm nay nhưng chỉ có hai em chọn thi vào sư phạm lịch sử”.

Níu kéo học sinh

Hơn 30 năm đứng lớp, cô Chu Thị Bích Ngà - nguyên tổ trưởng tổ sử Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM - cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến việc giảng dạy môn sử không đạt chất lượng như ý: đời sống giáo viên khó khăn, thái độ thờ ơ của học sinh, chương trình quá tải, nặng nề. Chính những nguyên nhân trên dẫn đến vòng luẩn quẩn: “Ít học sinh chọn theo học ngành sử, mà một số người có theo học cũng không thể dành hết tâm huyết do cuộc sống chật vật, tiết dạy sử kém chất lượng, học sinh chán học, điểm thi thấp...”.

Không ít giáo viên trước khi lên lớp đều cố gắng chuẩn bị những gì tốt nhất, hay nhất nhằm làm tiết giảng của mình thêm sinh động, có thể hấp dẫn học trò. Thế nhưng những nỗ lực ấy của giáo viên chỉ mang tính chất đối phó trước thực trạng môn sử bị ghẻ lạnh. Thêm vào đó, nỗ lực cũng chỉ có giới hạn khi thu nhập của giáo viên các môn xã hội, nhất là sử, đôi khi không đủ lo toan cho cuộc sống.

Cô T. - giáo viên sử một trường THPT tại Q.Tân Phú, TP.HCM - chia sẻ: “Năm học vừa rồi tôi dạy 16 lớp của hai khối 11 và 12. 6g30 đã đến trường, 18g mới về tới nhà. Rồi còn phải soạn giáo án, soạn bài giảng điện tử, chấm bài, họp tổ, họp nhóm, làm sổ điểm, sổ báo giảng, làm công tác chủ nhiệm, rồi thanh tra, kiểm tra... khiến giáo viên quay như chong chóng.

Ra trường được tám năm, vào biên chế được bốn năm và lương cơ bản hiện nay là 2.350.000 đồng/tháng. Nếu tăng tiết thì có thêm vài trăm ngàn đồng. Như thế làm sao đủ trang trải trong điều kiện vật giá tăng cao như hiện nay”.

Theo TS Hòa, đời sống giáo viên môn sử khá thấp so với các môn khác, thậm chí bị phân biệt đối xử ngay trong chính trường THPT. Do đó ngoài giờ dạy, giáo viên có thể làm các công việc khác lo toan cho cuộc sống, thời gian đâu để đầu tư nâng cao chất lượng bài giảng. Kết quả là cả thầy và trò đều chấp nhận dạy - học để đối phó.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, khẳng định: “Đời sống giáo viên môn sử đúng là có khó khăn hơn những môn như toán, lý, hóa vì các thầy cô ít có cơ hội dạy thêm ở trung tâm luyện thi. Trước đây các thầy cô còn có khoản tiền chấm bài, nhưng vài năm gần đây Bộ GD-ĐT quy định cắt khoản tiền này khiến đời sống giáo viên mà xã hội đánh giá là môn phụ khó khăn càng khó khăn hơn”.

Giáo viên TRẦN ĐÌNH BA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên