Thanh Chương hạnh phúc trong vòng tay của người thân và bạn bè - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Không chỉ là thí sinh thứ 3 giành chức vô địch của chương trình khi chưa thật sự nhập học lớp 12 (trước đó, Lương Phương Thảo - vô địch năm 3; Lê Vũ Hoàng - vô địch năm 6 đều thắng cuộc chung kết năm khi chưa chính thức bước vào lớp 12), trận chung kết thứ 16 của “Đường lên đỉnh Olympia” còn thiết lập hàng loạt kỷ lục cho riêng mình.
Với 110 điểm ghi được trong phần Khởi động trận chung kết năm 16, Hồ Đắc Thanh Chương là nhà vô địch Olympia với số điểm khởi động cao nhất.
Không những thế, con số 340 điểm cũng giúp Chương vượt qua Huỳnh Anh Vũ (THPT Tăng Bạt Hổ, Bình Định - vô địch năm 8) để trở thành nhà vô địch có tổng số điểm cao nhất sau 4 vòng thi trong trận chung kết.
Bên cạnh đó, trường THPT chuyên Quốc học Huế cũng đã trở thành trường có thành tích “khủng” nhất trong Olympia khi 5 lần có thí sinh tham gia thi chung kết (các năm 5, 8, 9, 11, 16) và hai lần có học sinh bước lên vị trí quán quân của chương trình (Hồ Ngọc Hân, vô địch năm 9; và Hồ Đắc Thanh Chương, vô địch năm 16).
Trần Ngọc chính là MC “mát tay” nhất khi 3 điểm cầu truyền hình anh tham gia làm MC trong chung kết Olympia đều là 3 trường có học sinh giành chức vô địch (THPT chuyên Bắc Giang - năm 13; THPT chuyên Tiền Giang - năm 14; THPT Thị xã Quảng Trị - năm 15).
Thế nhưng, sự “mát tay” của anh đã tạm thời không còn khi điểm cầu THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) không phải là trường có học sinh giành vị trí quán quân Olympia năm thứ 16.
Tính đến chung kết Olympia năm 16, đã có 32/63 tỉnh thành có học sinh được lọt vào chung kết của cuộc thi kiến thức hấp dẫn này và điều đặc biệt là gần như chung kết năm nào cũng sẽ có ít nhất 1 tỉnh/thành mới gia nhập vào danh sách các địa phương có cầu truyền hình chung kết Olympia.
Chiếc vòng nguyệt quế của chung kết Olympia năm 16 cũng tạo kỷ lục: lần đầu tiên, vòng nguyệt quế cho nhà vô địch được chương trình đặt một thợ thủ công từ Mỹ làm bằng tay và chuyển về Việt Nam.
Các thí sinh tham gia Olympia năm thứ 17 sẽ có người đồng hành mới, đó là BTV Diệp Chi. Và đây là MC thứ 3 của chương trình có tên là Chi (cùng với Tùng Chi, Khánh Chi) - nhiều hơn bất cứ cái tên nào khác trong số các MC đã từng tham gia dẫn chương trình này.
Còn với riêng Olympia, sân chơi trí tuệ được yêu thích của học sinh THPT trên cả nước, đây vẫn là chương trình truyền hình thuần Việt đầy tự hào của truyền hình Việt Nam, và là chương trình trò chơi truyền hình có tuổi thọ cao nhất Việt Nam hiện nay (phát sóng từ tháng 3-1999) và sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận