Một nhóm bốn bạn nữ cùng uống nước dừa trên đường Công Xã Paris, Q.1, TP.HCM trưa 21-3 do thời tiết quá nóng - Ảnh: Quang Định |
Trong khi nhà cung cấp khẳng định giá chỉ tăng nhẹ, nguồn cung dồi dào thì không ít điểm bán lợi dụng để “móc túi” người tiêu dùng.
Trái cây giải nhiệt đắt khách
Chị Phương, tiểu thương bán trái cây trên đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp, TP.HCM), cho biết gần một tuần nay lượng cam bán ra tăng vọt, rất hút khách.
“Cam chở về tôi phân loại theo kích cỡ, giá từ 8.000-35.000 đồng/kg, người nào cũng mua vài ba ký về sử dụng dần, chủ yếu vắt lấy nước” - chị Phương cho biết.
Theo chị Trúc, khách hàng ở đây, giá này đã tăng gần 30% so với thời điểm sau tết. Trung bình mỗi tuần nhà chị Trúc sử dụng hết 3kg nhưng cả tuần nay lượng tăng gấp đôi. “Thời tiết nắng nóng, không gì giải nhiệt tốt bằng nước cam” - vừa chọn cam chị Trúc cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch HĐQT Công ty xuất khẩu trái cây An Phú A.P.P (Q.12, TP.HCM), chỉ cách hơn một tuần nhưng giá dừa tươi được các vựa tại ĐBSCL bán ra tăng 25.000-35.000 đồng/chục, như dừa xiêm xanh loại đạt chuẩn từ 75.000 đồng/chục 10 trái tăng lên 110.000 đồng, dừa xiêm đỏ từ 70.000-80.000 đồng/chục lên hơn 100.000 đồng/chục. Tuy vậy, so với thời điểm này năm ngoái, giá dừa tươi hiện vẫn còn thấp hơn chút ít.
Không nên uống nhiều đường, đá lạnh Theo bà Trần Thị Minh Hạnh - phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, để giải nhiệt mùa nóng không nên uống nước ngọt, nước đá lạnh vì lượng đường nhiều sẽ làm cơ thể nóng lên, nước lạnh sẽ làm mạch máu co lại không thải nhiệt. Thay vào đó, để giải nhiệt ta cần uống nhiều nước lọc hơn, trung bình mỗi người có thể uống 1,5-2 lít nước/ngày. Ngoài ra, chúng ta có thể giải nhiệt bằng cách uống nước nấu từ cây, củ (nước mát), nhưng tốt nhất nên tự nấu để chủ động được nguyên liệu phù hợp, không sử dụng nhiều đường khi nấu nước mát vì đường sẽ làm cơ thể nóng lên thay vì giải nhiệt. Ta có thể nấu nước mát từ rễ tranh, mía lau để nước có vị ngọt tự nhiên. Ăn canh rau mùa nóng cũng giúp giải nhiệt tốt, nước canh rau sẽ bù lượng nước mất đi qua đường mồ hôi. |
“Ngoài nhu cầu dùng để giải nhiệt do thời tiết trong nước đang bắt đầu nắng nóng lên, từ đầu năm đến nay nhiều đơn vị đã mua dừa tươi nguyên trái đóng thùng xuất qua Hàn Quốc, Trung Quốc khiến lượng dừa thiếu hụt, đẩy giá lên. Khả năng trong thời gian tới giá dừa tươi sẽ tiếp tục tăng” - ông Thành dự đoán.
Cũng theo ông Thành, ngoài dừa thì chanh tươi hiện cũng tăng liên tục với giá chanh núm loại một mua tại vựa hơn 24.000 đồng/kg, tăng gấp ba lần so với cách đây hai tháng.
Tại các điểm bán sỉ và lẻ dừa tươi cũng được bán ra ở mức cao.
Theo chủ một vựa chuyên cung cấp sỉ dừa tươi tại chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), hiện giá dừa tươi được vựa bán ra từ 100.000 đồng/chục dừa nhỏ và 130.000-140.000 đồng/chục dừa to, tăng 25.000-30.000 đồng/chục so với cách đây 10 ngày nhưng nhiều lúc khan dừa không đủ hàng bán.
Tại vựa này, dừa tươi chủ yếu có hai loại là dừa xiêm xanh và đỏ, dù lượng dừa trên 600 trái đổ xòa ra thành đống và một số được gọt vỏ cho vào sọt, nhưng người bán cho biết tất cả đã có người đặt mua.
Rau củ giải nhiệt cũng “sốt”
Tại quán sâm trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.1), dù không gian quán chỉ hơn 10m2, dưới cái nắng chói chang ban trưa nhưng hàng chục khách hàng vẫn nhẫn nại chờ đến lượt mua nước mát, giải nhiệt.
Ước tính chỉ trong hơn 15 phút buổi trưa nhưng cửa hàng này đón đến 30-40 lượt khách hàng, nên dù quán rất đông nhân viên nhưng ai cũng chạy đôn chạy đáo để khách không phải đợi quá lâu.
Đại diện cửa hàng này cho biết hơn nửa tháng qua lượng khách đến quán rất đông, gấp ba bốn lần thời điểm tiết trời se lạnh trước tết, người mua một ngày đếm không xuể, do khách hàng chỉ ngồi trên xe mua rồi mang đi nên không cần nhiều mặt bằng nhưng vẫn bán được số lượng lớn.
Tuy vậy, giá bán vẫn không thay đổi so với thời điểm vắng khách với nước mát các loại như nước đắng, rong biển, nha đam, nước mát hoa cúc... giá 7.000 đồng/ly và 14.000 đồng/chai.
Cầm ba ly nước mát trên tay, anh Nguyễn Xuân Được, khách ở đây, cho biết gần một tháng nay khi trời Sài Gòn bắt đầu nắng nóng, anh đã là khách hàng thân thiết của quán này. “Sáng một ly đi làm, chiều tối ba ly về cho vợ và con, uống riết rồi quen, quên luôn nước ngọt đóng chai” - anh Được nói.
Dọc các cung đường TP.HCM hiện nay rất nhiều cửa hàng, thậm chí xe đẩy bán nước mát giải nhiệt mọc lên khá nhiều, khách dừng lại uống khá nhộn nhịp.
Tại khu vực chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), không khó để tìm thấy những chỗ bán nước mát. Không chỉ quán nước vỉa hè, nước mát giải nhiệt còn len lỏi vào các quán cà phê. Trước đây quán chỉ bán phở, bún nhưng hơn một tháng nay chị Đỗ Thị Thanh - chủ quán phở, bún (đường Vũ Tùng, Q.Bình Thạnh) này - đã bán thêm nước mát với rong biển, chanh dây, nha đam và nước sâm giá 7.000-9.000 đồng/chai.
Chị Thanh cho biết nước nhà tự nấu đóng chai bỏ thùng đá bán cho người đi đường và người ăn bún phở, hiện trung bình mỗi ngày quán bán ra 60-70 chai và bỏ sỉ cho các tiệm tạp hóa. Tuy vậy, theo chị Thanh, ngoài nha đam, rong biển là những loại thường dùng để nấu thì “công thức” nước mát nhiều vô kể, nhiều người còn dùng mía, cây mã đề... để nấu bán nhưng không phải nấu cái gì uống cũng giải nhiệt được.
Chọn mua cam về uống giải nhiệt trên đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp, TP.HCM tối 21-3 - Ảnh: Quang Định |
Đại diện hệ thống siêu thị
Lotte Mart cũng cho biết từ đầu tháng 3 đến nay, sức mua các mặt hàng rau củ quả có chiều hướng tăng, đặc biệt là khổ qua và bí chiếm ưu thế.
Theo ông Võ Thành Dương - phó chủ nhiệm HTX rau an toàn Phước An (Bình Chánh, TP.HCM), hiện các loại rau giúp giải nhiệt như khổ qua và bồ ngót đang được thị trường tiêu thụ rất mạnh, mỗi ngày HTX cho ra hơn 130kg khổ qua và gần 230kg rau ngót, tăng gần 30% so với trước đó 10 ngày, nhưng giá chỉ tăng nhẹ ở mức khoảng 13.000 đồng/kg.
Ngoài ra, mỗi ngày HTX cũng cho ra thị trường 200-250kg cây, củ dùng để nấu nước mát, tăng gần gấp đôi thời điểm trước tết. Hiện cây, củ để nấu nước mát được HTX bán ra với giá 6.000 đồng/bịch nửa ký với 6-7 chủng loại như rễ cỏ tranh, mía lau, mã đề, lẻ bạn...
Dù khẳng định các loại cây HTX bán ra là cây được nhiều tài liệu nghiên cứu và đánh giá có tính năng giải nhiệt, tốt cho sức khỏe, nhưng ông Dương cũng thừa nhận không có một giấy chứng nhận hoặc nghiên cứu riêng cho các chủng loại nấu nước để uống giải nhiệt được HTX bán ra thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận