16/04/2018 12:45 GMT+7

Hàn Quốc thả máy bay không người lái ‘bắt tận tay’ nhà máy thải khí độc

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Ô nhiễm không khí do khí thải độc hại từ các nhà máy công nghiệp đang là vấn đề nhức nhối tại Hàn Quốc. Và chính quyền nước này đang đẩy mạnh các biện pháp xử lý.

Hàn Quốc thả máy bay không người lái ‘bắt tận tay’ nhà máy thải khí độc - Ảnh 1.

Ông Shin Geon Il (trái), trưởng bộ phận Quản lý chất lượng không khí của Bộ Môi trường Hàn Quốc, thông báo về kế hoạch sử dụng UAV để phát hiện các nhà máy thải khí trái quy định ở Seoul hôm 10-4 - Ảnh: BỘ MÔI TRƯỜNG HÀN QUỐC

Báo Korea Times (Hàn Quốc) ngày 16-4 đưa tin chính phủ Hàn Quốc sẽ đưa vào sử dụng máy bay không người lái (UAV) để dò tìm và xử lý những nhà máy thải khí độc ra môi trường mà không qua xử lý tại thủ đô Seoul và tỉnh Gyeonggi (tỉnh đông dân nhất Hàn Quốc nằm ở ngoại ô quanh Seoul).

"Chúng tôi từng triển khai nhân viên trên mặt đất để kiểm tra các hành vi xả thải phi pháp ở các nhà máy. Tuy nhiên, họ mất khá nhiều thời gian mà hiệu quả đem lại chẳng được mấy" - ông Shin Geon Il, trưởng bộ phận Quản lý chất lượng không khí của Bộ Môi trường Hàn Quốc, cho biết.

Ông Shin hy vọng với việc sử dụng máy bay không người lái, lực lượng chức năng có thể thu được bằng chứng các hành vi thải khí không theo quy định và triển khai ngay nhân viên đến những địa điểm này.

Tuần trước, Viện nghiên cứu môi trường quốc gia (NIER), dưới sự giám sát của Bộ Môi trường Hàn Quốc, đã thử nghiệm công nghệ này.

Đợt kiểm tra bằng UAV của NIER được tiến hành ở khoảng 570 cơ sở sản xuất, trong đó có các nhà máy sản xuất vải, quần áo, giầy, đồ da, cao su, giấy, thuốc lá…

Khu vực kiểm tra này có mật độ bụi PM10 (các hạt bụi lơ lửng có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 10 micromet) được ghi nhận trong 3 năm qua. PM10 còn được gọi "bụi mịn".

Để xúc tiến biện pháp trên, một nhóm quan chức NIER sẽ sử dụng các máy bay không người lái có gắn camera và thiết bị giám sát chấ lượng không khí để tuần tra trên bầu trời các nhà máy. Các quan chức cũng sẽ dùng một thiết bị hỗ trợ để phân tích chất lượng không khí.

Nhà chức trách sẽ tiến hành thu bằng chứng là số liệu cùng những hình ảnh và video do UAV ghi lại. Nhìn chung, những loại khí độc mà có thể gây ra các vấn đề về mắt, tim và hệ hô hấp khó có thể nhận ra bằng mắt thường.

"Các nhà máy rõ ràng có sự nhận thức thấp về vấn đề ô nhiễm môi trường, thờ ơ về những hậu quả do hành động của họ gây ra. Chúng tôi hy vọng công nghệ này sẽ giúp chúng tôi xử lý những người vi phạm một cách hiệu quả" - một quan chức NIER đánh giá.

Theo luật pháp của Hàn Quốc, các cơ sở sản xuất không xử lý khí thải và thải khí độc ra môi trường sẽ chịu mức phạt lên tới 100 triệu won (tương đương 87.000 USD) và chịu án tù có thể lên tới 7 năm.

Hàn Quốc thả máy bay không người lái ‘bắt tận tay’ nhà máy thải khí độc - Ảnh 2.

Việc điều tra trên mặt đất trước đây không cho thấy hiệu quả. Với việc áp dụng máy bay không người lái, lực lượng chức năng sẽ có bằng chứng "tận tay, tận mắt" - Ảnh: BỘ MÔI TRƯỜNG HÀN QUỐC

Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết tính từ năm 2016, hơn 57.500 nhà máy trên khắp nước này bị nghi xả khí thải công nghiệp không qua xử lý.

Khoảng 90% trong số này là các nhà máy nhỏ, xả thải ít hơn 10 tấn/năm. Các máy bay không người lái sẽ tập trung tuần tra quanh những nhà máy nhỏ này nằm ở ngoại ô Seoul.

Việc thực thi pháp lực của nhà chức trách nước này ít mang lại kết quả như mong muốn vì các quan chức không thể xác định rõ ràng liệu nhà máy nào đã thải khí độc quá mức cho phép, đặc biệt tại những khu vực nơi gần 90% nhà máy nằm san sát nhau.

Trong khi đó, vấn đề ô nhiễm do "bụi mịn" cũng đang khiến chính phủ Hàn Quốc lo ngại. Bụi mịn là những hại bụi rất nhỏ, mịn hơn cả hạt bột mì, chẳng hạn những hạt bụi trong mỏ than đá gây ra bệnh phổi.

Theo Korea Times, người dân Hàn Quốc cho rằng một lượng lớn "bụi mịn" tại nước này bắt nguồn từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, một dự án giám sát chung giữa Bộ Môi trường Hàn Quốc và NASA hồi năm ngoái cho thấy, trái với những gì người dân nghĩ, chỉ 1/3 "bụi mịn" tại Hàn Quốc đến từ Trung Quốc.

Đánh giá này được thực hiện bởi 580 nhà khoa học đến từ 80 cơ quan địa phương và nước ngoài trong khoảng thời gian từ ngày 2-5 tới 12-6 của năm 2016.

Tuy nhiên, những người chỉ trích đã đặt ra nghi vấn về tính chính xác của nghiên cứu, nói rằng các nhà khoa học đã để Trung Quốc "thoát trách nhiệm" vì tiến hành nghiên cứu vào mùa ấm, thay vì vào mùa đông hay đầu xuân khi mà mật độ bụi mịn ở mức cao.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên