20/04/2024 09:39 GMT+7

Hạn, mặn ở miền Tây: Còn 2 đợt xâm nhập mặn nữa

Hạn, mặn đến sớm và kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gây tổn hại, khó khăn trước mắt và lâu dài. Diễn biến hạn, mặn năm nay như thế nào? Kịch bản nào khi hạn, mặn có thể gay gắt hơn?

Khô hạn kéo dài, kênh cạn nước nên đường giao thông nông thôn ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) bị sụp lún nghiêm trọng - Ảnh: CHÍ CÔNG

Khô hạn kéo dài, kênh cạn nước nên đường giao thông nông thôn ở xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) bị sụp lún nghiêm trọng - Ảnh: CHÍ CÔNG

Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông HOÀNG ĐỨC CƯỜNG - phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - trước những diễn biến phức tạp của hạn, mặn năm nay.

Sẽ còn 2 đợt xâm nhập mặn

Ông HOÀNG ĐỨC CƯỜNG

Ông HOÀNG ĐỨC CƯỜNG

* Thưa ông, sau cuộc kiểm tra vừa rồi của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, đoàn công tác đã đánh giá hạn mặn ở ĐBSCL đang diễn biến ra sao?

- Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đi kiểm tra công tác ứng phó với hạn mặn và việc cấp nước sinh hoạt cho người dân. Báo cáo với Phó thủ tướng, các địa phương cho biết về cơ bản vẫn kiểm soát được tình hình.

Rất nhiều điểm cấp nước của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đã lập ra để cấp nước sạch cho bà con Tiền Giang. Đây là địa phương đầu tiên trên cả nước phải công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã có những giải pháp rất chủ động để ứng phó với các tình hình hạn, mặn. Cập nhật các diễn biến, thay đổi bổ sung các biện pháp để đảm bảo sản xuất, đời sống của người dân.

* Nguyên nhân chính gây ra hạn, mặn ở ĐBSCL trong những tháng vừa qua? Tình trạng hạn, mặn sắp tới như thế nào?

- Biến đổi khí hậu kết hợp với El Nino đã khiến tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt hơn. Chúng ta có thể khẳng định hiện trạng khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt ở ĐBSCL nguyên nhân chính là do tác động của biến đổi khí hậu và El Nino.

Theo dự báo, sẽ còn hai đợt xâm nhập mặn tăng cao (từ ngày 22 đến 28-4 và ngày 7 đến 12-5). Hai đợt này dự báo sẽ vẫn còn tình trạng xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Các dòng sông, nhất là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, dự báo xâm nhập mặn vào sâu 80 - 100km. Còn hệ thống sông Tiền, sông Hậu vào sâu khoảng 45 - 55km.

Mùa mưa năm nay ở ĐBSCL sẽ đến muộn, bắt đầu từ khoảng cuối tháng 5 đến đầu tháng 6. Vậy nên chỉ khi đến mùa mưa thì hạn mặn cũng mới chấm dứt.

Nguồn nước, phù sa về ĐBSCL ngày một ít

* Có nhiều ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn, mặn tại ĐBSCL thời điểm hiện tại có diễn biến phức tạp một phần do các quốc gia ở thượng nguồn sông Mekong chi phối nguồn nước?

- Trong những năm qua, thượng nguồn sông Mekong có rất nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội như xây đập thủy điện, lấy nước sản xuất… Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nước về ĐBSCL.

Lượng phù sa về ĐBSCL giảm rất nhiều, khu vực này ít được bồi đắp phù sa và thậm chí còn xảy ra tình trạng sụp lún. Lượng nước về ĐBSCL đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây và đang tiếp diễn.

Sự suy giảm nguồn nước từ thượng nguồn về sẽ làm gia tăng tính gay gắt của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Lượng phù sa về trong khoảng 15 năm gần đây đã giảm khoảng 57%. Còn dòng chảy cũng thiếu hụt tương đối, nhất là mùa cạn. Chúng tôi dự báo con số này sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.

* Những năm tới, tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL có khốc liệt hơn không, thưa ông?

- Theo cơ quan chuyên môn và đánh giá của bà con ở ĐBSCL thì hạn, mặn năm nay cao hơn hẳn trung bình nhiều năm và năm 2023 nhưng chưa bằng năm hạn mặn khốc liệt 2016 và 2020.

Dù chính quyền địa phương đã có những giải pháp để đảm bảo nước sạch nhưng ở những nơi xa điểm cấp nước, bà con rất vất vả vì thiếu nước. Xâm nhập mặn sâu và độ mặn tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp

Tác động khác của hạn hán, khô hạn là mực nước các kênh, rạch, ao… giảm xuống rất thấp nên sẽ xuất hiện tình trạng sạt lở, sụp lún bờ sông, các bờ kênh, bờ ao như Kiên Giang, Cà Mau đang phải đối mặt.

Hiện tượng El Nino khoảng 3-4 năm sẽ quay lại một lần, bên cạnh đó chúng ta đang phải đối mặt với nhiều yếu tố như nguồn nước, biến đổi khí hậu sẽ khiến ĐBSCL tiếp tục đối mặt với hạn mặn gay gắt.

Người dân ở huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) đo nồng độ mặn để thả nuôi tôm sú trên nền đất lúa - Ảnh: C.CÔNG

Người dân ở huyện An Biên (tỉnh Kiên Giang) đo nồng độ mặn để thả nuôi tôm sú trên nền đất lúa - Ảnh: C.CÔNG

Kịch bản nào khi hạn, mặn gay gắt?

* Với tình hình hạn hán xâm nhập mặn như hiện nay, ông có khuyến cáo gì với chính quyền và nhân dân khu vực?

- Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện theo Ccông điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, gồm những giải pháp mang tính đồng bộ trong ngắn hạn cũng như dài hạn để ứng phó với hạn, mặn.

Các giải pháp ngắn hạn, trước mắt phải đáp ứng nguồn nước sinh hoạt cho người dân và nước cho sản xuất. Còn hơn một tháng nữa hạn mặn mới kết thúc nên chúng ta phải rà soát lại nguồn nước dự trữ, sử dụng hiệu quả. Ưu tiên nguồn nước cho những hoạt động sản xuất nếu không có nước sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng…

Đối với sản xuất nông nghiệp thì vận hành, khai thác tối đa các công trình thủy lợi, tính toán thời gian lấy nước phục vụ sản xuất phù hợp.

Kiên Giang, Cà Mau có hiện tượng sạt lở, sụp lún do hạn hán và còn nguy cơ tiếp diễn, do đó chính quyền địa phương cần phải rà soát và có biện pháp giám sát, cảnh báo sớm cho người dân và doanh nghiệp sinh sống, phát triển sản xuất cạnh những kênh rạch có nguy cơ này.

* Tổng cục Khí tượng thủy văn đã chuẩn bị các kịch bản ra sao để có các kết quả dự báo hạn, mặn sớm?

- Hạn, mặn, nắng nóng không xảy ra một cách tức thời mà có một thời gian, diễn biến lâu dài nên cần phải ứng phó và chủ động từ sớm thì mới có hiệu quả. Tình hình khô hạn, xâm nhập mặn năm nay đã sớm được nhận định sẽ diễn biến gay gắt hơn so với năm ngoái. Đã có đề xuất xuống giống sớm vụ đông xuân 2024.

Tổng cục đã tăng cường tuyên truyền để cảnh báo đánh động cho các cấp chính quyền và người dân biết, chủ động ứng phó giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất và đời sống.

Bên cạnh đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, đơn vị tác nghiệp xây dựng phương án, ứng dụng mô hình dự báo về khí tượng thủy văn mang tính dài hạn từ 3-6 tháng.

Hiện nay, tổng cục đang vận hành hệ thống công nghệ dự báo đảm bảo độ tin cậy cho các bản tin dự báo về tình trạng thiếu nước, thiếu hụt mưa, xâm nhập mặn để từ đó đưa ra các nhận định, cảnh báo sớm, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và chủ động ứng phó cho cộng đồng.

Sau El Nino sẽ xuất hiện La Nina

* Theo dự báo, sau hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện La Nina gây mưa lớn liên tiếp?

- La Nina là trạng thái đối nghịch so với El Nino. La Nina sẽ gây gia tăng lượng mưa, giảm nhiệt độ ở nước ta và khu vực Đông Nam Á. Rất đáng lo ngại khi năm nay La Nina có khả năng xuất hiện vào khoảng thời gian cao điểm mùa mưa, bão ở khu vực Trung Bộ. Chính vì vậy khu vực này có khả năng xuất hiện nhiều bão, mưa lớn, lũ lụt hơn so với bình thường.

Chính quyền các địa phương cần sẵn sàng chuẩn bị phương án ứng phó với mưa lũ có phần cực đoan có thể sẽ liên tiếp xảy ra, có thể gây ngập úng diện rộng, bao gồm cả các khu đô thị, khu công nghiệp... ở Trung Bộ. Đặc biệt những khu vực miền núi ở Trung Bộ vừa trải qua hạn hán do hiện tượng El Nino có nền đất thiếu kết dính khi gặp mưa lớn nguy cơ lũ quét, sạt lở đất rất cao.

Ứng phó xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Hồng

Không chỉ riêng gì ĐBSCL, tại tỉnh Hải Dương (thuộc Đồng bằng sông Hồng) thời điểm hiện tại đã xảy ra xâm nhập mặn. Theo ông Hoàng Đức Cường, xâm nhập mặn không quá căng thẳng như ĐBSCL vì mức độ không sâu, không ảnh hưởng nhiều đến cánh đồng lúa, nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, năm 2023 nguồn nước về hạ lưu của hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình cũng giảm từ 10 - 20%. Ba đợt triều cường từ đầu năm 2024 đến nay tương đối mạnh đã khiến nước biển lấn sâu vào trong dòng sông, nội đồng. Triều cường mạnh, thiếu hụt dòng chảy đã khiến nhiễm mặn sâu hơn so với các năm.

Tại huyện Thanh Hà (Hải Dương), độ mặn cũng cao hơn so với mọi năm. Cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đã chủ động các phương án ứng phó nên thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản không đáng kể.

Kiên Giang sẽ cấp 6.700 bồn chứa nước cho bà con vùng hạn mặnKiên Giang sẽ cấp 6.700 bồn chứa nước cho bà con vùng hạn mặn

Trước tình hình hạn mặn nhiều nơi, Kiên Giang đang khẩn trương đấu thầu mua bồn chứa nước cho bà con vùng sâu, hải đảo để trữ nước ngọt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên