08/07/2010 07:29 GMT+7

Hạn chế xây cao ốc ở trung tâm TP.HCM

Q.THANH - T.VŨ - Đ.VỊNH - T.THÁI
Q.THANH - T.VŨ - Đ.VỊNH - T.THÁI

TT - Chiều 7-7, kỳ họp HĐND TP.HCM họp phiên bế mạc sau ba ngày làm việc.

* Đại lộ Đông - Tây chính thức mang tên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

“Rà soát quản lý quy hoạch đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển; trong công tác cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong khu trung tâm thành phố cần hết sức cân nhắc theo hướng hạn chế tối đa và phải thực hiện theo đúng quy hoạch đã được duyệt” - kiến nghị này của đại biểu Nguyễn Thế Thanh được chủ tịch đoàn kỳ họp tiếp thu, đưa ngay vào dự thảo nghị quyết chung về kinh tế - xã hội sáu tháng cuối năm 2010. Và nội dung này là một trong những điểm mới tại nghị quyết được kỳ họp thông qua.

Ngoài ra, kỳ họp còn thông qua năm nghị quyết khác. Trong đó HĐND TP đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết đặt tên đường Võ Văn Kiệt với tỉ lệ 100% đồng ý. Như vậy, đoạn đại lộ Đông - Tây dài 13,375km từ điểm giáp với quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) đến hầm Thủ Thiêm (phía Q.1) từ nay sẽ mang tên cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.

HĐND TP đã chấp nhận đơn từ nhiệm của Phó chủ tịch HĐND TP Huỳnh Thành Lập để ông nhận nhiệm vụ ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP, phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đồng thời, HĐND TP đã bầu đại biểu Trương Thị Ánh (sinh năm 1959) - thành ủy viên, chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP, đại biểu Quốc hội - giữ chức danh phó chủ tịch HĐND TP nhiệm kỳ 2004-2011.

Tổng kết kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo nói: nhìn chung kinh tế - xã hội TP có sự tăng trưởng khá (GDP sáu tháng đầu năm tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2009, thu hút đầu tư nước ngoài gần 1 tỉ USD, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng...). Tuy nhiên, “sự tăng trưởng chưa gắn với phát triển bền vững và nâng chất lượng sống của người dân. Xử lý ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông còn khó khăn”. Bà Thảo cũng cho rằng điện, nước, điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân, trường lớp học hành, chỗ vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ em... chưa đáp ứng đầy đủ. Riêng hạ tầng đô thị, quản lý đô thị, văn hóa, an toàn thực phẩm còn là nỗi lo của người dân.

Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân trình bày sáu giải pháp lớn đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của sáu tháng cuối năm. Trong đó, ông nhấn mạnh phấn đấu năm 2010 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 11% trở lên, đồng thời khẳng định quyết liệt ngăn ngừa tái lạm phát cao, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.

Ngày 7-7, kỳ họp HĐND của các tỉnh Quảng Nam, An Giang và Kiên Giang đã khai mạc.

* Tại phiên khai mạc, hàng loạt báo cáo thẩm tra của HĐND tỉnh Quảng Nam cùng nhiều ý kiến cử tri đã tỏ thái độ bức xúc về nạn phá rừng và khai khoáng. Theo ông Lê Phước Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý nhà nước, không kiên quyết ngăn chặn xử lý, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước. Ngoài ra, năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp, ngành thiếu và yếu, kinh phí eo hẹp nên gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên. Thường vụ tỉnh ủy đã có công văn chỉ đạo các cấp triển khai chấn chỉnh tình trạng phá rừng, khai khoáng bừa bãi trên tất cả các huyện miền núi chứ không riêng ở vùng thượng nguồn sông Thu Bồn như các cử tri đã nêu.

* Sau khi nghe UBND tỉnh An Giang báo cáo về nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2010, các đại biểu HĐND cho rằng hiện nay lúa hè thu đang ứ đọng, giá thấp; việc nuôi và xuất khẩu cá tra đang gặp khó khăn, tỉnh cần kiến nghị Chính phủ có giải pháp đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa. Ngoài ra, phải khảo sát đưa ra giá thành sản xuất để làm cơ sở cho các doanh nghiệp thu mua lúa đảm bảo nông dân có lãi. Việc điều hành, tổ chức nuôi trồng thủy sản theo hướng gắn kết, chia sẻ lợi ích giữa người nuôi với nhà chế biến, mở rộng thị trường nhằm đảm bảo việc tiêu thụ và phát triển ổn định cho ngành thủy sản cũng là vấn đề các đại biểu quan tâm, kiến nghị.

* Người dân huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang hiến gần 5ha đất từ năm 2007 để xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao của huyện và xã nhưng bị bỏ hoang đến nay. Đây là một trong những bức xúc của cử tri được trưởng Ban văn hóa xã hội HĐND tỉnh Kiên Giang trình bày trong báo cáo thẩm tra tại kỳ họp.

Ngoài ra, cử tri còn phản ảnh việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp quá chậm, cụ thể là Khu công nghiệp Thạnh Lộc (huyện Châu Thành). Nạn ô nhiễm môi trường do các nhà máy, xí nghiệp gây ra ở nhiều nơi trong tỉnh cũng là vấn đề gây bức xúc trong cử tri...

Q.THANH - T.VŨ - Đ.VỊNH - T.THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên